| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi khốn khó

Thứ Ba 11/05/2010 , 10:13 (GMT+7)

Cắt điện luân phiên “đến hẹn lại lên”. Năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại thông báo tình trạng cắt điện có thể “bết bát” hơn năm ngoái. Mới vào đầu mùa nóng, nhiều trang trại chăn nuôi đã bị đình đốn vì… mất điện.

Trứng dễ dàng hư hại do điện liên tục bị cắt
Cắt điện luân phiên “đến hẹn lại lên”. Năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại thông báo tình trạng cắt điện có thể “bết bát” hơn năm ngoái. Mới vào đầu mùa nóng, nhiều trang trại chăn nuôi đã bị đình đốn vì… mất điện.

Mất toi mẻ trứng cả chục triệu!

Mấy ngày này, có về Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) mới cảm nhận hết cái nóng như nung của những ngày đầu hè. Ngoài đường, nắng như đổ lửa. Trong nhà, hầm hập hơi nóng hắt ra từ những chiếc lò ấp trứng vịt. Đại Xuyên là “đại bản doanh” của vịt giống, khu vực này là nơi cung cấp giống cho cả Hà Tây (cũ) và một số tỉnh lân cận. Vịt, ngan Đại Xuyên nổi tiếng giống tốt, thịt ngon, thời gian sinh trưởng ngắn và cho hiệu quả kinh tế cao đối với người chăn nuôi.

Tuy nhiên, tình trạng mất điện do bị cắt luân phiên trong những ngày này đã làm cho nhiều hộ dân điêu đứng. Chỉ tay vào tủ trứng đang ấp dở, ông Nguyễn Xuân Cung, một người chuyên làm nghề ấp trứng đã nhiều năm ở đây bức xúc: “Đấy anh xem, riêng ấp trứng phải có điện liên tục để duy trì nhiệt cho trứng, nhưng có lần “các ông đấy” (ngành điện - PV) cắt điện đến mấy hôm liền, thậm chí cắt không báo trước. Hôm nọ, nhà tôi bị hỏng một mẻ trứng gần 1.000 quả đã ấp được 17 ngày, đi đứt hơn chục triệu đồng”. Để gỡ lại, ông Cung đang vào lò tiếp mẻ trứng với số lượng lên đến gần 2.000 quả, với hy vọng, điện lưới ổn định, mẻ trứng sẽ được ấp nở thành công.

Không riêng gia đình ông Cung, nhiều hộ sản xuất vịt, ngan giống ở Đại Xuyên cũng đang trong tình trạng “khóc dở mếu dở” với “ông điện”, vì bị cắt liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng con giống ấp nở, thậm chí còn hỏng hoàn toàn. Để khắc phục tình trạng mất điện dài ngày, hầu hết các hộ dân ở đây đã phải mua các máy phát điện công suất lớn thay điện lưới. Ông Hoan ở thôn Đại Xuyên tính toán: “Để duy trì đủ nhiệt liên tục cho lò ấp 1.000 trứng, tối thiểu phải sử dụng máy phát điện dùng nhiên liệu xăng có công suất từ 3.000W trở lên, trung bình mỗi tiếng đồng hồ mất 2-3 lít xăng (tương đương 33.000-55.000 đồng). Như vậy, mỗi ngày, một lò ấp trứng cỡ trung bình tiêu tốn ít nhất 500.000-600.000 đồng, trong khi nếu chạy điện lưới chi phí chỉ bằng 50%. Do lo ngại tình trạng mất điện còn kéo dài, một số hộ dân hiện đã chủ động giảm lượng ấp trứng xuống chỉ còn trên dưới 50%, bởi nếu càng ấp nhiều, sẽ càng lỗ nặng. Điều này, cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ chăn nuôi chuyên lấy gia cầm giống do nguồn cung cấp bị gián đoạn. Ông Nguyễn Đăng Hùng, ở Hà Nam nói: “Tôi vừa bán lứa vịt 500 con, định qua đây lấy 700 con giống, nhưng chỉ lấy được có 300 con, mà giá còn cao hơn bình thường 2.000-3.000 đồng/con do các chủ lò ấp bảo chi phí đội lên do phải dùng máy phát điện”.

Trang trại lớn cũng “đứt”!

+ Trồng trọt cũng bị ảnh hưởng

Tính đến thời điểm này, do miền Bắc vừa trải qua một số đợt mưa, cộng với lúa đông xuân đã bước vào thời kỳ xuôi quả, nên về cơ bản việc cắt điện không mấy ảnh hưởng đến trồng trọt.

Ông Đàm Hoà Bình - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi, Tổng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Việc tưới của các trạm bơm hiện không ảnh hưởng nhiều, chỉ có điều do các hồ không còn nhiều nước, đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điện”. Tuy nhiên, tại thời điểm này các hộ dân trồng hoa, cây cảnh vẫn cần sử dụng điện để phục vụ việc thắp sáng và tưới phun sương cho cây, việc cắt điện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các hộ dân này.

+ Cắt điện nhiều là do độc quyền?

Trao đổi với NNVN bên lề phiên họp UBTVQH cuối tuần qua, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho biết, ông rất thông cảm với vấn đề thiếu điện và tình trạng cắt điện vô tội vạ, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, đặc biệt là khu vực nông thôn. “Bây giờ đặt ra câu hỏi là không biết tại sao tình trạng này lại diễn ra nhiều năm mà không khắc phục được? Hay tại vì độc quyền của anh quản lý điện?”, Chủ nhiệm VPQH bức xúc đặt hàng loạt câu hỏi, đồng thời đề nghị Chính phủ nên giải thích minh bạch với dân về tình trạng cắt điện vô tội vạ này.

Trại chăn nuôi với quy mô hơn 5.000m2 của anh Trần Văn Quyết ở xã Việt Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đang có hơn 1.000 con lợn thương phẩm các loại. Thời điểm này, theo anh Quyết, do nắng nóng nên hệ thống chuồng trại cần cung cấp điện hơn bao giờ hết. Thứ nhất, lợn siêu nạc nuôi bằng cám ăn thẳng nên cần quạt làm mát. Thứ hai, do tình hình dịch bệnh trên gia súc ở một số tỉnh lân cận đang diễn biến phức tạp nên trang trại của anh càng cần điện để vệ sinh chuồng trại, tránh ủ bệnh. Tuy nhiên, cứ với tình trạng cắt điện luân phiên thế này, anh Quyết không chắc rằng lứa lợn này sẽ có lãi.

Trước đây, khi xây dựng khu chăn nuôi này, anh Quyết đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng cho 1 trạm biến áp riêng. “Nhưng việc này chỉ hiệu quả khi điện được cấp liên tục, chứ “phập phù” thế này thì trạm biến áp cũng chỉ là khối sắt vụn mà thôi”, anh Quyết bức xúc. Năm ngoái, do cắt điện luân phiên, trang trại của anh có 400 con lợn thì 10% trong số này bị chết, nhiều con ở tình trạng yếu, không chịu ăn và còi cọc. Mặc dù đã tìm mọi biện pháp cứu vãn đàn lợn nhưng điều kiện thời tiết khắc nghiệt cộng thêm nguồn điện “phập phù” nên mọi cố gắng của anh đều trở nên vô nghĩa. Dù phải chi các khoản như xăng dầu, máy móc, hệ thống phông bạt, làm mát gấp 1,5 - 2 lần so với bình thường nhưng trang trại vẫn không khác nào “lò bát quái”.

Không chỉ ở Bắc Giang, nhiều trang trại chăn nuôi ở Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam… cũng khốn đốn do mất điện, chăn nuôi đình đốn, làm ăn thua lỗ. Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, ở thôn Lai Thịnh, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) tâm sự: “Mặc dù trang trại thiết kế theo kiểu chuồng hở và luôn có máy phát điện độc lập nhưng cũng khó chống được với việc mất điện đột xuất. Thực trạng này gây thiệt hại rất lớn trong chăn nuôi mà đáng sợ nhất là tốc độ lợn chết rất nhanh. Điều này dẫn tới việc xử lý quá tải, chúng tôi chủ yếu chọn giải pháp chôn lấp tại chỗ, vẫn biết đây chính là nguy cơ khiến dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào nhưng chẳng ai biết lựa chọn phương án khả quan hơn”.

Hiện tại, việc chăn nuôi ở các trang trại đang gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng cắt điện vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ được cải thiện. Người chăn nuôi đang rất cần sự vào cuộc của ngành điện và chính quyền địa phương. Biện pháp hữu hiệu đầu tiên để không bị xoá sổ các trang trại chăn nuôi là cần ưu tiên cấp điện, đồng thời cần có giải pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi đang có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất