| Hotline: 0983.970.780

Chăn vịt như vợ chồng em gái cháu cũng đâu phải hèn?

Thứ Tư 12/10/2016 , 06:50 (GMT+7)

Giờ cháu đã về, không đủ trình độ để học lên sĩ quan được. Cháu đang ở ngã ba đường đây cô. Ba má cháu đã gả em gái cháu cho người ở xã bên, cũng nghèo, đất ít, vợ chồng nó có nghề làm thêm là nuôi vịt giống...

Cô kính mến!

Cháu lớn lên với ba má ở nông thôn, khi lên cấp III thì được bà ngoại đem ra thị trấn học. Ngoại của cháu sống với cậu Hai của cháu, nhưng ngoại có một túp nhà nhỏ trên đất cậu mợ, hai bà cháu sống độc lập chớ không liên quan đến kinh tế của cậu Hai. Ngoại của cháu có nghề làm bì da bỏ mối, cậu sắm cho ngoại một cái máy cắt bì, ngoại đi mua da, làm sạch, bì da của ngoại rất an toàn nên cả thị trấn biết và đặt hàng, ngoại sống được.

Cháu cũng giúp ngoại rất nhiều, cạo da, mua củi phơi để dành, nhóm lửa luộc da, đi bỏ mối… cháu đỡ đần, ngoại thích lắm. Ba năm học vèo đi, cháu mất cơ bản học hồi cơ sở ở trong xã nên không được hạng giỏi. Ba má đăng ký cho cháu đi nghĩa vụ, ngoại thương lắm nhưng không biết sao.

Giờ cháu đã về, không đủ trình độ để học lên sĩ quan được. Cháu đang ở ngã ba đường đây cô. Ba má cháu đã gả em gái cháu cho người ở xã bên, cũng nghèo, đất ít, vợ chồng nó có nghề làm thêm là nuôi vịt giống. Ngoại cháu than thở hoài, nói, một bước nữa là thành dân chăn vịt, nghề mạt hạng của nông thôn. Cháu không nghĩ như ngoại, nghề gì mà có tiền cũng đàng hoàng cả, sao có nghề cao quý, nghề thấp kém hả cô?

Ngoại muốn cháu ở thị trấn với ngoại, nối nghiệp nghề bì da. Nhưng cháu thấy nó bó hẹp, cả đời như vậy, làm sao có mở mang? Cậu Hai nói xin cho cháu đi làm bảo vệ, ngoại nói đó mới là bó buộc, nữa có vợ con thì đêm hôm cũng phải vắng nhà, sao bằng nghề của ngoại, ban ngày làm, ban đêm ngủ ngon, nữa sẽ nói cậu Hai bán lại cho khoảnh đất nầy rồi dành dụm xây nhà, cũng mát mặt như ai.

Cháu hoang mang lắm cô. Cô cho cháu mấy lời khuyên nha cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô biết có những người khởi nghiệp khó khăn. Nhưng cháu đang ở thời khởi nghiệp đó cháu.

Đi nghĩa vụ quân sự giúp ích cho cháu rất nhiều ở tác phong, kỷ cương và suy nghĩ về cuộc sống. Cô biết có rất nhiều người tự nguyện đi nghĩa vụ, họ còn ra hải đảo để rèn luyện và có thu nhập cao cho gia đình. Cô cũng biết sau nghĩa vụ các thanh niên thường được chu cấp cho một khoản tiền nho nhỏ để bắt đầu kiếm sống, dù không nhiều nhưng đó cũng là sự an ủi phần nào.

Nhưng nông thôn u ám, như bà ngoại cháu nghĩ, cháu đứng chân ở thị trấn vẫn có cơ hội hơn. Và từ đó cháu quan sát kinh tế thị trấn, rồi quan sát rộng hơn, từ từ tìm cho mình một công việc. Không ai có sẵn bà ngoại để làm hậu phương như cháu có, không ai có một nghề dù thuộc về chân tay cực nhọc nhưng là nghề gia truyền như bà ngoại muốn cháu kế thừa. Và không ai đưa ra những lời khuyên từng trải như ngoại khuyên.

Không gì hơn là dành thời gian thích đáng với ngoại. Rồi cháu sẽ thấy có yêu việc mà ngoại mong muốn hay không. Dĩ nhiên đó là một công việc không có bằng cấp và nó cũng không yêu cầu bằng cấp. Thử nghĩ khi cháu lập gia đình, cháu có việc từ ngoại, công việc mà vợ cháu có thể làm một xe bún bì, hay xe bánh mì bì độ nhật cũng đâu phải kém cỏi.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Ông bà mình mãi nhắc nhở như vậy. Và cô vẫn nhắc, ăn chắc mặc bền, cứ những việc nhỏ mà làm rồi sẽ có ngày mình mở mày mở mặt nếu chí ta lớn. Chăn vịt như vợ chồng em gái cháu cũng đâu phải hèn, Đoàn Văn Vươn từng bị lao tù, khi tự do, ông ấy có chí nuôi vịt biển, giờ ai cũng biết vịt biển Đoàn Văn Vươn đó thôi.

Không vội được đâu, nhất là chuyện khởi nghiệp và mưu sinh cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.