| Hotline: 0983.970.780

Chàng thủ khoa và nỗi lo của mẹ

Thứ Hai 01/08/2011 , 10:24 (GMT+7)

Vượt qua cầu Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), chúng tôi về thôn Cao Cựu (xã Quảng Hoà) tìm đến nhà thủ khoa Phạm Thái Sơn.

Thủ khoa Phạm Thái Sơn vui mừng bên bố mẹ

Vượt qua cầu Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), chúng tôi về thôn Cao Cựu (xã Quảng Hoà) tìm đến nhà thủ khoa Phạm Thái Sơn. Sơn dự thi khối B vào Trường Đại học Y - Dược Huế với 29,5 điểm (Toán 10, Lý 9,75, Hoá 9,75).

Ba lần kiểm điểm

Từ lớp 1 đến lớp 12 thì có tới 11 năm Sơn được xếp học sinh giỏi. Duy nhất năm học lớp 7 bị tụt hạng vì mải chơi... game. Hồi đó, Sơn say rồi đến nghiện chơi món này. Trốn học cũng thường xuyên. Thấy con học sút, anh Phạm Văn Bảo (bố Sơn) theo dõi và bắt quả tang cu cậu đang dán mắt vào màn hình súng nổ đì đùng. Sơn nhận lỗi và tự viết bản kiểm điểm hứa sửa chữa, nhưng cũng chỉ được ba ngày cu cậu lại trốn học vào quán nét.

Sau ba lần bị bố bắt được, ba lần viết bản kiểm điểm dán trên cánh tủ giữa nhà thì Sơn mới hạ quyết tâm từ bỏ game. Sau khi được động viên, Sơn đã thức tỉnh tiếp tục gặt hái kết quả đáng nể và liên tiếp đạt học sinh giỏi. Bỏ qua lời rủ rê của bạn bè, Sơn lao vào học để bù thời gian ham chơi. Sau khi được tuyển chọn đi thi, Sơn ẵm luôn giải nhì môn Toán, Hóa của kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Quảng Bình. Sau đó, cậu tiếp tục được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh. 

Góc học tập của Sơn được bố trí ở gian bếp. Bàn học là tấm phản gỗ đã cũ. Mỗi lần học bài, cậu phải dọn hết đồ linh tinh để trên phản mới có chỗ bỏ sách vở ra học. “Em học theo cách riêng. Tuỳ theo từng hôm mà học. Nghĩa là hứng thú môn nào thì lấy sách ra học. Cách này được cái dễ nhớ và nhớ lâu. Nếu ngày mai có học môn hoá mà chưa cảm thấy hứng thú thì em cũng tạm gác lại vì học ép như vậy rất khó vào", Sơn nhỏ nhẹ tâm sự.

Những hôm trên lớp học, Sơn cố hiểu hết bài giảng của thầy cô. Phương châm hiểu tại lớp được Sơn tận dụng tối đa. Chính vì vậy, Sơn có thêm thời gian để tự tìm sách tham khảo, sách nâng cao để tự học thêm. Bài nào bí thì hôm sau đến lớp hỏi thầy cô. “Nếu nắm chắc phần lý thuyết thì đó là chìa khoá để làm tốt phần bài tập. Đối với môn Sinh, nắm vững lý thuyết là chắc thắng lớn. Môn Hoá thì phải nắm chắc kiến thức từ lớp 8 đến lớp 12. Nói chung, không nên kỳ vọng vào sách nâng cao, sách tham khảo mà cốt lõi là học, hiểu kỹ chương trình trong sách giáo khoa vì đó là chìa khoá của thành công trong học tập”, Sơn chia sẻ.

Nỗi lo của mẹ

Gia đình Sơn có 5 người, gồm bố mẹ và 2 em. Kế dưới Sơn là em Hải năm nay vào lớp 11 và sau chót là cu Hà vào lớp 4. Là anh cả nên mọi việc Sơn cũng phải “gánh” trọng trách trước các em. Ngoài việc nấu ăn, chăm sóc lợn gà, Sơn còn khá vững tay trong việc nhà nông như gieo, bón phân cho lúa, đi gặt.

Ngoài 5 sào ruộng, anh Bảo phải quần quật làm thêm các nghề: phụ hồ, tuốt lúa, lái công nông để kiếm thêm thu nhập. Chị Nguyễn Thị Quyên (mẹ của Sơn) ngoài việc đồng áng cũng có nghề phụ may mặc. Tuy nhiên, vùng quê nghèo nên chủ yếu là may vá giúp bà con chứ thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Từ năm ngoái đến giờ, hai vợ chồng dành dụm được gần chục triệu đồng để cho Sơn đi thi. Khoảng một tháng trước kỳ thi thì Sơn đổ bệnh.

Cậu bị nhọt đinh ở chân, điều trị hơn chục ngày không khỏi phải đưa đi phẫu thuật tại bệnh viện huyện. Vết mổ nhiễm trùng khiến cậu phải nằm viện hơn chục ngày, mất gần nửa số tiền dành dụm được. Cả hai kỳ thi khối A (ở TP Vinh, Nghệ An) và khối B (ở TP Huế), Sơn đều trong tình trạng cảm sốt, người mệt mỏi. Được bố động viên hàng ngày, Sơn gắng gượng trong từng môn thi. Cũng may mọi chuyện đều tốt đẹp. Điểm thi khối A vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ngành Điện tử viễn thông - Công nghệ thông tin) của Sơn cũng đạt khá cao với 27 điểm.

Nhà Sơn nghèo, đồ đạc bày biện trong nhà chẳng có gì. Đáng giá nhất là chiếc tivi và cái tủ gỗ cũ kĩ. Ngay cả 3 năm học cuối cấp, Sơn cũng không có xe đạp để đi. Chặng đường đến trường hơn 2 cây số làm bạn với cậu mỗi ngày. Thi thoảng, bạn bè thấy thương cho ké xe đạp đỡ mỏi chân dưới nắng hè khét lẹt. Bây giờ, căn nhà ồn ã tiếng cười.

Hay tin học trò mình đỗ thủ khoa Đại học Huế, thầy giáo Phạm Quang Úy (giáo viên chủ nhiệm của Sơn) vui mừng khoe: Sơn là một học trò rất ngoan hiền, chịu khó học hỏi và tiếp thu bài rất nhanh. Em có tinh thần tự học rất cao và có nghị lực vượt qua cuộc sống khó khăn.

Ông ngoại Sơn - cụ Nguyễn Tích, đã gần 80 tuổi, ngồi gần đứa cháu, tay cứ xoa lên đầu. Thi thoảng, ông lại đưa tay lau nước mắt sung sướng vì cháu đỗ thủ khoa đại học. "Mai này học xong ra làm bác sỹ thì không biết ông còn sống để cháu chữa căn bệnh đau lưng không. Nhưng cháu nhớ là học xong thì về quê để giúp cho bà con còn nghèo ở quanh mình đó nghe”, cụ Tích dặn dò cháu mình.

Bà con xóm giềng hay tin quê mình có thủ khoa đến chia vui khá đông. Ai cũng khen cu Sơn giỏi giang khiến cả xóm rạng danh. Anh Bảo, chị Quyên pha nước mời bà con trong niềm vui pha lẫn chút lo. Khi chúng tôi hỏi đã chuẩn bị gì cho việc nhập học của Sơn chưa? Chị Quyên nói nhỏ: "Thực lòng chưa có gì để chuẩn bị. Có được chút tiền dành dụm thì chi phí vô chữa bệnh và hai kỳ thi rồi. Còn nợ thêm mấy triệu. Khoảng tháng nữa cháu vô trường nhập học trong Huế thì phải bán vài tạ thóc để có tiền cho con đi. Ở nhà không lo đói mô. Nhưng làm ra tiền nuôi con học mấy năm cũng không dễ dàng đối với người làm nông. Nhưng ai cũng cố gắng thì chắc vượt lên được thôi".

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024

Mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp quý II là tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 3,37%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14 - 14,5 tỷ USD.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.