| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai khiếm thính níu giữ gốm vuốt tay

Thứ Ba 08/01/2013 , 09:48 (GMT+7)

"Người có đôi bàn tay ma thuật”. Đó lời người dân làng gốm Bát Tràng dành cho anh Phạm Anh Đạo...

"Người có đôi bàn tay ma thuật”. Đó lời người dân làng gốm Bát Tràng dành cho anh Phạm Anh Đạo (SN 1977) ở xóm 2, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Hơn 20 năm làm nghề, Đạo đã biến những cục đất vô tri, vô giác thành những tuyệt tác bằng đôi tay của mình.

GỬI CẢ TÂM HỒN VÀO GỐM

Chúng tôi có mặt tại làng gốm Bát Tràng với ý định muốn chiêm ngưỡng gốm làm bằng thủ công thì được người dân chỉ về lò gốm của anh Đạo. Họ bảo rằng, cả vùng này chỉ có “gã điếc” ấy làm bằng tay thôi, chứ nhà nào cũng làm bằng khuôn, bằng máy hết rồi.

Chúng tôi tìm đến cơ sở của Đạo rất dễ dàng. Đón khách là một phụ nữ nở nụ cười mời vào nhà. Ngồi uống chén nước, ngỏ ý muốn gặp anh Đạo thì người phụ nữ bảo rằng, anh ấy đang làm ở phía sau xưởng. Rồi chị nói thêm: “Sắp tới vợ chồng tôi bàn giao một lô hàng lớn nên anh ấy phải làm ngày, làm đêm để cho kịp”. Mặc dù thấy chúng tôi nhưng anh Đạo vẫn say sưa vuốt nặn những cục đất sét. Khi chúng tôi lên tiếng, anh Đạo vẫn chẳng nói, chẳng rằng. Thấy vậy, người phụ nữ tiết lộ: Chồng tôi bị bệnh lãng tai. Muốn nói chuyện với anh ấy thì phải ghé sát tai mà nói.

Nghe theo lời vợ của Đạo là chị Nguyễn Mỹ Linh, tôi liền nói: Anh nghỉ tay nói chuyện với bọn em một lúc được không? Nghe xong, Đạo liền gật đầu và bảo với chúng tôi: Có gì cứ hỏi vợ tôi, vợ “nắm” hết rồi.


Những sản phẩm Phạm Anh Đạo làm ra luôn có phần giúp đỡ của vợ

Bản tính ít nói, lại ngại bộc bạch về mình khiến cho câu chuyện xoay quanh người thợ gốm đặc biệt này lại được kể với chúng tôi qua “phát ngôn viên” là vợ của Đạo. Cũng vì thế mọi người vẫn nói vui rằng chị Linh vừa là bạn đời, lại là thợ phụ kiêm… thư ký của anh.

Chị Linh cho biết về chồng mình như sau: “Anh sinh bị thiếu tháng, thiếu cân nên không được khỏe mạnh cho lắm, đau ốm triền miên. Học hết lớp 6, anh phải bỏ dở ước mơ đến trường bởi vì trận ốm kéo dài phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, đã lấy đi thính giác của anh”.

Gác lại con đường học hành, không nản chí mà Đạo bắt đầu tiếp xúc với gốm. Sau những ngày tháng phụ bố làm gốm trong gia đình, Đạo đã đến làm việc tại xưởng gốm có tên là Hằng Hợp. Một thời gian sau lại chuyển vào làm tại Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Đây cũng chính “lò” đào tạo Đạo trở thành thợ làm gốm của ngày hôm nay.

Vào năm 2002, người dân Bát Tràng thi nhau mở các nhà máy, xưởng sản xuất gốm công nghệ cao, vì các sản phẩm gốm được làm ra nhanh hơn, nhiều hơn và có được thu nhập cao hơn, thì trong suy nghĩ của anh luôn đau đáu 1 câu hỏi: “Ngày xưa cha ông vẫn làm và sống được với các sản phẩm gốm vuốt bằng tay, thì tại sao bây giờ mọi người lại bỏ hết?”.

Và anh cũng tự lý giải cho câu hỏi của mình, Đạo bảo với chúng tôi: “Gốm được làm theo công nghiệp thì gọi là sản phẩm, còn gốm làm ra bởi những đôi tay gọi là tác phẩm nghệ thuật. Bởi cùng một loại, gốm công nghiệp 1.000 cái thì 1.000 cái giống nhau. Trong khi đó, dù là cùng loại, nhưng gốm làm ra từ đôi tay cái nào cũng khác nhau. Bởi lẽ khi làm gốm, người làm bằng tay có cả tâm hồn, sự ngẫu hứng và niềm đam mê nằm trong đó”.

YÊU GỐM HƠN VỢ

Chị Linh nói về chồng mình với chúng tôi: “Chồng tôi coi vợ là đất, còn vợ của anh đâu có coi là vợ”. Tôi hỏi: Sao lại thế? Chị Linh kể: “Hôm em bị ốm nhờ chồng chở đến trạm xá, ai đời vợ thì đang đau bụng như thế, đi qua đình làng thấy người ta đang vẽ, nặn hai con rồng thì anh Đạo liền dừng xe lại, mặc kệ cho vợ ôm bụng quằn quại, lẩn vào đám đông ngắm người ta vẽ, nặn cả giờ đồng hồ. Hoặc như bây giờ, mỗi bữa cơm chỉ có hai mẹ con ăn, còn anh ngồi nặn, vuốt đất chẳng để ý đến lời vợ gọi…”.

Nói là nói vậy nhưng ngay từ ngày đầu chị xem anh làm gốm tại hội diễn của làng, chị đã cảm phục chàng trai có tài tạo ra các sản phẩm gốm từ đôi bàn tay. Gia đình chị Linh cũng làm gốm nhưng chị chưa từng thấy ai làm ra sản phẩm gốm từ đôi tay bao giờ. Rồi duyên số đưa đẩy, anh chị đến với nhau.


Khác với gốm công nghiệp, những sản phẩm làm ra bằng tay có nhiều 
mẫu mã khác nhau

Năm 2006, anh Đạo vinh dự đón nhận danh hiệu Thanh niên Thủ đô tiêu biểu; cũng năm đó, đoạt giải xuất sắc trong hội thi bàn tay vàng nghề gốm sứ. Tiếp đến, năm 2009, anh Đạo được vinh danh tại Đại hội tài năng trẻ Việt Nam; 10 gương mặt trẻ Thủ đô năm 2009. Tháng 10/2010, chàng trai khiếm thính này còn nhận được Giấy khen của hội thi thao diễn tay nghề, nghệ nhân, thợ giỏi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đầu năm 2012, Đạo được công nhận nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.

Ngày mới lấy nhau, ban đầu thấy anh chỉ tạo ra được những sản phẩm nhỏ, trong khi, chị chỉ giúp được những công việc phụ, làm bằng tay chỉ có 1 mình anh làm được, lại vất vả vô cùng nên chị bàn với anh làm gốm bằng máy, nhưng Đạo nói, nếu muốn thì cho vợ mua máy về làm một mình, còn anh vẫn quyết định làm bằng tay. 

Chị Linh kể: “Có một lần khách đặt 600 bình gốm với đường kính 60 cm, chiều cao 40 cm, sau 3 tháng sẽ nhận hàng. Lúc đó tôi rất lo bởi anh Đạo chưa bao giờ làm ra số lượng lớn như vậy nên không dám nhận. Tôi đem chuyện về kể lại với chồng thì anh nói: Em cứ nhận đi và anh sẽ cố gắng làm. Sau khi kí kết, vợ chồng tôi mất cả 1 tháng làm việc cật lực. Hết quay dọc rồi chỉnh ngang cuối cùng cũng có được sản phẩm đầu tiên đúng với yêu cầu. Và cũng từ sản phẩm đó, vợ chồng tôi rút kinh nghiệm làm những sản phẩm sau, rồi những sản phẩm có kích cỡ lớn hơn”.

Lô hàng đầu tiên thành công, tiếng tăm của anh được nhiều người biết đến. Và nhiều năm nay hãng cafe Trung Nguyên liên tục đặt hàng, mỗi đợt ít cũng vài trăm triệu đồng, lớn thì lên đến tiền tỉ với hàng ngàn bình gốm. Ngoài ra, các hoạ sĩ nổi tiếng cũng thường xuyên đặt mua gốm của Đạo để vẽ chân dung tặng bạn bè. Có một số người đến tìm mua đưa ra nước ngoài…

Rời cơ sở của anh Đào ra về, nhìn anh vuốt gốm, cái đầu lắc lư theo nhịp bàn xoay, khuôn mặt rạng ngời khi hoàn thành một sản phẩm mới thấy được hết tình yêu của người nghệ nhân khiếm thính với các sản phẩm gốm thủ công lớn đến thế nào.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất