| Hotline: 0983.970.780

Chàng trai Nùng& thương hiệu gạo Già Dui

Thứ Hai 04/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Đến huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang mà không thưởng thức gà xương đen với gạo Già Dui thì coi như phí chuyến đi. Gạo Già Dui chỉ trồng được ở xã Thèn Phàng. Gần chục năm qua, anh Sin Văn Tinh - chàng trai người Nùng đã và đang gây dựng thương hiệu cho gạo Già Dui.

Đến huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang mà không thưởng thức gà xương đen với gạo Già Dui thì coi như phí chuyến đi. Gà xương đen ở xã nào cũng có, nhưng gạo Già Dui chỉ trồng được ở xã Thèn Phàng. Gần chục năm qua, anh Sin Văn Tinh - chàng trai người Nùng đã và đang gây dựng thương hiệu cho gạo Già Dui.  

Đường lên Thèn Phàng nhuộm vàng bởi màu lúa chín. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp như đôi lông mày của thiếu nữ. Nhà ông chủ nhiệm HTX nằm cạnh đường đi lên cửa khẩu Xín Mần, phía trước nhà treo tấm biển: HTX dịch vụ tổng hợp Thèn Phàng. Ông chủ nhiệm có lẽ phải ngoài năm mươi tuổi, tôi đoán vậy, anh Tinh tủm tỉm cười: “Năm nay tôi chưa đến bốn mươi tuổi. Từ giờ chú gọi tôi bằng anh thì tôi tiếp còn gọi bằng ông, e tôi tổn thọ mất…”.

Nhường suất học cho anh

Sinh ra trong một gia đình đông anh em nên Tinh vất vả từ nhỏ. Nhà nghèo, quanh năm Tinh phải ăn đói mặc rét. Năm Tinh lên 3 tuổi thì bố mất. Một mình mẹ phải tần tảo sớm hôm nuôi 6 anh em. Tuổi thơ của Tinh là những tháng ngày cùng mẹ lặn lội trên núi Gia Long để tìm củ mài sống qua bữa. Nhà nghèo nhưng anh em Tinh ai cũng ngoan ngoãn vâng lời mẹ và chăm chỉ học hành, dù chuyện học hành lúc đó ở nơi vùng biên giới này còn là khái niệm xa lạ. Thời đó để đi học phải đi bộ vượt núi hơn 50 km. Cũng vì khó khăn như vậy nên xã Thèn Phàng có 48 người “gánh cơm đi đổi cái chữ” nhưng cuối cùng chỉ 5 người tốt nghiệp được PTTH trong đó có Tinh.

Với học lực khá, cơ hội để Tinh thoát khỏi núi rừng thâm u Thèn Phàng hoàn toàn nằm trong tầm tay. Thực lòng Tinh rất thích đi học nhưng Tinh thương mẹ vất vả. Tinh nghĩ, nếu cả mấy anh em cùng đi học, nhà không có gì ăn. Thế nên Tinh quyết định ở nhà giúp mẹ nhường cho anh trai đi học.  

Gạo Già Dui được trồng trên độ cao cả ngàn mét

Nhà Tinh vốn ít ruộng nên Tinh phải đi làm thuê, làm mướn cho các gia đình khác. Suốt những năm tháng tuổi thơ đánh vật với đất đai, ruộng vườn khiến Tinh yêu mảnh đất này như thân thể mình vậy. Nhờ nhường suất đi học cho anh nên anh trai thứ hai của Tinh tốt nghiệp trường sư phạm, về làm thầy giáo của bản, anh trai cả là thành viên trong Ban quản lí HTX Thèn Phàng.

Năm 1993, Tinh lấy vợ là người cùng bản. Cuối năm đó, mẹ gọi 3 đứa con trai về họp gia đình để chia ruộng nương, mẹ Tinh bảo: “Nhà chỉ có vài sào ruộng, các con nhận lấy rồi tự quản lý theo cách của mình..”. Tinh được chia toàn bộ ruộng nương trên ngọn núi cao, nơi mà anh đã gửi gắm cả thời bé thơ nhọc nhằn. Chia ruộng xong, chẳng bao lâu mẹ Tinh qua đời.

Đánh thức đặc sản gạo Già Dui

Cả đời gắn bó với cây lúa và ruộng đồng Thèn Phàng nên Tinh yêu vùng đất này lắm! Tinh luôn canh cánh là làm sao thoát được đói nghèo. Thỉnh thoảng xem trên ti vi thấy nhiều vùng đặc sản đăng ký thương hiệu cho địa phương mình nên Tinh quyết tâm tìm hiểu, học hỏi.

Qua tìm hiểu của Tinh thì lúa Già Dui có xuất xứ là nguồn giống địa phương được bà con xã Nàn Xỉn gìn giữ và lưu truyền. Trải qua thời gian dài, giống có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Chất lượng gạo Già Dui thì miễn chê. Tinh phân tích chẳng khác gì một nhà nông học, lúa Già Dui chỉ đạt “đỉnh” về độ dinh dưỡng cũng như hương vị khi nó được trồng 1 vụ trên độ cao từ 1.100 - 1.200m so với mực nước biển. Qua quá trình chọn lọc tự nhiên, lúa được mang về trồng nhiều, chất lượng tốt nhất trên đất xã Thèn Phàng.

Đặc biệt hơn gạo Già Dui chỉ thơm ngon tuyệt hảo khi được trồng tại thôn Khâu Tinh và Khâu Táo. Hai thôn trên có chất đất tốt, độ cao thích hợp và chịu ảnh hưởng trực tiếp nguồn khí hậu đối lưu theo hướng gió Đông Nam dội về, hội tụ lại đây bởi sự che chắn của đỉnh núi Gia Long cao 2.000m, cộng hơi ẩm bốc lên do dòng sông Chảy đầu nguồn. Bao đời nay, gạo Già Dui được xem là quà tặng của thiên nhiên đối với con người trên vùng đất nghèo.  

Gạo Già Dui nay đã có thương hiệu

Đặc sản thì có từ lâu vậy mà người dân quê mình vẫn nghèo? Câu hỏi đó cứ thôi thúc Tinh phải tìm ra lời giải. Anh nghĩ, giờ mình cứ thử đóng gói gạo Già Dui rồi gửi các thầy cô giáo mang về xuôi quảng cáo giúp. Không dừng lại ở đó, cứ mỗi lần cán bộ tỉnh, huyện đến xã họp, Tinh đều biếu mỗi vị vài cân gạo gọi là đặc sản quê hương về ăn thử. Cách quảng cáo đó đã mang lại hiệu quả cao. Nhiều người ăn thử thấy ngon, lâu dần họ đâm “nghiện” thứ gạo của Thèn Phàng. Tinh thầm nghĩ, nhu cầu ngày một lớn nhưng vẫn cái cách xát gạo thủ công như hiện nay thì không ổn lắm. Bởi lẽ gạo thì ngon nhưng hình thức không đẹp. Hơn nữa, ai lại bán gạo mà cứ đóng vào mấy cái bao tải đen nhẻm thì không hợp.

Sau nhiều ngày đêm trăn trở, Tinh cho rằng, nếu mình thành lập HTX thì việc buôn bán sẽ “danh chính ngôn thuận” hơn. Thế là Tinh vận động một số anh em trong thôn cùng góp vốn để xây dựng HTX dịch vụ Tổng hợp Thèn Phàng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là gạo. Sau những ngày lóng ngóng chạy thủ tục, HTX Dịch vụ tổng hợp Thèn Phàng ra đời trước sự ngỡ ngàng của bà con. Bởi lẽ trước đây, ở xã chưa từng xuất hiện một tổ hợp kinh doanh nào. Một số bà con thì bảo không biết cái anh Tinh này nghĩ ra cái trò gì nữa đây. Bởi lẽ từ nhỏ đến khi lấy vợ, Tinh vốn quen tay cầy, tay cuốc, chứ đã bao giờ Tinh đụng đến giấy tờ, sổ sách gì đâu... Những ngày đầu Tinh điều hành mọi việc ở HTX cứ rối như canh hẹ. Việc gì anh cũng phải học từ đầu. Sự bỡ ngỡ rồi cũng qua đi, chẳng mấy chốc HTX đã vận hành trơn tru.

Tinh luôn canh cánh một nỗi lo là tiêu thụ nhiều thóc, gạo hơn nữa cho bà con. Muốn có chất lượng gạo ngon, bao bì đẹp phải có nhà xưởng máy móc. Nghĩ là anh bắt tay vào làm. Tuy nhiên cái khó là tiền đâu? Khi ấy các thành viên trong HTX đều nghèo rớt mồng tơi. Anh lại lọ mọ làm đề án xin vay tiền ngân hàng, rồi vay tạm trâu bò của bà con… Gom góp khắp bản trên, bản dưới, cả anh em họ hàng… HTX mới có được 300 triệu đồng để xây nhà xưởng, mua máy móc.  

Phút thư giãn của vợ chồng Sin Văn Tinh

Gạo Già Dui sau đó đã được xay xát rất sạch sẽ và đóng bao chuyên nghiệp. Từ ngày làm chủ nhiệm, Tinh không cho cái đầu ngừng nghỉ. Anh nghĩ, phải đi đăng ký thương hiệu cho đặc sản quê hương mình. Thế là anh lại tất bật làm hồ sơ, lo thu tục, xin đăng ký thương hiệu. Năm 2006, thương hiệu gạo Già Dui được công nhận.

Gần đây Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc xác nhận đã chọn thành công, phục tráng thành công giống lúa Già Dui nguyên chủng, có khả năng cho năng suất cao trên 6 tấn/ha. Để đưa sản phẩm gạo đi xa, Xín Mần đã hỗ trợ thêm cho HTX, đồng bào 2 thôn Khâu Tinh, Lùng Tráng trên 70 triệu đồng để trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm ra. Hiện tại, gạo Già Dui được HTX Thèn Phàng bao tiêu 100%, với giá bán bình quân là 15.000đ/kg. Theo dự kiến, vụ mùa năm nay sẽ có trên 300 tấn lúa Già Dui được cung cấp ra thị trường.

Tinh tâm sự: “Khách hàng thì không thiếu, mình chỉ lo thiếu gạo bán thôi”. Cái khó là ở Thèn Phàng chỉ cấy được một vụ. Ấy vậy mà ông chủ nhiệm đang tính thay trời làm mưa, cấy được 2 vụ/năm. Việc này tuy khó nhưng với Tinh không có việc gì là không thể. Anh bảo: “Chỉ cần một công trình dẫn nước về ruộng bậc thang là có thể cấy được 2 vụ thôi mà”.

Ước mơ đó của Tinh biết là chẳng đơn giản nhưng tôi tin một ngày nào đó chàng trai người Nùng giàu nghị lực này sẽ biến ước mơ đó thành hiện thực.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm