| Hotline: 0983.970.780

Chanh dây Lâm Đồng

Thứ Hai 05/01/2015 , 09:17 (GMT+7)

Hiệu quả kinh tế do cây chanh dây đem lại càng rõ nét đối với các hộ khó khăn tại Lâm Đồng. 

Thời gian gần đây, tại tỉnh Lâm Đồng, chanh dây là một trong những loại cây trồng “hot”, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, nhất là từ khi có các Cty thu mua, chế biến về đầu tư công nghệ SX, hợp đồng với bà con cung ứng cây giống và tiêu thụ sản phẩm.

Vấn đề khó khăn hiện nay là cần xác định được các giống chanh dây tốt có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt yêu cầu chế biến công nghiệp và phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái; đồng thời xây dựng vườn SX giống đầu dòng để cung cấp nguồn giống tốt cho nông dân.

Hào hứng

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cây chanh dây được bà con ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm…phát triển SX từ những năm 1990 nhưng với diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ. Tổng diện tích toàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 1.000 ha chanh dây (trồng mới bình quân gần đây khoảng 280 ha/năm, nguồn giống chủ yếu nhập từ Đài Loan và Trung Quốc chiếm trên 80%).

Nếu trồng giống nhập khẩu của Đài Loan, chăm sóc tốt cho năng suất bình quân 70 - 100 tấn/ha, với giá cả thị trường ổn định 10.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500 - 700 triệu đ/ha/chu kỳ canh tác 2 năm.

Với việc trồng chanh dây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được nguồn giống, sâu bệnh hại và chu kỳ từ khi trồng đến khai thác xong không vượt quá 2 năm, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác, nhất là với những địa phương cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hộ ông Nguyễn Xuân Côi, trú tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng mạnh dạn thuê trên 15 ha đất trồng chanh dây, hiện mỗi năm thu lãi từ 3 - 5 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh tế do cây chanh dây đem lại càng rõ nét đối với các hộ khó khăn. Năm 2012, gia đình anh Lục Văn Đồng, xã B’lá, huyện Bảo Lâm dùng số tiền 5 triệu đồng dành dụm để tìm mua 50 cây chanh dây của Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trường Hoàng về trồng thử. Sau 6 tháng thu được lứa quả đầu tiên chất lượng tốt.

Được chính Cty Trường Hoàng hợp đồng cung ứng cây giống và tiêu thụ sản phẩm ổn định, anh Đồng quyết tâm đầu tư trồng thêm 600 cây. Hiện cây chanh dây mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 300 triệu đ/năm với mức giá trung bình từ 12.000 - 18.000 đ/kg, mỗi tháng gia đình thu trên 20 triệu đồng.

Anh Đồng cho biết, cây chanh dây dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng, phát triển rất tốt, năng suất ổn định, tuy nhiên khi SX quy mô lớn cần chú ý đến bệnh hại. Từ hiệu quả kinh tế dễ thấy của mô hình gia đình anh, nhiều hộ nông dân trong xã đã chuyển sang trồng cây chanh dây. Toàn xã đã có trên 20 hộ đầu tư. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn ngân hàng, sau 1 năm đã có thể thu hồi vốn.

Vấn đề khó khăn đối với các hộ nông dân hiện nay là giá thành cây giống quá cao, thời gian cao điểm để trồng lại thiếu giống nên rất cần có nguồn cung cấp ổn định cây giống tại chỗ với giá thành hợp lý hơn.

Doanh nghiệp chủ động

Năm 2009, Cty Trường Hoàng (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã chủ động phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & phát triển rau hoa quả (Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) tiến hành khảo nghiệm giống chanh dây Đài nông 1 (nguồn gốc Đài Loan) tại VN làm cơ sở cho việc nhập khẩu, nhân trồng đảm bảo quy mô, đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Giống chanh dây Đài nông 1 đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho SX thử tại các vùng sinh thái trên cả nước.

Bà Bùi Thị Sim, GĐ Cty Trường Hoàng cho biết: "Hiện Cty có 9 cơ sở chế biến dịch quả với 19 kho lạnh chứa khoảng 800 tấn dịch quả, đồng thời thực hiện từ khâu cung ứng giống cho nông hộ SX đến thu mua sản phẩm quả tươi về sơ chế, tại tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông (gồm các huyện Đức Trọng, Di Linh, Tân Hà, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đăk Nông).

Cty Trường Hoàng sẵn sàng liên kết với nông dân và cam kết hợp đồng thu mua sản phẩm là quả chanh dây tươi với giá bảo hiểm thấp nhất là 4.000 đ/kg và được điều chỉnh theo giá thị trường tại thời điểm thu mua. Phía Cty cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các đơn vị nghiên cứu, trường đại học cùng các nhà khoa học trong việc triển khai vùng nguyên liệu chanh dây ở Lâm Đồng.
Sau khi lựa chọn được giống chanh dây đạt năng suất, chất lượng phục vụ công nghiệp chế biến, doanh nghiệp sẽ tiếp tục liên kết hoàn thiện quy trình SX cây giống chanh dây quy mô lớn và quy trình canh tác khi thực hiện liên kết với nông dân.

Cty Trường Hoàng đã hợp tác với Hội Nông dân các xã, các hộ nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định bằng việc ký kết hợp đồng cung ứng giống, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với hộ nông dân, với giá cả đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất từ 20% trở lên sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thực tế. Đến nay đã có 2 tổ chức và 19 hộ nông dân được Cty ký kết trực tiếp làm đầu mối cung ứng giống, SX và thu mua sản phẩm cho Cty.

Bà Bùi Thị Sim khẳng định nhu cầu cung ứng cây giống chanh dây nhập khẩu cho vùng nguyên liệu của DN bình quân 2 năm gần đây vào khoảng 2 - 2,5 triệu cây giống/năm.

Với giá thành SX như những năm vừa qua là quá cao với người nông dân. Bên cạnh đó DN còn rất bị động về nguồn giống, giống cây nhập khẩu qua quá trình vận chuyển cũng thất thoát gây thiệt hại không nhỏ.

DN đặc biệt mong muốn và sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng trong việc quan tâm nghiên cứu lựa chọn bộ giống có đặc điểm nông sinh học phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh, đồng thời áp dụng kỹ thuật canh tác, bón phân cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu chế biến công nghiệp phục vụ XK.

Hy vọng chanh dây “Made in Lâm Đồng”

Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, ngoài Cty Trường Hoàng, còn có thêm 3 Cty có phương án đầu tư SX và đăng ký nhập khẩu cây giống chanh dây về cung ứng, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân Lâm Đồng.

Số lượng giống nhập khẩu bình quân hàng năm khoảng từ 1 - 3 triệu cây. Giá bán cây giống dao động từ 23.000 - 25.000 đ/cây, trong đó chủ lực là giống Đài nông 1 và Đài nông 2. Đây là 2 giống được các DN nhập khẩu từ Đài Loan về cung ứng cho người SX.

11-54-44_1
Giống chanh dây Magic do TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu chọn tạo

Tuy nhiên, do là giống nhập khẩu nên thường không chủ động được nguồn giống SX, chất lượng cây giống không đồng đều, giá giống đến tay người nông dân cao nhất là vào thời điểm chính vụ của Đài Loan, đồng thời cũng là thời điểm trồng chính của Lâm Đồng trong tháng 10, 11 hàng năm.

Trước những khó khăn thực tiễn mà DN và người nông dân Lâm Đồng gặp phải, TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành nghiên cứu chọn tạo và đã gửi hồ sơ đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) xem xét bảo hộ chanh dây Magic. Mục đích giúp nông dân tiếp cận được nguồn cây giống có khả năng nhân bằng hạt tại chỗ với thời gian thu hoạch dự kiến kéo dài hơn các giống ghép, kháng sâu bệnh tốt hơn, giảm chi phí tưới…

Giống chanh dây Magic đang trong giai đoạn nghiên cứu để đánh giá năng suất, chất lượng dịch quả so với một số giống trồng tại địa phương trước khi đề xuất ngành chức năng công nhận để trồng ở quy mô lớn.

Trên cơ sở kế thừa kết quả từ các nghiên cứu trước đây về các giống cây chanh dây, nhất là giống đang nghiên cứu SX trong nước..., hy vọng thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ khảo sát được các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt yêu cầu chế biến công nghiệp và phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái; đồng thời thực hiện các nghiên cứu để có được giống chanh dây “Made in Lâm Đồng” đáp ứng được các yêu cầu trên.

Tỉnh Lâm Đồng đang tiếp cận dự án "Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp" và đề xuất tiểu dự án “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, quy trình kỹ thuật canh tác và sơ chế quả chanh dây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả tươi chế biến XK, góp phần nâng cao thu nhập cho người SX” nhằm xác định được các giống đạt năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện sinh thái của tỉnh và hình thành vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến công nghiệp...

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Bắc Giang làm mô hình trồng dẻ Trùng Khánh

Dẻ Trùng Khánh hay còn gọi dẻ ván Cao Bằng cho hạt to, giá trị kinh tế cao, khác hẳn với loại dẻ thóc vốn mọc nhiều ở Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm