| Hotline: 0983.970.780

Chấp nhận ngô chuyển gen: Sao cho các bên cùng có lợi

Thứ Ba 25/10/2011 , 09:50 (GMT+7)

Xung quanh việc tiếp nhận cây trồng chuyển gen, NNVN có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng miền Nam.

Ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng miền Nam

Xung quanh việc tiếp nhận cây trồng chuyển gen, NNVN có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống cây trồng miền Nam.

Đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc chấp nhận cho thương mại hóa các giống ngô chuyển gen đã tiến hành khảo nghiệm tại VN. Ý kiến của ông xung quanh vấn đề này như thế nào?

Tôi là chủ tịch HĐQT của công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) nhưng phát biểu của tôi sau đây chỉ với tư cách cá nhân, một người có am hiểu, tâm huyết và trăn trở với công tác giống cây trồng nói chung và giống chuyển gen nói riêng.

Quan điểm của tôi là: Giống cây trồng chuyển gen là một tiến bộ của nhân loại cần phải tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên mỗi quốc gia đều có những đặc thù nên đều có sự tiếp nhận ở những mức độ khác nhau, trong đó lợi ích quốc gia, dân tộc là cốt lõi. Qua tìm hiểu tôi thấy mức độ tiếp nhận của một số nơi như sau:

Châu Âu: Trước đây phản đối quyết liệt, nay vẫn tiếp tục phản đối nhưng các điều kiện đang dần được nới lỏng. Thái Lan: Đến nay vẫn kiên quyết chưa chấp nhận. Indonesia: Chấp nhận có điều kiện. Philippine: Chấp nhận dễ dàng.

Một số tài liệu phân tích rằng sở dĩ châu Âu phản đối đầu tiên vì châu Âu chưa có được những thành công trong công nghệ chuyển gen như Mỹ và các điều kiện về công nhận giống và thực phẩm chuyển gen sẽ được nới lỏng dần tùy theo mức độ chạy đua, rút ngắn khoảng cách công nghệ chuyển gen với Mỹ. Thái Lan chưa chấp nhận vì số lượng nông sản xuất khẩu của Thái Lan sang châu Âu rất lớn, nên Thái Lan chẳng “tham đĩa bỏ mâm” và chắc rằng Thái Lan cũng sẽ nới lỏng theo châu Âu. Indonesia là thị trường rất lớn với trên 200 triệu dân nên họ tạo nên những “bộ lọc” sao cho có lợi nhất, còn Philippine áp lực lương thực thực phẩm rất lớn, lại là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á nên việc chấp nhận dễ dàng hơn.

Còn ở Việt Nam ta?

Phải nói hơi dài dòng một tý – Phải xác định chúng ta đang ở vị trí nào trong thứ bậc của thế giới về công nghệ giống lai nói chung và công nghệ gen nói riêng. Thật buồn phải thừa nhận rằng chúng ta chưa được xếp ở vị trí nào cả. Giống rau lai gần như chưa có; Giống lúa lai đang phải phụ thuộc vào Trung Quốc, Ấn Độ.

Còn giống ngô lai? Qua theo dõi con số nhập khẩu và sản xuất giống ngô năm 2010, tôi thấy 50% thị phần hiện nay thuộc về 2 giống cổ điển DK888 và LVN10, 40% cho 4 giống C919, NK54, NK66 và NK4300. Như vậy giống ngô lai đích thực của VN hầu như không đáng kể. Giống nền thì như vậy còn giống chuyển gen đang là con số 0.

Bởi vậy muốn việc tiếp nhận giống chuyển gen được suôn sẻ thì cần hài hòa lợi ích: sản xuất và nông dân được lợi, doanh nghiệp giống Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và doanh nghiệp nước ngoài cũng được lợi khá.

Thế thì Bộ NN-PTNT cần phải có hạn ngạch, điều này có vi phạm WTO?

Không. Không thể quản lý bằng hạn ngạch. Tôi thấy cần tham khảo chính sách của một số nước có điều kiện giống ta. Indonesia gia nhập WTO từ năm 1995 nhưng đến 31/8/2006, Bộ Nông nghiệp nước này vẫn ban hành văn bản số 37 và 38 quy định các giống lai nói chung và giống chuyển gen nói riêng muốn vào thì phải qua các bước khảo nghiệm như ta sau đó nếu muốn thương mại hóa phải có 2 điều kiện, một là phân tích những đặc điểm để xác định giống đó có thể sản xuất tại Indonesia không, hai là phải có văn bản cam kết rằng sau 02 năm giống đó được sản xuất tại Indonesia. 

Bangladesh quy định, sau 2 năm nhập khẩu thì phải theo tỷ lệ 50/50, có nghĩa là 50% nhập khẩu, còn 50% sản xuất tại Bangladesh. Theo tôi được biết, Indonesia rất thành công với chính sách này, Luật của Trung Quốc quy định không được đưa giống bố mẹ lai ra nước ngoài, nhưng cuối cùng Trung Quốc cũng đành phải chấp nhận cho việc sản xuất giống lúa lai tại Indonesia.

Lúc nãy ông có nói đến hài hòa lợi ích, nếu VN học Indonesia thì các lợi ích liệu có hài hòa?

Chắc chắn sẽ hài hòa nếu không muốn nói rằng bớt xung đột. Philippine đưa giống ngô chuyển gen vào sản xuất từ 2003, và diện tích tăng đều qua các năm nhưng đến năm 2006 giảm sút. Tìm hiểu được giải thích nguyên nhân là thiếu giống. Giống ngô lai ở Philippine chủ yếu của 2 công ty là Monsanto và Syngenta. Giống lai thường không chuyển gen được các công ty này đưa về từ các trang trại của họ ở Thái Lan, còn giống chuyển gen từ Nam Phi. Do bị trục trặc sao đó nên năm đó thiếu giống.

Áp dụng cây trồng chuyển gen càng sớm người nông dân càng có lợi

Đấy cũng là bài học nếu chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia. Việc sản xuất giống tại Việt Nam sẽ được nhiều lợi, thứ nhất lao động VN rẻ hơn, giá thành thấp hơn nên đương nhiên nông dân sẽ được mua với giá cả phải chăng hơn, thứ 2, các doanh nghiệp VN cũng có thể làm sản xuất gia công cho họ chứ không phải là nhà phân phối đơn thuần với hoa hồng thấp, thứ 3 các công ty đa quốc gia được lợi vì sẽ phát triển thị trường bền vững.

Ngoài cái lợi cho nền kinh tế cụ thể đo đếm được, không làm cho việc nhập siêu thêm trầm trọng, còn một lợi khác trừu tượng hơn, sẽ là động lực trực tiếp thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, triển khai công nghệ mới mẻ này.

Xin được hỏi thêm câu nữa. Ông có sợ giống chuyển gen không?

Có gì đâu mà phải sợ. Giống chuyển gen hiện nay chủ yếu có 2 tính trạng, một là kháng thuốc cỏ Glyphosate, hai là kháng sâu đục thân. Trong điều kiện tối ưu thì năng suất của giống chuyển gen cũng chỉ bằng với giống nền lai thường không chuyển gen.

Việc có gen kháng thuốc cỏ Glyphosate thì cũng không thực sự cần thiết vì trên thị trường đã có loại thuốc cỏ phun cho ngô, cho mía mà không cần che, cần đậy. Còn gen kháng sâu đục thân thì tùy thuộc vào áp lực dịch hại của mỗi vùng, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên thì áp lực này không lớn, còn vùng khác thì tùy theo năm, theo mùa. Bởi vậy, dù cho giống chuyển gen là một tiến bộ lớn lao của loài người nhưng cũng không dễ gì khuynh đảo các giống lai thường không chuyển gen.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.