| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/01/2013 , 09:44 (GMT+7)

09:44 - 15/01/2013

“Chặt chẽ” hay “rối rắm”?

Gần 1 tuần kể từ khi quyết định “điểm giao dịch vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép” hiệu lực, nhiều người dân vẫn loay hoay...

Gần 1 tuần kể từ khi quyết định “điểm giao dịch vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép” hiệu lực, nhiều người dân vẫn loay hoay chưa biết đâu là điểm giao dịch hợp pháp.

Trong 2 năm trở lại đây, NHNN đã tốn không biết bao nhiêu công sức để ban hành nhiều quy định nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng trong nước, một trong những yếu tố bị coi là gây ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế vĩ mô. Trong đó, đáng lưu ý nhất là các quy định “quốc hữu hóa và Nhà nước độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC” hồi đầu năm 2012 và quy định “kinh doanh vàng miếng phải được Nhà nước cấp phép” mới có hiệu lực hôm 10/1. Cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia cũng thể hiện quyết tâm minh bạch hóa thị trường này bằng việc tuyên bố sẽ “phạt nặng cả người bán lẫn người mua” nếu giao dịch vàng miếng tại những điểm chưa được cấp phép.

Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý, thị trường vàng trong nước lại đang diễn biến theo chiều hướng rối rắm hơn bao giờ hết.


Ảnh minh họa

Giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới tới 3 triệu đồng/lượng, thậm chí còn có thời điểm cao hơn giá thế giới tới gần 5 triệu đồng/lượng (ngày 5/1). Trong khi đó, người dân phải loay hoay tìm điểm mua bán vàng miếng đã được cấp phép vì số điểm giao dịch hợp pháp hiện chỉ còn 2.500 điểm, tương đương 1/5 so với con số khoảng 12.000 điểm giao dịch trước đây. Các điểm giao dịch hợp pháp cũng chưa có dấu hiệu cụ thể nào để người dân dễ dàng nhận biết, tránh nguy cơ tiền mất tật mang. Hơn nữa, hầu hết các điểm giao dịch này đều nằm ở các thành phố lớn, trung tâm tỉnh, huyện còn các thị xã, các vùng nông thôn gần như bị bỏ trống trong khi nhu cầu mua vàng miếng để tích trữ, để làm quà tặng đám cưới, mừng thọ của người dân khu vực này là có thật.

Theo quan điểm của NHNN thì vàng miếng không nằm trong danh mục được khuyến khích mua bán, giao dịch bởi việc người dân chuyển đổi tiền mặt thành vàng và được tích trữ trong các két sắt gia đình hay ký gửi tại các ngân hàng sẽ khiến một lượng tiền không nhỏ bị “đóng băng”, không tạo thêm của cải vật chất cho xã hội, đồng thời gián tiếp gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Thậm chí, việc người dân dồn tiền mua vàng còn khiến nguy cơ chảy máu ngoại tệ tăng cao do nhập lậu vàng.

Quan điểm của NHNN là không sai nhưng có lẽ những người làm luật đã quên chưa tính toán đến “thói quen tích trữ vàng” đã hình thành và bám rễ trong suy nghĩ của nhiều thế hệ người Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tập quán sinh hoạt và thói quen của người dân là thứ không dễ để thay đổi một sớm một chiều, dù pháp luật có quy định nghiêm ngặt đến đâu. Bởi thế, khi các ngành chức năng, mà cụ thể là NHNN và Chính phủ muốn quản lý thị trường vàng thì không thể chỉ tập trung vào các quy định hành chính như siết số lượng điểm giao dịch hay ban hành các mức xử phạt đối với người mua – bán vàng miếng tại các cửa hàng chưa cấp phép mà không xét đến căn nguyên “thói quen tích trữ” của người dân. Chỉ khi nào được đảm bảo mức sống ổn định, thu nhâp và các dịch vụ an sinh xã hội tốt, được Nhà nước chăm lo cả về đời sống vật chất và tinh thần thì thói quen tích trữ tài sản, đặc biệt là vàng, của người dân sẽ dần thay đổi.

Khi đó, tình trạng rối rắm của thị trường vàng miếng trong nước sẽ được giải quyết triệt để, giá vàng trong nước sẽ về mức ngang bằng với giá thế giới, tình trạng buôn lậu vàng sẽ chấm dứt, nạn chảy máu ngoại tệ vì nhập khẩu vàng cũng sẽ được giải quyết triệt để… mà Nhà nước không cần mất quá nhiều công sức và nguồn lực để quản lý như hiện nay.