| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng cá tra giống sẽ được cải thiện

Thứ Sáu 29/07/2011 , 11:16 (GMT+7)

Trong tháng 6 vừa rồi, đã có 15.000 cá tra bố mẹ hậu bị đã qua chọn lọc, có gắn dây kim loại mang số, được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II phát tán đến các trại giống ở ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, ở ĐBSCL có khoảng 200 trại sinh sản cá tra bột và trên 4.000 hộ ương cá tra giống, với tổng diện tích SX giống vào khoảng 2.250 ha.

Sản lượng cá tra giống mỗi năm hiện khoảng 2 tỷ con, dư sức đáp ứng cho nhu cầu nuôi cá tra ở ĐBSCL. Sản lượng cá ra giống tập trung nhiều nhất ở Đồng Tháp (trên 900 triệu con), An Giang (gần 787 triệu con), Cần Thơ (138 triệu con)…

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Đình Hùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nếu so số lượng đàn cá bố mẹ với lượng con giống SX ra hàng năm, thì 2 tỷ con giống vẫn là nhỏ. Bởi hiện nay, lượng cá giống bố mẹ khoảng hơn 210.500 con và 166.000 con hậu bị. Nếu SX giống theo đúng quy trình kỹ thuật hiện hành thì chỉ cần 1/3 lượng cá bố mẹ nói trên là đủ để làm ra 2 tỷ con cá giống.

Tại sao bố mẹ nhiều mà con lại ít như vậy? Theo các chuyên gia thủy sản, nguyên nhân chính nằm ở chất lượng đàn cá bố mẹ và kỹ thuật sinh sản, ương cá tra giống hiện nay. Ông Hùng cho biết, tỷ lệ cá bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt là rất thấp, và có tới 57,4% cá bố mẹ hiện nay có nguồn gốc từ ao nuôi cá… thịt. Số cơ sở SX cá tra giống đáp ứng các quy trình kỹ thuật SX giống chưa nhiều, chỉ 19,6% cơ sở SX cá bột và 8,5% cơ sở SX cá giống tuân thủ quy trình ở mức thấp; chỉ 33,3% cơ sở cá bột và 33,8% cơ sở cá giống có học hỏi kỹ thuật từ các lớp tập huấn, còn đa số các cơ sở học kỹ thuật làm cá giống từ cơ sở khác và học cách phòng trị bệnh từ… người bán thuốc.

Do còn hạn chế về trình độ như vậy, lại chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở SX cá bột đã ép cá bố mẹ sinh sản khi còn nhỏ (dưới 2 kg), chất lượng thức ăn nuôi vỗ không được quan tâm, tỷ lệ đực/cái nuôi vỗ thấp (1/4), làm ảnh hưởng tới tỷ lệ thành thục, cá bị tiêm kích tố dục nhiều lần… Những điều này khiến cho kích thước cá bột đang có xu hướng nhỏ dần.

Các cơ sở SX cá giống cũng chẳng khá hơn khi họ còn ít quan tâm tới nguồn gốc, chất lượng cá bố mẹ, chất lượng cá bột. Ở các ao ương, độ sâu mực nước thường không đảm bảo, mật độ ương quá cao (870 con/m2), khiến có tới 98% cơ sở có cá bị nhiễm bệnh cao… Bởi thế, tỷ lệ ương thành công từ cá bột lên cá giống hiện đang rất thấp, chỉ đạt 12,6%.

Chất lượng cá bố mẹ, cá bột, cá giống còn thấp như thế, nên không lạ khi trong 15 ngày đầu thả nuôi cá thịt, tỷ lệ hao hụt bình quân ở các ao nuôi cá tra thương phẩm hiện đang ở mức khá cao là 15%. Trong suốt quá trình nuôi sau đó, cá còn tiếp tục hao hụt nữa, mà nguyên nhân chủ yếu là bệnh tật. Theo PGS.TS Lê Thanh Hùng, khoa Thủy sản (ĐH Nông Lâm TP HCM), dịch bệnh đang gây thiệt hại từ 20-30% sản lượng cá tra thu hoạch và làm tăng chi phí SX từ 600-1.000 đ/kg cá.

Trước thực trạng đó, việc nâng cao chất lượng cá tra giống đang là một vấn đề cấp thiết. Theo ThS Nguyễn Đình Hùng, công việc quan trọng hàng đầu hiện nay là cung cấp ngay đàn cá bố mẹ hậu bị có chất lượng tốt, khả năng kháng bệnh cao… Chương trình SX đàn cá tra bố mẹ hậu bị này đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện từ nhiều năm nay, và được Bộ NN-PTNT phê duyệt qua dự án “Chuyển giao công nghệ Sx giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL, 2010-2011”.

Trong tháng 6 vừa rồi, đã có 15.000 cá tra bố mẹ hậu bị đã qua chọn lọc, có gắn dây kim loại mang số (DCWT), được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II phát tán đến các trại giống ở ĐBSCL. Khoảng tháng 10 năm nay và tháng 4 năm sau, 85.000 cá bố mẹ hậu bị đã qua chọn lọc sẽ tiếp tục được phát tán tới các trại SX giống cá tra. Điều đáng mừng là các trại SX giống cá tra ở ĐBSCL rất quan tâm tới đàn cá bố mẹ hậu bị đã và sẽ được phát tán trong thời gian tới, và đã hồ hởi đăng ký tiếp nhận toàn bộ 85.000 con cá nói trên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương hy vọng rằng với lượng cá bố mẹ có chất lượng này, việc SX cá giống cá tra ở ĐBSCL sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt lên trong những năm tới.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm