| Hotline: 0983.970.780

Chất lượng tôm giống Nam Trung bộ đứng đầu!

Thứ Hai 20/11/2017 , 13:45 (GMT+7)

Tôm giống SX tại Nam Trung bộ được người nuôi trồng thủy sản đánh giá đứng đầu cả nước. Để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu tôm giống "ra lò", các DNSX tôm giống đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.

"Thủ phủ" tôm giống lâu đời

Các tỉnh Nam Trung bộ được xem là thủ phủ tôm giống lớn nhất cả nước. Hàng năm, các cơ sở SX tại khu vực này cung cấp khoảng 50% lượng tôm giống nước lợ cho người nuôi tôm khắp các tỉnh, thành, số còn lại SX tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,...) cùng một số tỉnh phía Bắc.

10-13-40_2
Tôm giống sản xuất tại Nam Trung bộ được người nuôi tôm ưa chuộng

Nghề SX tôm giống ở Bình Thuận bắt đầu hình thành từ những năm 1990 với vài cơ sở nhỏ lẻ ở khu vực Bực Lỡ, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Sau đó bung ra rất mạnh giai đoạn 1996-1998, và đến nay toàn tỉnh đã có 133 cơ sở SX giống thủy sản, với hơn 600 trại giống, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân. Hiện Bình Thuận đóng góp sản lượng tôm giống chiếm 20% thị phần cả nước nhưng chiếm 70-80% về con giống chất lượng.

Ông Lưu Quyết Tiến, Phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, sở dĩ tôm giống ở đây có chất lượng hàng đầu bởi ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi như nguồn nước sạch, độ mặn nước biển ổn định, thì các DN còn có truyền thống, kinh nghiệm làm tôm giống nhiều năm, tâm huyết với nghề, chịu đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng KHKT...

Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, coi trọng chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống, như Cty CP Thủy sản Việt Úc Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Việt Úc), Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Cty Thông Thuận, Cty Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển, DNTN Tuấn Cự... Mỗi năm tỉnh SX trên 20 tỷ con tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, nuôi mau lớn.

Còn tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở nhân ương, kinh doanh tôm giống, với hơn 1.200 trại tôm. Trong đó 2 vùng SX giống tập trung lớn nhất đã được quy hoạch ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải); ngoài ra còn có khu vực SX giống nhỏ lẻ ở Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải…

Hàng năm Ninh Thuận xuất ra thị trường khoảng 25- 30 tỷ con tôm giống, đáp ứng cho nhu cầu nuôi nội địa 30-40%, còn lại bán đi các tỉnh ngoài. Về chất lượng, tôm giống ở đây cũng đứng tốp đầu, được người nuôi ưa chuộng.
 

Không ngừng nâng tầm chất lượng

Để nâng cao chất lượng, các DN tôm giống ở cả 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã không ngừng nâng cấp, mở rộng quy mô SX. Các cơ sở đều chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ SX con giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất, không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng men vi sinh.

Ông Phan Tuấn Cự, GĐ DNTN Tuấn Cự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận chia sẻ: Trong lúc này, nếu các DN tôm giống không tự nâng cao trình độ, tạo ra con giống tốt thì người nuôi sẽ quay lưng lại, tôm giống nhập khẩu về nhiều sẽ "bóp chết" các cơ sở trong nước. Xác định được như vậy, các DN tôm giống ở Bình Thuận đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật.

10-13-40_1
Ảnh: MT

Thứ nhất, thường xuyên tu sửa, nâng cấp các bể ươm nuôi. Thứ 2, áp dung quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch nhất; áp dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh, đặc biệt không dùng kháng sinh. Thứ 3, chọn lựa tôm giống bố mẹ tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định. Thứ 4, nguồn thức ăn mua của các Cty, tập đoàn uy tín, đảm bảo tôm ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết để không ngừng nâng cao chất lượng tôm giống, các cơ sở SXKD ngoài việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho SX thì chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

Do đó các cơ sở tôm giống trong tỉnh đều nhập tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan là những nước có quy trình giám sát, gia hóa, lai tạo, chọn lọc gen di truyền, ứng dụng công nghệ chọn giống tôm bài bản để cho ra đời những đàn giống chất lượng.  

Dẫn chúng tôi tham quan sở sở tôm giống của mình, ông Phan Tuấn Cự cho biết, hiện DN đã quy hoạch khu nuôi tôm bố mẹ và tôm giống thành các khu SX riêng biệt. Để có nguồn nước nuôi ương tốt nhất, DN đã mua 2 máy lọc nước UF, đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm riêng, hiện đại cùng đội ngũ nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm. 

DN chỉ chọn nhập tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng khuẩn tốt; áp dụng công nghệ vi sinh (không có kháng sinh) trong SX để cho ra đời những mẻ con giống tốt nhất. Hàng năm DN cung cấp cho người nuôi trên 1 tỷ con giống, hang SX ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí cháy hàng.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định: Chúng tôi quyết giữ vững chất lượng tôm giống hàng đầu cả nước. Ngoài tăng cường kiểm soát đầu ra, đảm bảo con giống đạt tiêu chuẩn cao nhất, chúng tôi khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao để chất lượng tôm giống không ngừng nâng lên. Đồng thời tháo gỡ các bất cập, đơn giản thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN.

Sản xuất thành công tôm bố mẹ

Mới đây, Tập đoàn Việt Úc đã chính thức tự SX được tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Theo đó, Tập đoàn chọn giống được đến thế hệ G7, với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 48%. Như vậy, Việt Nam đã chính thức tự SX tôm bố mẹ với công nghệ vượt trội.

Để đưa được tôm giống chất lượng cao đến với người nuôi, Tập đoàn Việt - Úc đã xây dựng hàng loạt Cty giống gắn với các vùng nuôi trọng điểm tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nghệ An, Quảng Ninh. Tổng công suất SX đạt trên 50 tỷ con giống/năm.

 

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.