| Hotline: 0983.970.780

Chất tăng trọng Trung Quốc nhập lậu độc hại ra sao?

Thứ Sáu 20/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Các thí nghiệm cho thấy, chất Cysteamine có thể giúp lợn thịt tăng trọng tới trên 33%, tăng tỉ lệ nạc 4,6%, giảm tỉ lệ mỡ 8,5% so với đối chứng. Chất này mang nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người và bị EU cấm sử dụng trong chăn nuôi./ Nạn sử dụng 'thần dược' tung hoành trở lại

* Cysteamine bị cấm NK, sử dụng tại Việt Nam

Như NNVN đã phản ánh về tình trạng “thần dược tăng trọng, tạo nạc” nhập lậu từ Trung Quốc được tiêu thụ tràn lan tại Hà Nội. Theo đó, thông tin bằng tiếng Trung trên bao bì sản phẩm này cho thấy, thành phần chính là chất Cysteamine Hydrochloride. Vậy chất này là chất gì, có tác dụng ra sao trong chăn nuôi, độc hại thế nào…?

Trao đổi với NNVN, GS.TS Vũ Duy Giảng (ảnh), chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi cho biết, Cysteamine hay còn có các tên gọi khác như aminoethanethiol; thioethanolamine… là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối hydrochloride (có công thức phân tử C2H2ClNS). Đây là một chất có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hoóc – môn tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi.

15-23-49_dscf1889

Theo GS Giảng, mặc dù sự nguy hiểm của nó tới sức khỏe con người khi ăn các sản phẩm vật nuôi có sử dụng Cysteamine vẫn là câu hỏi lớn, tuy nhiên, đây là chất đã bị liệt vào diện cấm NK, buôn bán và sử dụng tại Việt Nam.

Xin giáo sư nói kỹ chất này có tác dụng thế nào khi sử dụng cho gia súc, gia cầm?

Các nghiên cứu ở người cho thấy, tuyến Hạ khâu não (tuyến dưới đồi) của não là nơi tiết ra các hoóc – môn như GHRH (growth hormone releasing hormone) và TRH (thyrotropin releasing hormone), qua đó kích thích tuyến yên tiết ra hoóc – môn tăng trưởng GH (growth hormone) và TSH (thyroid stimulating hormone).

Hoóc – môn tăng trưởng GH giữ vai trò kích thích tăng trưởng các mô, xương, cơ, mỡ…, đồng thời kích thích gan và một số mô sản sinh ra chất IGF-1, IGF-1 lại tiếp tục kích thích các cơ quan tạo huyết như tủy, xương, lách…

Bên cạnh việc sản sinh ra hoóc – môn tăng trưởng, tuyến Hạ khâu não cũng là nơi đồng thời tiết ra hoóc –môn SS (somatostatin). Đây là một loại hoóc –môn có tác dụng ức chế (hạn chế) sự tiết ra của các hoóc – môn tăng trưởng, giúp cân bằng và điều hòa sự phát triển bình thường của cơ thể vật nuôi theo đặc tính sinh học.

Vì vậy, một khi hoóc – môn SS bị thiếu hụt, cơ thể sẽ gia tăng đột biến sự tiết ra của các hoóc – môn tăng trưởng, làm hệ xương, cơ… phát triển nhanh bất thường.

Trong khi đó, Cysteamin lại là một chất có tác dụng ngăn ngừa hoạt động của hoóc – môn SS. Nghĩa là khi cho vật nuôi sử dụng chất Cysteamine, các hoóc – môn tăng trưởng sẽ được tự do giải phóng, giúp vật nuôi phát triển nhanh chóng.

Vì vậy, đây chính là chất giúp gián tiếp tăng trọng vật nuôi. Các bằng chứng khoa học cũng cho thấy Cysteamine giúp gia tăng tỉ lệ nạc.

Cụ thể, Cysteamine giúp vật nuôi tăng trọng và tạo nạc ở mức độ nào?

Các thí nghiệm thực hiện tại Trung Quốc cho thấy, khi cho gà thịt sử dụng chế phẩm Avianin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) với liều lượng 400mg/kg thức ăn, sẽ giúp gà thịt gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày (ADG) từ 5-17%.

Các thí nghiệm bổ sung chế phẩm Porcinin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) trên lợn thịt giai đoạn sau cai sữa (35-63 ngày tuổi) với liều lượng 500mg/kg thức ăn có thể giúp lợn gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày thêm 14% đến 33%. Đối với lợn thịt giai đoạn vỗ béo (từ 23kg đến xuất bán), nếu sử dụng bổ sung chế phẩm Porcinin với liều lượng 400mg/kg thức ăn cho thấy giúp chỉ số ADG tăng thêm 12%, đồng thời giúp tăng tỷ lệ nạc thêm 4,6% và giảm 8,5% lượng mỡ…


Một sản phẩm chứa thành phần chính là Cysteamine, nhập lậu của Trung Quốc mà PV NNVN mua được

“Tại Việt Nam trước đây, Cysteamine đã từng được phép sử dụng, tuy nhiên xét thấy chất này có liên quan tới các yếu tố kích thích hoóc – môn tăng trưởng cũng như các nguy cơ sức khỏe con người, các nhà khoa học đã tư vấn và Bộ NN-PTNT quyết định cấm NK, lưu hành và sử dụng làm phụ gia TĂCN. 
Tuy nhiên theo những thông tin mà tôi nắm được, bằng nhiều con đường khác nhau, các sản phẩm này lâu vẫn thẩm lậu, tuồn vào tiêu thụ tại Việt Nam. Thậm chí có tình trạng Cysteamine khi nhập lậu về, sẽ được thay đổi bao bì nhãn mác thành các sản phẩm phụ gia, men tiêu hóa… để tiêu thụ trong nước. Nhiều trang trại chăn nuôi hay DN sản xuất TĂCN nhỏ vẫn đang âm thầm lén lút trộn chất này kiếm lợi bất chính”. (GS.TS Vũ Duy Giảng)

Tóm lại, vật nuôi sử dụng Cysteamine sẽ giúp tăng trọng nhanh chóng, rút ngắn thời gian xuất chuồng và giúp tăng tạo nạc. Dùng Cysteamine với liều lượng càng cao, tốc độ tăng trọng sẽ càng khủng khiếp và nguy cơ cho sức khỏe con người khi sử dụng sản phẩm chăn nuôi càng nguy hiểm. Dĩ nhiên đây lại là điều mà dân chăn nuôi hám lợi rất khoái.

Vậy Cysteamine có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người khi dùng phải sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất này không, thưa ông?

Như đã nói, việc sử dụng Cysteamine khiến các hoóc – môn tăng trưởng bị gia tăng đột biến, kéo theo chất IGF-1 gia tăng, làm tăng tồn dư IGF-1 trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, tồn dư chất IGF-1 trong sữa có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt ở người.

Trong khi đó, IGF-1 tồn dư trong thịt và phủ tạng lơn, gà có thể gây nguy cơ ung thư cho con người hay không thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và vẫn đang là mối nghi ngại lớn.

Trong khi đó, các nghiên cứu trên chuột cho thấy, khi sử dụng Cysteamine, có thể sinh ra các dẫn chất khác như Toluen, Dopamin antagonist hay MPTP (1-methyl-4 phenyl 1,2,3,6 tetrahydropyridine) là các độc tố thần kinh gây viêm loét hành tá tràng ở chuột.

Các thí nghiệm về độ độc của Cysteamine trên chuột cho thấy, mức độ gây chết 50% cá thể (LD50chuột) đối với uống là 625mg/kg thể trọng; tiêm tĩnh mạch là 190mg/kg thể trọng, tiêm phúc mạc là 250mg/kg thể trọng và tiêm dưới da chỉ là 84mg/kg thể trọng.

Trên thế giới, chất này có bị cấm sử dụng hay không?

Hiện Cysteamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia TĂCN. Chất này cũng không có mặt trong danh mục của tổ chức CODEX. Điều này có nghĩa rằng, chúng không được xem xét về mặt ý nghĩa dinh dưỡng cũng như xem xét về độc tính, cũng như không được phép thêm vào thực phẩm trong SX thuộc các nước EU.

Nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà thương mại. Tuy nhiên tại Trung Quốc, đây lại là chất đang được nước này cho phép sử dụng làm phụ gia TĂCN. Điều này lí giải vì sao các sản phẩm Cysteamine nhập lậu vào Việt Nam hiện nay là từ Trung Quốc.

Xin cảm ơn giáo sư!

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.