| Hotline: 0983.970.780

Cháu đã mổ hai lần mà vẫn không sinh được thằng cu cho nhà nội!

Thứ Tư 30/11/2016 , 06:50 (GMT+7)

Cháu phải đối thoại với chồng. Nói cho thấu, cho thông, và cho thống nhất. Không phải do vợ đẻ con gái, mà hoàn toàn do ông chồng, vậy nhá. Vậy thì đẻ nữa cũng từ anh, ai dám chắc con trai?

Cô kính mến!

Xong đại học, đi làm 2 năm thì cháu yêu anh và cưới lúc cháu 26 tuổi, còn anh 29. Ba cháu là người miền Nam còn mẹ cháu là người Bắc. Chồng cháu thì Bắc toàn phần đó cô, không phải gốc Bắc di cư 1954 mà là Bắc nam tiến sau 1975. Hai gia đình đều có cuộc sống tương đồng ở ĐN, viên chức cả thôi, cũng xoay xở đủ cách để các con của mỗi gia đình đều được ăn học và có cơ ngơi riêng khi đã lập gia đình.

Sinh đứa con đầu, chúng cháu quyết đẻ tự nhiên cho mẹ có sữa nuôi con. Cháu thấy vài đứa bạn sinh sớm hơn cháu, đứa nào cũng đẻ mổ, sau đó thì đến khổ vì thức đêm pha sữa cho con và tiền sữa quá tốn kém. Mẹ cháu với mẹ chồng cũng động viên cháu cố chịu đau để sau sinh đứa nữa dễ hơn.

Nhưng mình tính không bằng trời tính cô ơi. Chưa đau bụng thúc thì bác sĩ khuyên đẻ mổ đi cho an toàn, đau bụng không chịu thấu đâu. Con gái nặng tới 3 ký rưỡi, nếu để sinh thường cũng phải cắt và khâu, đúng không cô? Khỏi nói ngay sau mổ thì phải tập đi, rồi kháng sinh, rồi ăn kiêng, sợ vết mổ lồi thịt, xấu. Bốn năm sau cháu có bầu, lần này nhất định phải mổ nữa rồi, nhưng cháu không sợ và vợ chồng cũng có tích lũy để cho con bú sữa tốt.

Nhưng số của chồng cháu không may cô ơi. Lần này lại một con gái nữa. Cháu nói thật, con gái cháu càng thích, như cháu đây, con gái gần ba gần mẹ, em trai cháu thì không gần ai cả mà lúc nào cũng làm cho ba mẹ cháu buồn bực. Cũng như chồng cháu, anh là con kỳ vọng nhưng ba mẹ chồng cháu lại nhờ cô con gái hơn, vì chồng cô ấy làm ăn giỏi mà cô được chồng nể.

Nhưng bố mẹ chồng cháu không nghĩ như cháu. Cháu đã mổ hai lần mà vẫn không sinh được thằng cu cho nhà nội. Giờ con gái nhỏ của cháu cũng đã 6 tuổi, nếu có bầu cháu có được, nhưng sao chắc là con trai mà dám để thưa cô? Thời buổi này áp lực con nối dõi vẫn đè nặng cuộc sống của gia đình người Việt mình thế sao cô?

Chồng cháu cũng ham con trai mới khổ cho cháu chứ. Dần dần cháu thấy như mình mắc trong một tấm lưới, ban đầu êm dịu nhưng nó cứ hạ xuống từ từ khiến cháu sờ được nó. Cháu sợ mình phải đẻ nữa, nếu vẫn là con gái thì cầm chắc là cả cháu cũng buồn. Nhưng bác sĩ quen nói không thể mổ thêm lần thứ ba. Cháu chán nản lắm cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô cũng thấy là sau bao nhiêu năm hô hào thay đổi nhưng giờ như là xã hội đang vòng lại con đường cũ. Chính những người đã dấn thân đả phá phong kiến, chê bai thói hư tật xấu hủ tục… như ba mẹ cháu, hay bố mẹ chồng cháu mà giờ lại trọng nam khinh nữ như ông bà mình ngày xưa.

Có lẽ người ta không thấy cái gì hay ho thay thế thì quay đầu lại với tổ tiên. Mà đã thờ tổ tiên thì phải đạo hiếu, bàn thờ, họ mạc, mồ mả quan trọng nhất. Chúng ta đang sống ở VN, ở cái châu lục cố hữu với đạo Khổng Nho, chúng ta chạy trời không khỏi nắng. Nhưng dù sao cô vẫn gặp những gia đình tiến bộ, ngay cả những gia đình Bắc thuần tộc, không lai không tạp, họ vẫn OK gái một bề đâu có sao, họ thoáng chứ.

Cô cũng biết như cháu, đẻ mổ tối đa 2 lần thôi. Cũng có người cố lần 3, suôn sẻ, nhưng tội cho người phụ nữ quá. Mổ bắt con tức là rạch hai lớp bụng, bụng ngoài, rồi lại rạch dạ con. Đẻ lần 2 cũng hai vết mổ cũ mà rạch dao vào, hình dung thôi đã đau xót cả lòng. Con gái cô cũng đẻ mổ hai lần, con dâu cô cũng đẻ mổ hai lần, cô biết nỗi đau thể xác của con gái và con dâu và cũng thấm nỗi đau của một bà mẹ.

Cháu phải đối thoại với chồng. Nói cho thấu, cho thông, và cho thống nhất. Không phải do vợ đẻ con gái, mà hoàn toàn do ông chồng, vậy nhá. Vậy thì đẻ nữa cũng từ anh, ai dám chắc con trai? Một việc không ai chắc thì làm làm gì, thế thôi. Quên chuyện nối dõi đi, gái tốt sẽ gặp trai tử tế và rể hay thì thua gì con trai hay. Sinh một đứa trẻ ra đời, là làm khổ cho chính nó, làm đông thêm trái đất này, làm nghẹt thêm nhân loại, làm trần ai thêm cõi nhân gian. Nói với nhau đến mức đó mà anh vẫn chán, vẫn thèm con trai ở đâu đó thì tùy anh, em xin đủ!

Mẹ cháu không lo, cháu sẽ nói được. Và mẹ đẻ sẽ nói với mẹ chồng cháu, các bà tự thuyết phục nhau, chấp nhận định mệnh, trời cho thế là được thế, đừng vòi vĩnh.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm