| Hotline: 0983.970.780

Cháu hãy thành tâm báo hiếu "bà nội ghẻ"

Thứ Sáu 01/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Ba mẹ đã yên bề, đừng khuấy động, cũng đừng thắc mắc nọ kia. Cháu chỉ có linh hồn ông đang phù hộ cho cháu và cái đức độ của người bà bánh đúc có xương kia thôi. 

Cô kính mến!

Cháu 19 tuổi, vừa qua đại học năm thứ nhất. Có được ngày hôm nay, công lao rất lớn phải kể đến bà nội. Ba mẹ cháu ly dị từ lúc cháu hai tuổi. Bà nội nuôi cháu để ba đi lấy vợ và mẹ đi lấy chồng.

Nếu chuyện chỉ có vậy thì đã không có lá thư này. Cô ơi, bà nội, đúng ra là người cháu kêu bằng bà nội không phải bà ruột. Ông nội cháu đã từng ly dị với bà nội đầu, hai người có với nhau hai người con, đều là trai hết.

Khi ông cưới bà nội sau này thì bà đã ngoài bốn mươi, không sinh con được nữa. Bà về sống với ông mười lăm năm thì ông mất, bà ở vậy nuôi cháu cho đến hôm nay.

Ai cũng nói bà của cháu là trời biển. Lớn lên cháu mới biết bà không phải bà ruột, vì bà đối với ba của cháu và với cháu như bát nước đầy. Cháu đã gặp may đúng không cô? Nếu không có công sức của bà, chắc chắn cháu không có ngày hôm nay.

Khi nhỏ, cháu thấy chuyện ba mẹ bỏ nhau không ảnh hưởng mấy tâm tư của cháu. Lúc đó, cháu có ông nội rất cưng chiều, lại có bà nội đảm đang, chu đáo, tốt bụng. Mãi tới lúc học lớp 9, cháu mới biết hết sự tình. Cháu buồn và suy nghĩ nhiều, cháu bắt đầu thấy mình bất hạnh, thiếu thốn. Chỉ một điều an ủi là bà nội là “người dưng nước lã” mà bà quá tốt.

Ba cháu từng khôn ngoan, bài bạc, lười làm ăn nên đổ vỡ gia đình. Ông nội buồn phiền về ba cháu nhiều lắm. Rồi ba gặp người vợ bây giờ, làm công nhân nhưng hay nhảy việc, không chung thủy, không thương con của chồng. May là cháu ở thị xã, ba ở thị trấn, cháu và dì ghẻ không gặp nhau thường xuyên. Ba cháu với dì có một con gái, năm nay đang học lớp 9.

Cháu buồn nhất là mẹ mình. Mẹ bị ba bỏ rơi, mẹ đâu có lỗi gì. Khi bà nội lãnh nuôi cháu, mẹ đi làm công nhân rồi cũng lấy chồng. Ở cùng thị xã mà mẹ rất ít khi thăm cháu. Không bao giờ mẹ góp với bà tiền học, hay tiền quần áo cho cháu.

Mẹ chỉ ghé thăm qua qua, nhìn cháu, rồi về. Cháu biết vợ chồng của mẹ là công nhân hết, mẹ lại có em bé nên cuộc sống chật vật. Nhưng sao bà của cháu cũng chật vật mà lại hy sinh được cho cháu, còn mẹ thì không? Mẹ đẻ ra cháu từ núm ruột của mẹ cơ mà.

Càng lớn cháu càng nghĩ nhiều về thân phận của mình. Tưởng đâu ông nội cưng chiều là không bao giờ côi cút. Nhưng đùng một cái ông bị ung thư phổi, sáu tháng thì qua đời.

Cháu mà biết sự thật về đời mình từ trước đây, chắc cháu không ngoan như đã ngoan đâu.

Cô hãy chỉ cho cháu những suy nghĩ chín chắn, tích cực trong nội tâm của mình. Giờ cháu đã xa bà, cháu học ở thành phố, bà vẫn chu cấp và cháu bắt đầu đi làm thêm. Nhưng sao cháu buồn quá, ba với dì thì không hạnh phúc, mẹ yên ổn hơn nhưng mẹ quá nghèo hay là không có tình thương với cháu do không nuôi cháu từ nhỏ? Còn bên ngoại cháu nữa, cũng xa vời luôn cô ơi.

Cháu tội nghiệp xin cô giấu email cho.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô biết, bánh đúc thường không xương, nhưng thời buổi văn minh này, có nhiều khi bánh đúc cũng có xương. Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng, chắc cháu không lạ gì câu đó?

Đúng, nếu từ lúc 2 tuổi, cháu không ở trong vòng tay bà nội “ghẻ” thì chắc chắn, ba hất qua, mẹ hất lại, nhà ngoại vô tâm thì đời cháu đã thành tương rồi, hoặc vô trại tế bần rồi. Công của bà lớn ở chỗ, nuôi cháu nội của ông (chứ đâu phải con trai của ông), tức là gián tiếp một nấc nữa mà bà vẫn từ tâm, công phu, bao la vậy. Ôi chao, công ơn trời bể ấy bao giờ cháu mới trả hết được cho bà.

Lại nữa, nếu cháu chỉ có ông, sống cảnh “gà trống già nuôi cháu”, chắc chắn cháu không được như hôm nay. Lại nữa, khi ông mất, cháu còn tuổi vị thành niên, bà tiếp tục gánh vác cháu chứ không đẩy cho ba hay mẹ hay ngoại của cháu. Đúng, bà là trời biển mà đã là trời và biển thì cháu sống ở dưới mái che ấy, cháu cũng thấy đủ rồi.

Dĩ nhiên, khi con người hiểu rõ cội nguồn thì nỗi buồn sẽ ập đến nếu như cội nguồn ấy không êm ái. Cháu biết chuyện ở vào thời điểm không sớm cũng không muộn. Người ta sẽ mạnh mẽ hơn nếu biết rõ về hoàn cảnh và nguồn gốc của mình. Cháu không có lỗi, cháu không chọn được ba mẹ, vì vậy, hãy an vui mà nghĩ như từng nghĩ: May mà còn có bà nội coi cháu như con.

Vì sao cô khuyên cháu nghĩ bà coi cháu như là con ruột? Là vì sự thực đúng như vậy. Bà không sinh đẻ được, bà nuôi cháu từ 2 tuổi, bà lại có tình mẫu tử bẩm sinh, và chắc bà là người có năng lực nữa, nên bà không xem cháu như “thú cưng”, hay cháu “ghẻ”, hay nuôi cho xong thời đoạn, mà bà đã nuôi cháu với tất cả nguồn yêu thương tự đáy lòng, tình yêu với ông nội cháu và với danh dự của một người tử tế.

Ba cháu không yên ư, vì ba cháu là nguồn cơn của việc này. Ba cháu không có phúc lấy vợ tốt nên ba vẫn lận đận. Mẹ cháu ư, cô cũng ngạc nhiên sao mẹ ít tình mẫu tử vậy. Thôi thì hãy nghĩ, mẹ hận ba chơi bời bài bạc tan nát đời mẹ, mẹ thấy ba trong hình ảnh cháu nên mẹ không yêu quý tự nhiên lắm.

Vả lại biết đâu, mẹ chật vật quá, hay là dượng của cháu sau này không cho phép mẹ gần con riêng. Vân vân và vân vân. Một biển lý do để người lớn thối thoát quá khứ, kêu rên quá khứ và để vô trách nhiệm với hiện tại, lẽ thường thôi mà.

Lá thư cho cô thấy một nỗi niềm, đồng thời cũng thấy một sự trưởng thành đáng hoan nghênh ở cháu. Cháu không có ba mẹ ở gần, cháu vắng sự bao bọc của tình cha, nghĩa mẹ. Cháu thiệt thòi ở đoạn đầu. Nhưng cháu lại may mắn ở đoạn sau khi có bà nội. Đời cháu rạng lên từ đó.

Hãy nâng ơn bà lên qúa đỉnh đầu, để mà tu dưỡng, mà gạt qua mọi ưu phiền, để mà học thành tài báo hiếu bà nội được ngày nào hay ngày đó, vì tuổi bà như chuối chín cây rồi.

Đừng nghĩ xa xôi quá, đừng buồn, hãy biến mọi khôn dại, thiệt hơn thành người có ích. Không sao đâu, cháu cứ học, cứ làm thêm, rồi ra trường, tấm bằng tốt, tư cách tốt, sẽ có việc để phụng dưỡng báo đáp bà nội.

Ba mẹ đã yên bề, đừng khuấy động, cũng đừng thắc mắc nọ kia. Cháu chỉ có linh hồn ông đang phù hộ cho cháu và cái đức độ của người bà bánh đúc có xương kia thôi. Mong cháu vững tâm, thành công, may mắn mãi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.