| Hotline: 0983.970.780

Châu Lý những ngày thê lương

Thứ Sáu 09/12/2011 , 09:00 (GMT+7)

10 người đàn ông ra đi trong chớp mắt. 20 trẻ nhỏ phút chốc mất cha. Những người vợ trẻ mất chồng...

Vành khăn tang của vợ mất chồng, con mất cha
10 người đàn ông ra đi trong chớp mắt. 20 trẻ nhỏ phút chốc mất cha. Những người vợ trẻ mất chồng. Đầu bạc đưa tiễn đầu xanh... Xã nghèo Châu Lý (Quỳ Hợp, Nghệ An) đang trải qua những giờ phút đau đớn khôn cùng.

Từ bản Na Lạn đến bản Ngọn, bản Cồn, Bù Lầu... của Châu Lý, đâu đâu cũng bắt gặp khăn tang, những bản nhạc khèn ai oán, cùng tiếng khóc than của người ở lại. Không khí ảm đạm càng gia tăng gấp bội dưới cái rét căm căm của gió lạnh đầu đông. Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi trước tại họa vừa giáng xuống.

Trong căn nhà đang làm dở ở bản Na Lạn, chị Nguyễn Thị Tâm (40 tuổi), vợ nạn nhân Lê Văn Lường, ôm 2 đứa con nhỏ đổ gục bên quan tài của chồng. Là người gốc Hà Tĩnh, 2 vợ chồng cơm nắm cơm đùm lên đây khai hoang lập nghiệp. Cưới nhau đã được mười mấy năm, sinh được 2 mặt con rồi mà cái nghèo cái đói vẫn chưa buông tha, có căn nhà 2 gian mà làm mãi cũng chưa xong. Người vợ trẻ khóc nấc lên từng hồi: “Anh ơi, răng anh đi đau đớn vậy, anh bỏ mẹ con em lại biết sống với ai… Tối qua mới ngồi ăn cơm với con đó mà dừ nằm đây rồi! Đau quá anh ơi”.

Tiếng khóc thảm thiết của chị Tâm khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Hai đứa con của chị, đứa lớp 10, đứa lớp 9 cũng chết lặng trước linh cữu cha.

Trong vụ tai nạn thảm khốc này, riêng bản Na Lạn có đến 5 người chết, trong đó có 2 gia đình mất cả 2 người con. Ông Lô Văn Hùng ôm mặt khóc nức nở bên quan tài của 2 đứa con trai là Lô Văn Thông (24 tuổi) và Lô Văn Minh (21 tuổi). Sinh ra trong nghèo khó, túng quẫn, cả nhà làm rẫy cũng chỉ bữa no bữa đói, các con ông phải chọn cái nghề nặng nhọc và nguy hiểm là bốc vác gỗ kiếm tiền. Nay đùng một cái hai đứa mất đi để lại cho ông gánh nặng gia đình mà không biết tấm lưng còng của ông có gánh nổi không.

Anh Thông đã có cháu nhỏ vừa tròn 1 tuổi, còn anh Minh cũng đã có 2 con nhỏ. Tất cả rồi sẽ lớn lên trong cảnh mồ côi cha. “Tục lệ người Thái ta là rứa đó! Chúng nó ở riêng cả rồi, có nhà cả rồi nhưng chết thì đều đưa về đây”, ông Hùng một tay bấu mặt mình, một tay lần sờ từng chiếc quan tài mà gọi tên từng đứa con một. Hàng xóm láng giềng không ai không rơi nước mắt.

Châu Lý trong đêm tối tù mù, mưa rơi lâm thâm và gió rét khiến xóm làng càng thêm thê lương. Có lúc đường trơn dốc đứng xe máy cài số 1 mà vẫn phải người chạy người đẩy để vượt qua. Dọc theo con đường vào các bản, đâu đâu cũng thấy cờ tang, tiếng khóc than rên rỉ liên hồi. Nỗi đau này là quá lớn đối với những bản nghèo nơi đây.

Như NNVN đã đưa tin, khoảng 3 giờ sáng ngày 7/12/2011, tại Km 63, QL48, địa bàn giáp ranh giữa 3 huyện Quỳ Hợp, Con Cuông và Tương Dương (dốc Pù Huột giáp ranh giữa xã Xiềng Mi, huyện Tương Dương và xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông- Nghệ An) đã xẩy ra một vụ tai nạn thảm khốc làm 10 người chết thảm, 5 người bị thương.

Tại bản Bù Lầu, gia đình cụ Vi Thị Khuyết cũng cùng lúc mất đi 2 người con là Vi Văn Là (SN 1976) và Vi Văn Hiếu (SN 1984). Cụ Khuyết năm nay đã 80 tuổi, đã không còn đi lại được nữa. Cụ chỉ biết nằm trên giường mà khóc con khóc cháu. Chồng cụ Khuyết mất đã lâu, nay được 2 đứa con trai cũng đi nốt, trong nhà hiện chỉ có mẹ già, con dâu và lũ trẻ nheo nhóc. Người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, còn những đứa trẻ ngây thơ vẫn hồn nhiên trèo lên quan tài của cha. Những ngày phía trước cả gia đình chưa biết sống dựa vào đâu.

Tại những bản làng ở Châu Lý, người dân quanh năm làm nương rẫy vẫn chưa thể thoát nghèo. Đàn ông trai tráng ai thuê việc gì cũng làm, trong đó có bốc vác gỗ, vừa có nhiều người thuê lại vừa được trả tiền công cao. Theo ông Lô Văn Hùng, tối 6/12 các con ông cùng hơn 10 người khác nhận được đề nghị đi bốc gỗ thuê bên huyện Tương Dương với thù lao 100.000 đồng mỗi người. Số tiền đó với họ đủ lớn để sẵn sàng đi bất chấp đêm khuya, mưa rét. 

Với phong tục người Thái, quan tài cho kẻ chết được làm từ những thân cây lớn được đục sẵn ruột. Họ sinh ra nơi núi rừng, sống bán sức cho gỗ, chết cũng theo cây gỗ mà đi. “Rứa là sống cũng nhờ gỗ mà chết cũng do gỗ rồi”, câu nói đau xót của một người dân Nà Lạn còn ám ảnh chúng tôi mãi, trước khi từ biệt Châu Lý về xuôi.

CHƯA XÁC ĐỊNH ĐƯỢC DANH TÍNH NGƯỜI MẶC TRANG PHỤC KIỂM LÂM

Theo thông tin của một số nhân chứng đầu tiên có mặt tại hiện trường thì trong số 15 người chết và bị thương trong vụ TNGT xảy ra tại lưng chừng dốc Pù Huột (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông) có một người mặc trang phục kiểm lâm lết từ trên ca bin xe bị nạn ra. Và ngay sau khi tai nạn xảy ra một lúc, có một chiếc xe ô tô con đến chở 3 người (trong đó có một người mặc trang phục kiểm lâm) chạy theo hướng ngược về Tương Dương.

Chiều 8/12, PV báo NNVN đã làm việc với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An để xác minh số gỗ trên có phải là gỗ lậu hay không và người mặc trang phục kiểm lâm là ai.

Ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng KL Nghệ An cho rằng: Số gỗ trên chiếc xe bị tai nạn khiến là gỗ khai thác lậu. Bởi việc vận chuyển vào lúc 2 - 3 giờ sáng thì chắc chắn là gỗ lậu, số gỗ này có khả năng đã được khai thác từ Khu BTTN Pù Huống. Hôm qua, tôi đi công tác từ Kỳ Sơn về thì nhận được thông tin vụ tai nạn nói trên nên đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Lúc tôi vào đến nơi thì xe cẩu đang cẩu gỗ tại hiện trường, giải phóng giao thông. Tôi đếm được 12 cột gỗ tròn, mấy đường xà, hạ và văng. Đây là một nếp nhà cấp 4 đã được làm thô. Ngoài ra còn có 2 tấm phản.

Ông Bính nói thêm: Loại gỗ nhóm mấy, tôi cũng chưa rõ. Đây có thể là 1 nếp nhà được núp dưới hình thức hỗ trợ đồng bào các dân tộc chưa có nhà làm nhà ở theo chính sách 167 của Chính phủ để khai thác bất hợp pháp. Ngay sau khi số gỗ được bốc về CA huyện Quỳ Hợp để điều tra, xử lý, với trách nhiệm của ngành, chúng tôi đã chỉ đạo anh em các Hạt Kiểm lâm truy tìm nguồn gốc số gỗ đó từ đâu ra.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi có hay không cán bộ kiểm lâm trên xe ô tô bị nạn, ông Lê Cao Bính cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra cả 3 Hạt kiểm lâm Con Cuông, Tương Dương và Quỳ Hợp thì số anh em kiểm lâm đều có mặt đầy đủ, không có ai bị thương. Không biết ở Hạt kiểm lâm Pù Huống có ai liên quan không? Hạt Kiểm lâm Pù Huống mới được tách ra khỏi Chi cục kiểm lâm Nghệ An từ năm 2007 theo Nghị định 119 nên thuộc quyền quản lý của Sở NN- PTNT. Để có những kết luận rõ ràng phải chờ kết quả điều tra của công an.

Sao Mai

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm