| Hotline: 0983.970.780

Châu Thành thiếu kinh phí

Thứ Tư 25/09/2013 , 10:34 (GMT+7)

Đó là ý kiến của ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang) trong cuộc trao đổi với Báo NNVN xung quanh việc xây dựng NTM của địa phương.

Đó là ý kiến của ông Trương Cảnh Tuyên (ảnh), Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang) trong cuộc trao đổi với Báo NNVN xung quanh việc xây dựng NTM của địa phương. 

Kết quả xây dựng NTM đến nay của huyện Châu Thành thế nào, thưa ông?

Sau khi tỉnh Hậu Giang tái lập vào năm 2004, huyện Châu Thành tuy có địa thế nằm ven sông Hậu nhưng còn là một huyện nghèo, cơ sở vật chất, điều kiện phát triển gặp nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế đa số của nông dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, từ khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, đến nay, hình ảnh nông thôn của Châu Thành không còn đường lầy lội, cầu khỉ, cầu ván gập ghềnh. Nhiều con đường láng xi măng và hàng chục cầu bê tông mới vững chắc trải dài trên các tuyến giao thông nông thôn. Người dân miền quê đi lại thuận tiện, dễ dàng vận chuyển hàng nông sản ra chợ.

Đến nay, các xã trong huyện đều đạt từ 2 - 6 tiêu chí. Đặc biệt, xã Đông Thạnh, xã điểm chỉ đạo của tỉnh đạt 13/19 tiêu chí.

Hiện nay, các KCN ven sông Hậu được định hình, nhiều dự án đầu tư mới triển khai tạo thêm việc làm. Quá trình chuyển dịch lao động nông thôn của huyện Châu Thành sẽ thuận lợi hơn trong xây dựng NTM?

Đúng vậy. Khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động tại các KCN sẽ tạo môi trường thích hợp để chuyển dịch lao động nông thôn. Từ đó, hoạt động đào tạo nghề bắt nhịp. Trước đây, hai xã Đông Phú và Phú Hữu A (ngày nay là thị trấn Mái Dầm) là 2 xã thuần nông. Sau khi hình thành các KCN, hoạt động đào tạo nghề đã được tỉnh và huyện chú trọng, đề ra nhiều giải pháp tăng cường công tác đào tạo nghề nông thôn, nâng cao chất lượng lao động và đặc biệt tạo điều kiện việc làm cho lao động đã qua đào tạo. Dạy nghề gắn với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của địa phương.

Để thực hiện đồng bộ, chủ trương của huyện là khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để giải quyết lao động tại chỗ.

Ở các xã có thế mạnh kinh tế vườn cho thấy có điều kiện đóng góp xây dựng NTM sẽ tiến nhanh hơn những xã còn độc canh cây lúa?

Quả thật, các xã có thế mạnh kinh tế vườn khi xây dựng NTM gặp nhiều thuận lợi, tiến nhanh hơn những xã còn độc canh cây lúa. Hiện nay, kinh tế vườn mang lại thu nhập cao hơn lúa từ 2 - 5 lần. Khi kinh tế nông thôn phát triển, đời sống nhà vườn không còn là nỗi lo, người dân sẽ hăng hái tham gia xây dựng NTM.


Thế mạnh về nông nghiệp của Châu Thành là sản xuất cây ăn trái

Ở các xã thuần nông khi xây dựng NTM gặp khó khăn gì? Tiêu chí nào khó đạt thưa ông?

Qua thực tế việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là do tay nghề của phần lớn lực lượng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, khó vào làm việc tại các Cty, xí nghiệp.

Trong đào tạo nghề, một số đơn vị thực hiện quy trình giảng dạy chưa đầy đủ, chưa có đủ giáo trình, máy móc, thiết bị để học viên thực hành. Còn không ít lao động nông thôn chưa hiểu hết về lợi ích của việc học nghề, chưa chủ động tích cực tham gia học nghề, còn bỏ tiết, bỏ giờ. Từ đó, kéo theo công tác giải quyết việc làm cho học viên sau học nghề chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. 

Mặt khác, xây dựng NTM có nhiều tiêu chí nhưng do không được đào tạo nên cán bộ thực hiện còn nhiều lúng túng. Năng lực quản lý của cán bộ cấp xã chưa đáp ứng nhu cầu công tác mà phải vừa học vừa làm nên việc báo cáo để được công nhận đạt tiêu chí chưa đúng với thực tế.

Các tiêu chí còn lại khó đạt là do cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, trường học, chợ nông thôn… thiếu kinh phí đầu tư; thiếu nguồn lực để bố trí vốn thực hiện chương trình trong khi theo quy hoạch mỗi xã cần vốn vài trăm tỷ đồng.

Trong thời gian tới, huyện Châu Thành vận dụng “đòn bẩy” nào để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM?

Từ khi bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng NTM, chúng tôi xác định sự đồng thuận của nhân dân là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, công tác vận động tuyên truyền cho người dân hiểu rõ ý nghĩa cũng như lợi ích Chương trình xây dựng NTM mang lại. Muốn vậy phải xây dựng được lực lượng nòng cốt là những người có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư. Lực lượng này phối hợp với cán bộ xã, ấp tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng. Kinh nghiệm cho thấy việc thực hiện các công trình, không những không cần cưỡng chế, bỏ ra nhiều tỷ đồng bồi hoàn đất, vật kiến trúc mà ngược lại còn nhận được sự đóng góp tích cực của nhân dân.

Xây dựng NTM là chủ trương của Đảng hợp lòng dân. Xây dựng NTM nhất thiết phải có cái mới, hiệu quả để đời sống người dân nông thôn được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, đây là việc làm lâu dài. Mục tiêu trước mắt tạo chuyển biến rõ rệt trong việc xây dựng hạ tầng nông thôn. Châu Thành tiếp tục huy động các nguồn lực, từ sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp xây dựng các công trình công ích xã hội; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.

Bình luận mới nhất