| Hotline: 0983.970.780

Chạy chức chạy quyền: Chuyện tế nhị

Thứ Năm 21/11/2013 , 08:45 (GMT+7)

Nghị trường tiếp tục “nóng” bởi nhiều ĐB đưa ra vấn đề tham nhũng trong chính đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ và nạn "chạy chức chạy quyền". Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại không khẳng định mà nói đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị mà Bộ đã nghiên cứu rất kỹ.

Dù đã trả lời 466 ý kiến bằng văn bản và dành khá nhiều thời gian để Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (ảnh) tiếp tục “giải trình” với các đại biểu về chạy chức, chạy quyền, chất lượng cán bộ công chức, viên chức, tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, ông và cử tri cả nước chưa bằng lòng với những đánh giá của Bộ Nội vụ về những vấn đề trên.

Mỗi năm có thêm hơn 20.000 công chức

Rất nhiều đại biểu ấn tượng với câu hỏi khá ngắn của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) được Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời kỹ nhất khi làm rõ về việc thực hiện tinh giản đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) thời gian qua.

ĐB Vinh dẫn chứng: Số CBCC nghỉ chế độ chính sách trong 3 năm từ 2010 đến năm 2012 là hơn 28 ngàn người, nhưng lại tăng thêm là 41.719 người và bằng 148% so với số người nghỉ. Rồi câu chuyện tuyển dụng vẫn chú trọng đến bằng cấp, các nội dung thi tuyển chưa phù hợp…

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, số lượng CBCC tăng chủ yếu cho các đơn vị mới được thành lập hoặc các đơn vị cũ nhưng được bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu các lĩnh vực về môi trường, đất đai, biển và hải đảo, quản lý thị trường, thanh tra, hải quan, kiểm lâm… Riêng về viên chức, tăng cũng do thành lập mới, nâng cấp trường học các cấp, thành lập mới bệnh viện.

Với câu hỏi lo ngại về tuyển dụng thì còn nặng về bằng cấp, Bộ trưởng Bình cho hay, đây là một trong những nội dung Ban tổ chức trung ương, Bộ Nội vụ cũng đang tập trung nghiên cứu, đổi mới là thi tuyển công chức sẽ có 4 môn, 5 bài thi. Để đảm bảo kỳ thi có chất lượng, có tính chuyên nghiệp, sẽ tăng cường trật tự, kỉ luật, kỉ cương cộng với kiểm tra, thanh tra trước kì thi, trong kì thi và sau kỳ thi.

Không làm rõ chạy chức, chạy quyền

Nghị trường tiếp tục “nóng” bởi nhiều ĐB đưa ra vấn đề tham nhũng trong chính đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ và nạn "chạy chức chạy quyền".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại không khẳng định mà nói đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị mà Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rất kỹ. Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khiến ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phải hai lần hỏi thẳng: Xin Bộ trưởng cho biết: Có hay không tình trạng "chạy chức, chạy quyền" và có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ?

Để cho cụ thể, ĐB Hà dẫn chứng: Như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT có nói "chạy dự án là có, nhưng đến giờ chúng tôi chưa phát hiện, chưa xử lý được". Tôi nghĩ phải dũng cảm như thế! Nếu có thì trong thời gian tới giải pháp khắc phục cho việc này như thế nào?. ĐB này đặt tiếp câu hỏi: “Tôi cho rằng đó là nguyên nhân, gốc của việc phòng chống tham nhũng, chọn được cán bộ tốt thì sẽ không có tham nhũng?”.

Sau khi trích dẫn hàng loạt Nghị quyết, Luật định bàn về chuyện CBCC mà không trả lời cụ thể câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Bình cho biết, đây là quan điểm tư tưởng gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức của Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ để xây dựng nghị định về phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức, lĩnh vực cán bộ, lĩnh vực thi đua, khen thưởng để có hệ thống lại, để các Bộ, ngành trung ương, các địa phương tập trung thực hiện...  

Về ý kiến lực lượng cán bộ chỗ “dày” chỗ “mỏng” trong câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải theo công thức: "Nguyên tắc giải quyết thiếu - thừa trong CBCC là tất cả các cơ quan đơn vị, tổ chức phải tiến hành ngay mô tả công việc, xác định việc làm, rồi xác định công chức, viên chức làm việc ở các đơn vị đó. Nơi thừa sẽ bù sang nơi thiếu, bổ sung thêm. “Số lượng công chức, viên chức sẽ có báo cáo bằng văn bản gửi đến đại biểu từ nay cho đến hết kỳ họp”, Bộ trưởng hứa.

Tham gia góp ý kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại bộ máy hành chính Nhà nước để xem chỗ nào “dày”, chỗ nào “mỏng”, chỗ nào chưa hợp lý, đồng thời triển khai quyết định của Trung ương tiếp tục hoàn thiện bộ máy. Tiếp đó, phải rà soát lại công tác biên chế công chức, viên chức, từ đó đưa ra được đánh giá và giải pháp hợp lý.

Mặt khác, phải có được đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, công chức nói riêng. Đi kèm theo đó, là hoàn thiện kế hoạch tuyển dụng, đổi mới kế hoạch chính sách tuyển dụng, làm sao từ nay đến giữa năm 2014 là có đánh giá xong về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xác định vị trí việc làm.

"Riêng về công tác chống các tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đội ngũ cán bộ, có tiêu cực hay không, có tham nhũng hay không và đồng chí Bộ trưởng có trích nghị quyết Trung ương đọc cho các đồng chí nghe, như vậy có nghĩa là có. Vậy thì tham nhũng ở đâu, cũng là ở bộ máy, bộ máy công cụ, bộ máy đơn vị sự nghiệp. Nhưng nó là bao nhiêu, Bộ trưởng nên đánh giá cụ thể”, Chủ tịch QH đề nghị.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.