| Hotline: 0983.970.780

Chạy đuổi vụ đông 2011

Thứ Năm 23/06/2011 , 09:58 (GMT+7)

Do thời tiết 2011 rét đậm rét hại kéo dài, vụ lúa xuân chậm từ 10 - 25 ngày nên áp lực thời gian lên vụ đông năm nay rất gấp gáp...

Tại hội nghị tổng kết SX vụ đông 2010 và triển khai kế hoạch vụ đông 2011 các tỉnh, thành phía Bắc diễn ra tại Vĩnh Phúc sáng qua (22/6), Cục Trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc khuyến cáo, do thời tiết 2011 rét đậm rét hại kéo dài, vụ lúa xuân chậm từ 10 - 25 ngày nên áp lực thời gian lên vụ đông năm nay rất gấp gáp. Do đó, đề nghị các địa phương cần quyết liệt, nhanh chóng có kế hoạch triển khai vụ đông cho kịp thời vụ.

2010, DIỆN TÍCH GIẢM, SẢN LƯỢNG TĂNG

Vụ đông 2010, nắng nóng khô hạn nghiêm trọng trên diện rộng xảy ra tại các tỉnh thành phía Bắc và vùng Bắc Trung bộ, cơn bão số 3 và đợt lũ lớn xảy ra vào đầu tháng 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, khi hơn 60.000 ha ngô và rau màu mất trắng. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cơ quan ban ngành, áp dụng triệt để tiến bộ KHKT, đưa các giống mới chất lượng cao vào SX nên nhìn chung vụ đông 2010, diện tích gieo trồng tuy có giảm song sản lượng và giá trị sản phẩm lại tăng khá mạnh trên hầu hết các loại cây trồng chủ lực.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích gieo trồng vụ đông 2010 đạt trên 462.000 ha, giảm 13.000 ha so với vụ đông 2009. Sản lượng đạt trên 3,7 triệu tấn, tăng 44.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngô đạt 631.000 tấn, đậu tượng 122.000 tấn, khoai tây 238.000 tấn, rau đậu thực phẩm xấp xỉ 2,7 triệu tấn. Vụ đông 2010, nhóm cây trồng ấm như: ngô, khoai lang, đậu tương, lạc vẫn áp đảo khi chiếm 63% tổng diện tích. Nhóm cây ưa lạnh gồm khoai tây và các loại rau đậu giảm 1,5% so với năm 2009, chiếm trên 36%. Trong khi tổng giá trị sản xuất nông nghiệp quý I ước đạt 37.000 tỷ đồng, cây trồng vụ đông chiếm trên 32% với giá trị đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.

Bài học kinh nghiệm qua vụ đông 2010 cho thấy, các địa phương có phong trào cây vụ đông phát triển đều ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ SX vụ đông sớm, đồng bộ và hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để vụ đông 2010 giành thắng lợi. Điển hình như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,… giá trị vụ đông bình quân lên tới trên 82 triệu đồng/ha, nhiều vùng SX hoa và rau giá trị kinh tế đạt 300 - 500 triệu/ha.

3 GIẢI PHÁP, KINH NGHIỆM CHO VỤ ĐÔNG 2011

          Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho hay, mục tiêu phấn đấu trong vụ đông 2011 là 520.000 ha, tăng 12,4% so với năm 2010. Bình quân giá trị SX đạt 25 - 30 triệu đồng/ha, tăng 3 - 5 triệu đồng so với năm 2010, tổng giá trị sản phẩm ước đạt 13.000 - 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần căn cứ cụ thể thời gian giải phóng đất, điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác và khả năng tiêu thụ sản phẩm, từng địa phương để có hướng dẫn cụ thể cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng cây trồng vụ đông cho phù hợp. Đặc biệt, quan tâm phát triển các loại cây dễ tiêu thụ như ngô, đậu tương, khoai tây. Riêng với nhóm rau đậu, do đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng ngắn cần bố trí trồng thành nhiều trà, nhiều đợt lệch thời gian, tận dụng tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá và tăng hiệu quả kinh tế.

Do quá trình BĐKH, công nghiệp hóa, đô thị hóa nên diện tích SX trong ngành nông nghiệp trong tương lai sẽ ngày càng giảm. SX vụ đông 2011 được nhiều cơ quan chuyên môn, nhà khoa học dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu, sâu bệnh ngày càng diễn biến bất thường. Để vụ đông 2011 được thuận lợi và hiệu quả, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế vụ đông 2010, hội nghị lần này đã chỉ ra một số giải pháp, kinh nghiệm cụ thể như sau:

Tham dự và chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh:  “Trong tương lai có thể vụ đông sẽ giảm nhưng nhất quyết chúng ta vẫn phải giữ vì không phải nơi nào cũng có điều kiện thuận lợi để làm hai vụ lúa + một vụ đông như miền Bắc nước ta. Phải tổ chức lại SX, tìm kiếm những mô hình mới để nhân rộng nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo sự đột phá cho vụ đông”.

Thứ nhất, phải bố trí đủ diện tích gieo trồng cây vụ đông sớm, kiên quyết đảm bảo kế hoạch gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống. Phấn đấu cơ cấu trà lúa hè thu, mùa sớm từ 350.000 - 400.000 ha, thu hoạch tốt nhất từ ngày 20/9 - 10/10 đảm bảo kế hoạch gieo trồng được khoảng 230.000 ha cây vụ đông sớm. Thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa hè thu, đông sớm, thu hoạch đến đâu làm đất trồng vụ đông ngay đến đó. Áp dụng tối đa biện pháp làm đất tối thiểu cho đậu tương và làm ngô bầu để tận dụng thời vụ, kết thúc trước ngày 5/10.

Thứ hai, ngành thủy lợi cần chủ động tưới tiêu cho diện tích cây trồng vụ đông, quy hoạch các vùng SX vụ đông tập trung theo cánh đồng, theo khu vực. Chủ động trữ nguồn nước đệm trên đồng ruộng để có thể tưới cho diện tích vụ đông sớm nếu gặp khô hạn kéo dài. Giống phải đảm bảo đủ, đa dạng phong phú về chủng loại, tăng cường đưa các giống lai chất lượng cao vào SX theo tiêu chuẩn VietGap. Đối với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn giống phù hợp và áp dụng mọi giải pháp kỹ thuật gieo trồng càng sớm càng tốt, đây là yếu tố quyết định đảm bảo năng suất cho cây trồng vụ đông. Với nhóm cây ưa lạnh như khoai tây, thời vụ từ ngày 15 - 30/11, có thể trồng vụ ĐX ở thời vụ muộn hơn. Các loại rau đậu nên trồng nhiều trà, rải vụ để tránh hiện tượng khủng hoảng thừa quá nhiều vào lúc chính vụ.

Thứ ba, các địa phương cần thực hiện chính sách hỗ trợ SX vụ đông, hỗ trợ kinh phí mua giống, đặc biệt các giống mới nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, sản lượng. Đẩy mạnh đầu tư cho công tác thủy lợi, cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng, hỗ trợ về điện và xăng dầu phục vụ công tác bơm nước, tiêu úng. Đặc biệt, phải có chính sách hỗ trợ công tác thông tin thị trường, khuyến khích, ưu đãi cho các DN ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm