| Hotline: 0983.970.780

Chạy máy GĐLH - Ai dạy, ai học?

Thứ Năm 14/10/2010 , 10:20 (GMT+7)

Tới chừng đi mua máy rồi mới vỡ lẽ, lúng túng. Ai biết chạy máy, ai dạy, học ở đâu?

Mấy năm gần đây nông dân ĐBSCL nao nức cơ giới hóa nông nghiệp. Chuyện sắm máy thay trâu thấy hiệu ích rành rành. Từ mua máy cày, máy xới, máy gặt lúa xếp dãy tới máy gặt đâp liên hợp (GĐLH) cả trăm triệu đồng, dù chưa đủ sức nông dân cũng góp tiền, vay vốn mua. Tới chừng đi mua máy rồi mới vỡ lẽ, lúng túng. Ai biết chạy máy, ai dạy, học ở đâu?

Chạy đại = liều mạng

Nhớ hôm tới xem ngày hội máy gặt lúa, anh Dương Văn Thành, nông dân xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) hóm hỉnh kể nghe mà ớn lạnh. Cách đây không lâu một nông dân trong xóm anh Thành mua máy GĐLH. Thoạt đầu tưởng như xe bình thường thôi, ông ta tự lái từ bờ xáng bò xuống kênh, ai ngờ giữa chừng nó bỗng giở chứng lồng lộn nhảy vọt lên rồi lật ngang. Ông ta may mắn thoát chết, nhưng tới giờ còn tởn kinh. Còn ông Kim Long, nông dân cùng xã với anh Thành nghe qua, góp thêm: “Máy này đâu chỉ có chạy trên đồng, còn phải xuống chẹt, lên bờ, ra lộ làng, lộ nhựa. Thiệt là chết như chơi nếu không học rành mạch”.

Cách đây 2 năm về Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) trò chuyện với 3 nông gia đồng bào Khmer tỉ phú từ làm lúa. Đó là ba gia đình đều là anh em ruột. Nói tới khoản mua sắm trang bị máy móc nông nghiệp anh nào cũng mê lắm, anh em như có bàn tính trước, cắt đặt sự phân công hẳn hoi. Người anh mua máy cày, người em kế sắm máy gặt lúa, máy suốt lúa đứa em út lo. Nhưng gộp chung lai, cánh nông dân giỏi này nhìn nhận máy nào chỉ qua sơ sơ là có thể chạy được, không ngại, vận hành qua đôi lần là cứ dong ra đồng cày bừa tới tới. Tuy nhiên, với cái máy gặt đập mới tậu về, 3 anh em thay nhau loay xoay hoài không được đành phải thuê một thợ lái và phải réo gọi anh ta mỗi khi đưa máy ra đồng.

Nhớ lại một dạo “Ra đường sợ nhất công nông…”, xe máy cày, máy kéo cứ bon bon trên đường làng, thong dong ra lộ nhựa làm nhiều người sợ phát khiếp cảnh tai nạn như cơm bữa. Nhưng chuyện đó bây giờ chưa dứt hẳn ở đồng bằng miền Tây này khi số lượng máy gặt đập ngày càng tăng lên cấp số nhân. Chẳng thấy ai mua máy học hành gì, cứ leo là nổ máy chạy.

Ai dạy, ai học?

Năm năm qua, số máy GĐLH ở ĐBSCL tăng nhanh chưa từng thấy. Ban đầu rải rác chừng vài chục máy, tới tháng 7/2007 có 476 máy, đến nay tăng lên 4.923 máy. Con số này chắc chắn còn tăng cao. Theo tính toán của PGS.TS Mai Thành Phụng (Trung tâm KN- KN Quốc gia), trong một năm nếu với 50% tổng diện tích lúa ở các tỉnh phía Nam thu hoạch bằng máy GĐLH thì cần khoảng 15.000 máy. Sắp tới TT sẽ chọn 4 tỉnh ở ĐBSCL thực hiện chương trình cơ giới đồng bộ từ khâu gieo sạ cho tới khâu thu hoạch. Như vậy việc đưa máy ra đồng trong những năm tới sẽ rất rộn rã.

Ông Nguyễn Văn Khải, Khoa Công nghệ (Đại học Cần Thơ) nhận xét: Ở ĐBSCL cơ giới hóa thu hoạch lúa đang tăng liên tục sau mỗi mùa vụ. Tính ra trong vùng có gần 5.000 máy GĐLH thì mỗi máy cần 2 người vận hành để đáp ứng kịp thời vụ thu hoạch. Như vậy hiện có khoảng 10.000 người trực tiếp vận hành máy mà chưa qua đào tạo căn bản từ trường lớp. Máy GĐLH là cả một tài sản lớn của nông hộ, có giá từ 160 triệu đến 500 triệu đồng/máy. Do đó muốn hoàn vốn mỗi máy phải thu hoạch từ 200-600ha. Đó là một khối lượng công việc lớn, nặng nhọc. Máy phải làm việc ngoài trời trong điều kiện thời tiết phức tạp, địa hình ruộng phân lô thửa đa dạng, giống lúa thay đổi liên tục… thật là áp lực lớn.

Nếu người vận hành máy chưa được trang bị kiến thức cơ bản về máy sẽ có thể dẫn tới tăng tỉ lệ thất thoát hạt lúa theo rơm, theo bộ phận làm sạch, độ sạch hạt lúa chưa đạt yêu cầu và còn có thể dẫn tới trục trặc, hỏng hóc máy. Tiếc rằng cho đến nay giữa việc mua máy GĐLH và học lái máy vẫn chưa gặp nhau.

Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng trường CĐ cơ điện và Nông thôn Nam bộ (Bộ NN- PTNT): “Nếu không học lái máy qua trường lớp quả là nguy hiểm vô cùng. Trước đây, tại Cần Thơ có mở lớp dạy lái máy kéo nông nghiệp. Học viên học xong ra trường về công tác tại Chi cục cơ giới ở các tỉnh. Từ 7-8 năm qua, trong vùng không còn mở lớp dạy nghề lái máy kéo nữa”.

Cách đây 2 năm, năm 2008 theo đề nghị của Trung tâm KN- KN Kiên Giang, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ) đã mở điểm dạy máy GĐLH. Lớp học chuẩn bị bài bản theo mô hình liên kết: TT KN- KN Kiên Giang vận động tài trợ một phần kinh phí học nghề; DN tài trợ là Cty Vĩnh Hưng chịu phí thuê máy thực hành; giảng viên cộng tác từ Bộ môn máy nông nghiệp và sau thu hoạch ĐH Cần Thơ cùng với thợ lái máy kéo có tay nghề về dạy. Thời gian học 1 tháng, có dạy lý thuyết và thực hành lái máy không tải và lái thực tế. Cuối khóa cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp.

Lớp đầu tiên chiêu sinh dự kiến 30 người, học phí 1 triệu đồng/người. Vậy mà chốt lại chỉ có 9 người học. Vì quá ít người học nên thợ lái máy giỏi không về đủ để dạy mà chỉ có chủ máy cũng là dân tay ngang hướng dẫn, kèm cặp mỗi máy 2 học viên thực hành. Do vậy tới mãn khóa thì lớp đầu cũng là lớp cuối cùng.

Lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề còn rất lớn. Song việc hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề vừa qua hầu như chỉ tập trung cho một số ngành nghề đáp ứng cho các cơ sở CN-TTCN mà chưa chú trọng mở các lớp dạy nghề đáp ứng nhu cầu SXNN. Đơn cử chuyện mở lớp dạy nghề lái máy kéo chỉ cần trình độ từ lớp 5 tới lớp 9, thời gian học ngắn hạn 1 tháng mà việc tổ chức dạy lẫn học quá khó khăn chỉ vì thiếu kinh phí, trang thiết bị dạy và học.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất