| Hotline: 0983.970.780

Cháy rừng bất thường ở Tĩnh Gia

Thứ Hai 13/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Điều đáng nói là, các vụ cháy rừng hầu hết xảy ra vào thời điểm nhạy cảm và dường như cháy…theo nhiệm kỳ!.

Năm 2010 toàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xảy ra 21 vụ cháy, thiêu rụi hơn 282 ha rừng. Tính đến đầu tháng 7, trên địa bàn đã có 12 vụ cháy, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 81 ha. 

Cháy rừng bất thường

Huyện Tĩnh Gia có hơn 17 nghìn ha rừng; trong đó hơn 11 nghìn ha đã giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Đây được xem là một trong những huyện có diện tích rừng trồng thông, keo, bạch đàn lớn nhất nhì tỉnh Thanh Hóa và cũng là huyện trọng điểm nắng nóng vào mùa hè (nhiệt độ ở Tĩnh Gia thường cao hơn các địa phương khác trong tỉnh từ 1 – 2 độ), nên công tác PCCCR luôn được chính quyền các cấp ưu tiên hàng đầu.

Chỉ tiếc rằng sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân gần như đổ xuống sông xuống bể sau mỗi “nhiệm kỳ đại hội”.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tĩnh Gia thường xuyên đối mặt với tình trạng cháy rừng liên tục và mang tính chất “bất thường”, trong đó tập trung vào 2 năm 2010 và 2015. Thống kê của Hạt Kiểm lâm Tĩnh Gia cho biết, năm 2010 toàn huyện xảy ra 21 vụ cháy, thiêu rụi hơn 282 ha rừng, trong đó 54 ha bị cháy hoàn toàn, không có khả năng phục hồi. Các năm 2012 – 2014, gần như không có đám cháy nào ảnh hưởng đến rừng.

Thế nhưng, 6 tháng đầu năm nay, số vụ cháy đột ngột tăng lên 12 vụ với tổng diện tích thiệt hại hơn 81 ha. “Theo tôi nguyên nhân cháy là có người đốt phá hoại và “đốt có chuyên môn”.

Bởi các vụ cháy của năm 2010 và 2015 đều rất giống nhau. Đang cháy ở điểm A thì cháy luôn điểm B, điểm C; thời gian đốt thường vào thời điểm nhạy cảm, trước kỳ đại hội và vào buổi trưa, buổi tối”, ông Lê Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tĩnh Gia nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia cũng đồng quan điểm với ông Toàn và cho rằng: “Rừng cháy là do bị đốt và ở đây có cả một tổ chức chứ không thể một vài người được”.

Ông Thường phân tích, một đám cháy rừng có vật liệu cháy và nguồn lửa. Ở Tĩnh Gia nếu nguồn lửa đó xuất phát từ bom đạn thì hoàn toàn chưa có; hóa chất gây cháy cũng không.

Sơ ý gây cháy cũng loại trừ vì nếu sơ ý thì chỉ một vài vụ, đằng này trong cùng một ngày xảy ra 3 – 4 điểm cháy, điều đáng nói là các vụ cháy thường diễn ra vào thứ 7, chủ nhật; từ 11h – 13h chiều, 00h – 2 hoặc 3h sáng, thời gian mà người dân đang nghỉ ngơi ở nhà. “Biết chắc chắn là rừng bị con người đốt, nhưng ai đốt, đốt vì mục đích gì? thì đang là câu hỏi lớn”, ông Thường nói.

Ngày 11/7/2010, chỉ trong khoảng thời gian từ 11h45 – 12h10 rừng của BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia và hộ gia đình bị đốt ở 3 xã Xuân Lâm, Mai Lâm và Hải Thượng, thiệt hại hơn 118 ha thông, keo. Trong đó, hơn 32 ha cháy rụi, không có khả năng phục hồi.

Kịch bản tương tự năm 2010, vào khoảng 11h15 ngày 29/5, ông Thường cùng các lực lượng khác đang chữa cháy ở xã Tân Dân thì nhận được thông tin xã Trúc Lâm và Hải Thanh cũng đang cháy rừng thông (lúc này xã Trúc Lâm đang đại hội). Hàng trăm lượt người từ chính quyền địa phương đến kiểm lâm, công an, quân đội được huy động tham gia chữa cháy, hậu quả lửa thiêu rụi 9 ha thông nhiều năm tuổi.

“Chúng “dương đông kích tây”, cùng lúc gây ra nhiều vụ cháy nên chúng tôi đã rút kinh nghiệm, chữa cháy xong thì phân công anh em ở lại trực phòng khi cháy lại. Đồng thời, báo động đến các trạm lân cận tăng cường cảnh giác”, ông Thường cho hay.

Được biết, BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia được giao quản lý hơn 6.153 ha rừng; trong đó hơn 5.236 ha rừng phòng hộ và hơn 917 ha rừng sản xuất, phân bổ trên địa bàn 16 xã, thị trấn. Trong 12 vụ cháy tính đến đầu tháng 7/2015, thì cháy rừng của BQL chiếm đến 11 vụ.

Cần làm rõ nguyên nhân

PV đặt nghi vấn liệu có phải các đối tượng đốt vì cái “ghế” lãnh đạo? Ông Nguyễn Hữu Thường khẳng định: “Tôi hiểu rõ anh em cơ quan mình, chắc chắn họ không đủ gan để tổ chức đốt như vậy”.

Còn ông Lê Văn Toàn nói: “Bao nhiêu năm nay anh em trong hạt làm việc rất vất vả, nội bộ không có mâu thuẫn. Tôi cũng còn mấy năm nữa là về hưu nên chắc chắn không có chuyện tranh dành gì”.

Ông Toàn lý giải, khi xảy ra cháy rừng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, chẳng khác gì con chuột thui, đi sớm về muộn. Chữa cháy xong thì cũng cạn kiệt sức lực, hơn nữa mọi thành tích thi đua khen thưởng đều bị cắt hết, như thế thì chẳng ai dại gì mà tự làm khổ mình.

Đối với hộ gia đình được giao quản lý rừng, họ còn mắc cả võng để bảo vệ rừng của gia đình mình. Rừng cháy họ chỉ biết đứng khóc, nên không thể có chuyện các hộ dân hiềm khích mà đốt.

“Ai cũng biết đốt rừng là vi phạm pháp luật, nếu bị bắt có khi còn ngồi tù mọt gông, nhất là trong khi công an đang vào cuộc ráo riết nhưng họ vẫn cả gan đốt. Nếu nói là kẻ điên đốt thì cũng không thể tổ chức đốt, qua mặt các lực lượng như vậy được”, ông Thường nói.

Như vậy, cả ông Toàn và ông Thường đều khẳng định rừng bị kẻ xấu đốt phá hoại. Năm 2010, lực lượng Công an vào cuộc điều tra nhưng không thể tìm ra đối tượng đốt rừng. Đến năm 2015 kịch bản tiếp tục lặp lại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân. “Nhưng nếu không tìm ra người đốt, đốt vì mục đích gì? thì chúng tôi còn khổ nhiều”, ông Thường lo lắng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.