| Hotline: 0983.970.780

Chè an toàn, cơ hội cho vùng sâu, vùng xa

Thứ Năm 14/11/2013 , 10:27 (GMT+7)

Hà Nội có những vùng trồng chè truyền thống tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai với tổng diện tích 3.100 ha.

Hà Nội có những vùng trồng chè truyền thống tập trung ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai với tổng diện tích 3.100 ha. Hiện nay, không có một loại nông sản nào chênh lệch giá lớn như chè, loại thấp cấp kém loại cao cấp cả chục đến vài chục lần.

Phân tích thị trường cho thấy ngoài yếu tố mùi vị thì độ sạch của chè là yếu tố sống còn quyết định đến giá bán. Trên thực tế sản xuất chè của Hà Nội vẫn còn manh mún, phân tán với những giống chè cũ kém chất lượng như PH1, Trung du lá nhỏ mà chưa có giống chiến lược cũng như sự đầu tư, áp dụng bài bản các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Thêm vào đó, các hộ nông dân còn chưa coi trọng đến độ an toàn của sản phẩm từ khâu chăm bón, phun thuốc BVTV đến chế biến, tiêu thụ. Làm thế nào để đưa cây chè thành cây chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thành bệ đỡ cho tiêu chí nâng cao thu nhập ở những vùng trung du, miền núi của Hà Nội? Câu trả lời chính là phải xây dựng và nhân rộng các mô hình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chè an toàn.


Cấp giấy chứng nhận an toàn cho chè ở xã Ba Trại

Năm 2013, Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội đã triển khai mô hình chè an toàn tại 7 xã của 4 huyện với quy mô 185 ha với nhiều dạng như trồng mới, thâm canh chè an toàn, thâm canh chè VietGap, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và trồng thay thế ở năm thứ hai. Xác định việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là công việc cực kỳ khó nên điều đầu tiên phải tuyên truyền, đả thông tư tưởng cho họ.

Từ khi triển khai mô hình, Trung tâm đã thường xuyên phối hợp với các xã, HTX để viết tin bài phát thanh trên đài xã mỗi tuần 2-3 lần về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả kinh tế của sản xuất chè an toàn cũng như quy trình kỹ thuật thực hiện.

Khi đã nhận được sự đồng thuận của người dân, một lớp đào tạo cho 20 cán bộ kỹ thuật, nông dân nòng cốt của các địa phương tham gia mô hình được tổ chức. Họ học ở lớp, thực hành ngay ở những vùng chè nổi tiếng cả nước như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tiếp đó 9 lớp tập huấn kiểu đại trà cho 720 cán bộ, xã viên nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để làm chè an toàn.

Các hộ tham gia mô hình chè an toàn được hỗ trợ 100% giống, 30% kinh phí vật tư phân bón và thuốc BVTV, 50% giá trị máy móc, 100% kinh phí đào tạo, tập huấn, tham quan học tập... Giảm chi phí đầu vào đặc biệt là giảm 2-3 lần phun thuốc BVTV/năm và biết lựa chọn thuốc an toàn ít độc hại cho người sản xuất, người tiêu dùng, sử dụng thuốc đúng đối tượng phòng trừ, phun đúng lứa là những kết quả đầu tiên được ghi nhận ở nhiều mô hình chè an toàn ở Hà Nội.

Hàm lượng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ cơ giới hóa tăng lên thấy rõ. Nông dân đã dần làm quen với máy đốn tỉa, máy phun thuốc, máy sao, vò chè để giải thoát dần những công việc chân tay nặng nhọc…

Tuy chè an toàn tại các mô hình thí điểm đã đạt chất lượng tiêu chuẩn nhưng do sản xuất, tiêu thụ chưa thành hệ thống đồng bộ và nhất là chưa tạo được nên những thương hiệu mạnh, có độ tin cậy cao nên giá bán thấp, chưa tương xứng với công sức và kỳ vọng của nông dân bỏ ra. Chưa có một doanh nghiệp lớn nào làm Mạnh Thường Quân, nhận đỡ đầu, bao tiêu cho chè sạch để hình thành nên một vùng sản xuất tập trung.

Chi li ra, hiệu quả kinh tế của sản xuất chè an toàn so với chè thông thường chỉ chênh lệch từ 50-70 triệu đồng/ha, chưa thực sự hấp dẫn người nông dân đã quen với kiểu làm chè dễ dãi như hiện nay.

Có mặt tại mô hình thâm canh chè VietGap của xã Ba Trại huyện Ba Vì, tai lắng nghe những lời tâm tư thấp thỏm của dân, mắt nhìn thấy những sản phẩm chè tuy an toàn nhưng mẫu mã còn lem nhem, chủng loại còn đơn điệu, thương hiệu chưa có gì, chúng tôi chợt ngẫm ra một điều làm mô hình thì dễ nhưng duy trì và mở rộng mô hình sau khi đã hết hỗ trợ thực khó biết bao.

Tạo thêm nhiều công ăn, việc làm, phát triển sản xuất, tiêu thụ chè gắn với du lịch sinh thái tiến tới xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu chè an toàn Hà Nội là những mục đích được kỳ vọng cho cây chè sạch ở Hà Nội.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất