| Hotline: 0983.970.780

Chê chợ tiền tỷ, dân tràn xuống buôn bán giữa lòng đường

Thứ Hai 27/06/2016 , 06:30 (GMT+7)

Một trung tâm thương mại, một chợ dân sinh khang trang, sạch đẹp với số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng “đắp chiếu”. Nhưng cách đó chừng 300m, một khu chợ cóc hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm. Đây là thực trạng tại thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ, Hưng Yên).

“Đặc sản” tắc đường

Nếu như ở các TP lớn, đông đúc như Hà Nội hay TP.HCM, tắc đường là chuyện không có gì lạ thì một thị trấn nhỏ như Yên Mỹ, tắc đường cũng quen như cơm bữa.

7h sáng, con đường chạy qua trụ sở UBND thị trấn nghẹt thở. Xe đạp, xe máy, ô tô, cả người đi bộ đan vào nhau như mắc cửi. Chỉ cần một chiếc ô tô tải đi qua, tất cả phải đứng chôn chân chờ. Lý do bởi cả trăm tiểu thương tràn ra vỉa hè, lòng đường để buôn bán.

18-05-04_1
Người dân tràn xuống đường buôn bán

 

Lề phải, một xe máy chở cả mẹt dưa cồng kềnh chắn ngang. Lề trái, bà bán thịt ngồi chềnh ềnh với phản thịt lợn to như cái giường. Rồi ngay giữa đường, một chị bán rau muống, dựng xoẹt cái chân chống mời khách mua, cứ như trong sân nhà mình.

Chị Bùi Thị Tám, ngồi bán rau dưới lòng đường, thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, liền xua tay. Tôi hỏi, sao không vào chợ mà bán, lại ngồi giữa lòng đường thế này. Nhặt cho khách mớ rau muống, chị Tám liến thoắng, "ở đây làm gì có chợ, chỉ có trung tâm thương mại thôi".

Mà vào trung tâm thì đắt. Thuê kiôt 3 triệu một tháng, làm sao chịu nổi. Hơn nữa bán cũng chẳng có khách, họ vào mua mớ rau 3 nghìn, gửi xe mất 5 nghìn, ai chịu. Chị Tám ngồi bán rau, nhặt nhạnh tiền lẻ chỉ lãi 2 triệu đồng/tháng. Đi thuê kiôt bán chỉ có bù lỗ.

Một phụ nữ ngồi kế bên, bán rau cải nói chen vào, biết là vi phạm, là tắc đường nhưng vẫn phải bán thôi. Họ đuổi thì lại chạy, họ đi lại bán. Ngày bán mấy mớ rau, nải chuối, tiền đâu mà vào thuê kiôt.

Tiểu thương vật vờ

Cách khu chợ cóc nói trên chỉ chừng 300m, đập vào mắt chúng tôi là khu chợ Yên Mỹ xây 3 tầng, khang trang, sạch đẹp, người dân quen gọi là trung tâm thương mại.

18-05-04_3
Khung cảnh vắng vẻ tầng 1, khu chợ Yên Mỹ

 

Tầng 1, duy nhất có một kiôt mở cửa để… bán trà đá. Quán có 2 vị khách, kể cả tôi. Ông chủ quán rót vội cho khách cốc trà đá rồi ngửa cố rít thuốc lào xòng xọc. Tôi hỏi, sao mấy kiôt mặt tiền đẹp thế mà không ai kinh doanh buôn bán, ông lắc đầu.

Đi qua sảnh tầng 1, tôi bắt gặp 3 người phụ nữ ngồi túm tụm nói chuyện. Chủ kiôt “AT Collections” cho biết, mỗi gian ở đây rộng 9m2, mua đứt giá 150 triệu đồng. Còn đi thuê theo tháng, chỉ khoảng 500 nghìn đồng/kiôt.

Tôi hỏi, sao nhiều người bảo một tháng thuê những 3 triệu đồng. Chị này xua tay, họ nói tào lao, ở đây mà quen biết, thậm chí có thể mượn lại của nhau không mất tiền.

Tầng 2, cả diện tích mặt sàn hàng trăm mét vuông để trống trơn, không một bóng người. Leo lên tầng 3, cửa ra vào luôn trong tình trạng khóa trái. Bên trong, ngổn ngang dụng cụ tập thể dục, thể hình.

18-05-04_4
Hàng trăm m2 sàn tầng 2 bị bỏ không

 

18-05-04_5
Lối lên tầng 3 khu chợ bị bịt kít

 

Được biết, khu vực tầng 2 trước đây cũng sầm uất lắm, một doanh nghiệp lớn thuê lại toàn bộ mở siêu thị thời trang. Nhưng chỉ được hơn 1 năm thì phải bán tháo hàng rồi dời đi vì ế ẩm.

Kiên quyết nhưng… khó lắm

Khi tôi hỏi, tại sao có chợ, trung tâm thương mại to đẹp, người dân lại xuống đường buôn bán nhốn nháo như vậy, ông Trương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Mỹ nhìn tôi bật cười: “Cái này anh phải ra hỏi họ chứ, làm sao chúng tôi biết được”!?

Tôi bắt chuyện với người đàn ông bán dưa, người này chẳng buồn đáp lời, quay mặt đi chỗ khác. Một phụ nữ chở con đi học qua, chẳng may quệt vào xe hàng, thế là lời qua, tiếng lại, suýt thì cả thị trấn được xem phim “hành động”.

Ông Hải cho hay, tình trạng này diễn ra từ rất nhiều năm, ăn sâu vào nếp sinh hoạt của dân. Với dân số hơn 1 vạn, nhu cầu sinh hoạt của người dân tương đối lớn. Không chỉ người dân địa phương, nhiều người từ huyện khác cũng đổ về, tràn ra đường buôn bán.

Cách đây 3 năm, khu chợ Yên Mỹ với số vốn hàng chục tỷ hoàn thành, chủ dự án là UBND huyện Yên Mỹ, Cty CP Phát triển Đại Dương làm chủ đầu tư. Sau đó, đơn vị đầu tư tiếp tục xây dựng thêm một khu chợ dân sinh, giao quyền quản lý cho UBND thị trấn.

Theo ông Hải, từ đó đến nay, cả hai khu gần như không hoạt động. Riêng khu chợ dân sinh, hiện đang cho người dân nhờ làm bãi đỗ xe tải chờ bốc hàng. Cùng từng ấy thời gian, lãnh đạo địa phương dùng đủ mọi cách từ vận động cho tới ép người dân chuyển vào chợ nhưng bất thành.

18-05-04_6
Phối cảnh hoành tráng của khu chợ Yên Mỹ

 

Dù cho ông Hải khẳng định, việc kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường là sai. Thế nhưng ngay chính mặt tiền trụ sở thị trấn, chiều đến còn bị đủ thứ từ quần áo, trà đá, nước mía… vây kín nữa là ngoài đường.

Tôi hỏi, liệu thời gian tới có chấn chỉnh được tình trạng này không, ông Hải thở dài, chúng tôi kiên quyết nhưng… khó lắm. Hàng ngày, công an huyện vẫn tăng cường xuống dẹp nhưng không ăn thua.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm