| Hotline: 0983.970.780

Chè Thái Nguyên bao giờ bay ra thế giới?

Thứ Sáu 14/07/2017 , 10:05 (GMT+7)

Dù được tôn vinh là đệ nhất danh trà nhưng Thái Nguyên - thủ phủ trà Việt vẫn còn thiếu rất nhiều những sản phẩm trà có giá trị và đẳng cấp thế giới.

Chênh lệch

Có thể nói thị trường trong nước đang là thế mạnh của chè Thái Nguyên, trên hầu hết các tỉnh, thành phố đều có mặt hàng chè Thái Nguyên được bán với nhiều hình thức: cửa hàng, đại lý, chợ, hệ thống siêu thị… với nhiều hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng khác nhau. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đều có mạng lưới tiêu thụ chè khắp cả nước. Năm 2015 sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 34.200 tấn chè thành phẩm, chiếm 84,4%. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 6.300 tấn, chiếm 15,6% sản lượng chè chế biến.

09-35-22_che2jpeg
Đẩy mạnh xuất khẩu là đòi hỏi thiết yếu để chè Thái Nguyên không đứng bóng

Đáng nói là sản lượng chè xuất khẩu của Thái Nguyên lại đang có xu hướng giảm dần. Bình quân giai đoạn 2011-2015 giảm 2,34% về sản lượng, cụ thể từ năm 2011 đến nay, sản lượng chè xuất khẩu giảm 626 tấn (từ 6.926 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu 11,5 triệu USD, đến năm 2015 chỉ còn 6.300 tấn, tổng kim ngạch đạt 12,6 triệu USD). Với chỉ 2 mặt hàng chè xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu chè búp khô và chè đen thành phẩm, thị trường xuất khẩu vẫn tập trung ở một số bạn hàng loanh quanh quen thuộc, chủ yếu là Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong đó Pakistan chiếm thị phần tới 50% sản lượng chè xuất khẩu của Thái Nguyên.

Sự chênh lệch về cán cân tiêu thụ không chỉ về sản lượng, thị trường mà còn thể hiện ngay cả về giá trị. Giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức 120.000 - 220.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000 - 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản; chè cao cấp có giá 2.500.000 - 3.000.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá chè xuất khẩu hiện dao động 1,7 - 2,0 USD/kg tùy chủng loại (giá rất thấp so với giá nội tiêu).

Có thể nói, chè Thái Nguyên được xuất khẩu chủ yếu chỉ là nguyên liệu thô với giá bình quân chỉ bằng 60% so với giá trên thị trường thế giới, dùng để đấu trộn với các loại chè khác hoặc để chiết xuất... 
 

Chuyển đổi

Rõ ràng, nếu chỉ mải mê với chiến thắng ở sân nhà thì chè Thái Nguyên sẽ chỉ đứng bóng ao làng mà thôi.

Tại cuộc thi Chè quốc tế năm 2016 được tổ chức ở Canada, sản phẩm chè Tôm nõn của Công ty CP chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã xuất sắc vượt qua hàng chục sản phẩm chè tiêu biểu của nhiều quốc gia và giành giải Bạc. Kết quả đó đã mở ra cơ hội, triển vọng và động lực cho các doanh nghiệp chè của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung mở rộng thị trường sang các nước Bắc Mỹ, thị trường vốn được xem là khó tính trong nhập khẩu và tiêu thụ chè. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chè Hà Thai, cho biết, chất lượng trà Việt, đặc biệt là trà Thái Nguyên không thua kém bất kỳ chè của quốc gia nào. Một số nước đã lấy sản phẩm chè nguyên liệu búp khô xuất khẩu của Việt Nam để đấu trộn, chiết xuất rồi mặc áo, đóng nhãn mác mới. Họ bán với giá gấp hàng chục lần so với giá thu mua. Cái yếu, cái thiếu trong sản phẩm chè xuất khẩu của chúng ta bị tích lũy trong cả quá trình từ trồng, chăm sóc, chế biến đến quảng bá tiêu thụ.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Minh (TP Thái Nguyên) cho biết, có rất nhiều sản phẩm chè của Việt Nam (không phải là chè Thái Nguyên) đang được xuất khẩu với giá 100, 500, 1.000 đô la và còn hơn thế nữa. Tại sao lại không tạo ra được nhiều sản phẩm chè Thái Nguyên có giá cao như vây? Quan trọng hơn cả là việc sản xuất chè an toàn sẽ phải là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp thiết để đổi thay phương thức. Chỉ đổi thay mới có sản phẩm chè có giá trị, chất lượng cao, đổi thay mới vươn được ra tầm thế giới. Nếu không thì chỉ bằng lòng chấp nhận giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên vốn dĩ đã đứng yên từ bấy lâu nay.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, phân tích, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè thì không nhất thiết phải nhìn vào năng suất, sản lượng. Đánh giá hiệu quả phải dựa vào giá trị của sản phẩm. Nếu chè xuất khẩu với giá 2 đô la thì phải mất cả tấn chè mới tương đương được với chỉ 1 kg chè mà thị trường Quốc tế tiêu thụ. Tỉnh Thái Nguyên vừa thông qua Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thương hiệu chè Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Dù vẫn xác định nội tiêu là thị trường tiềm năng song hướng đi tất yếu, sống còn trong tương lai của chè Thái Nguyên phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc tế.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.