| Hotline: 0983.970.780

Chè Thái Nguyên VietGAP

Thứ Ba 29/01/2013 , 10:11 (GMT+7)

Nhiều nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc SX chè theo VietGAP rất hiệu quả, tuy nhiên vẫn chỉ tồn tại dưới dạng mô hình.

Nhiều nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc SX chè theo SX nông nghiệp tốt (VietGAP) rất hiệu quả; tuy nhiên vẫn chỉ tồn tại dưới dạng mô hình, việc mở rộng không dễ dàng.

Dự án kết thúc, mô hình cũng "đi" theo

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống & vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, trung tâm của ông được Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên chỉ định là tổ cấp chứng nhận rau, quả chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh từ năm 2009. Cho đến nay, trung tâm đã cấp chứng nhận cho 6 nhóm hộ SX chè VietGAP. Trong đó, giấy chứng nhận của 4 nhóm hộ đã hết hiệu lực.

Trung tâm đang thực hiện việc cấp gia hạn chứng nhận cho các nhóm hộ này. Qua việc thực hiện cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm chè, đến nay tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào tự bỏ tiền ta để đăng ký chứng nhận mà tất cả các mô hình đã được chứng nhận đều là tiền của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; cho nên khi dự án kết thúc thì mô hình cũng kết thúc theo.

Vậy là, dân cứ phải có tiền hỗ trợ thì mới làm chè VietGAP. Hiện nay, Sở NN-PTNT Thái Nguyên cũng đã tổ chức cấp chứng nhận cho 15 nhóm hộ SX chè VietGAP. Tất cả đều thuộc chương trình hỗ trợ của dự án QSEAP.


Thu hái chè VietGAP

Phải có trách nhiệm cao

Ông Lê Huy Phúc, Chủ nhiệm HTX Tân Thành, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, từ 2009 đến nay HTX của ông đã 3 lần được cấp chứng nhận SX chè VietGAP, tức là sản phẩm chè đã "cập" chuẩn chung. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị và chất lượng sản phẩm được nâng cao. Thông thường, giá bán chè VietGAP Tân Thành cao hơn mức giá thông thường trên địa bàn từ 15 - 20%.

Tuy nhiên, người làm chè an toàn cần phải có trách nhiệm rất cao, tính tự giác tốt thì mới giữ được thương hiệu mà mình đã dày công tạo nên. Điều trăn trở chung của người nông dân khi thực hiện các quy trình SX mới là nguy cơ phá quy trình từ chính những người bà con của mình.

Về thực tế đó, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi được đào tạo, người nông dân phải tự bươn trải với kiến thức mới, quy trình SX mới cũng như sản phẩm mới. Không có tư vấn sau cấp chứng nhận, không có “bà đỡ” đứng ra khâu nối tạo thành chuỗi giá trị khẳng định chất lượng của sản phẩm chè mới.

Vì sự quyết định về mặt giá trị sản phẩm cũ và mới không được phân biệt rõ ràng nên nhiều nông hộ lại quay về với phương pháp canh tác truyền thống trước đó. Rõ ràng, hiệu quả của việc cấp chứng nhận VietGAP là ghi nhận người nông dân biết về một quy trình làm chè mới chứ không phải áp dụng quy trình đó vào SX bền vững để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Từ lập luận trên, bà Nguyễn Thị Ngà cho rằng, cấp chứng nhận cho nông dân không phải và càng không nên là việc chuyển giao kiến thức đơn thuần mà phải gắn với việc tiêu thụ sản phẩm. Nếu cứ làm theo đề án, theo kế hoạch mà bà con lại được hỗ trợ tiền thì hiệu quả thiết thực các mô hình SX chè VietGAP sẽ rất hạn chế.

Bà Manuja Peiris, Giám đốc điều hành Ủy ban quốc tế trà cho rằng, việc tuyển chọn giống chè và SX chè theo quy trình VietGAP phải được thực hiện nghiêm ngặt chứ không phải hô hào rồi cấp chứng nhận vô tội vạ vì đây là điều kiện sống còn của chè Thái Nguyên cũng như của cả ngành chè Việt Nam.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, Thái Nguyên có trên 18.000 ha chè với 66.000 hộ dân trồng chè, trong đó có 54.000 hộ chế biến, bình quân mỗi hộ dân có từ 3 - 5 sào chè. Sự manh mún trong SX như vậy đã tạo sự hình thành những nương chè mi ni cũng như những quy trình SX mi ni.

Sự manh mún còn sinh ra tính cạnh tranh không lành mạnh, chung kỹ thuật nhưng không chung sản phẩm, mạnh ai nấy làm. Khi giá trị chênh lệch giữa những người cùng trong một nhóm thì nguy cơ "phá" VietGAP càng hiện hữu.

Ông Hòa phân tích thêm, hiện người dân vẫn bị bỏ lửng khâu thị trường, ngay cả các quy định mới nhất của Nhà nước về cấp chứng nhận VietGAP cũng không đi theo sản phẩm VietGAP ra “chợ”. Cơ quan cấp chứng nhận lại không đủ chế tài mà chính là trách nhiệm để kiểm tra, giám sát thị trường... "Để người nông dân tự nguyện đăng ký xây dựng VietGAP, điều quan trọng là phải bảo hộ được sản phẩm của họ cả về chất lượng lẫn giá thành sau khi được cấp chứng nhận", ông Hòa nói,

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm