| Hotline: 0983.970.780

Chè VietGAP xứ Tuyên

Thứ Ba 05/11/2013 , 10:34 (GMT+7)

Chè Làng Bát vốn đã được ca tụng ở xứ Tuyên với đặc trưng nước xanh, trà dịu thì nay lại nức tiếng thơm bởi làm chè theo quy trình VietGAP.

Chè Làng Bát (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên) vốn đã được ca tụng ở xứ Tuyên với đặc trưng nước xanh, trà dịu thì nay lại nức tiếng thơm bởi làm chè theo quy trình thực hành SX nông nghiệp tốt VietGAP.

Từ nguồn vốn của dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tháng 1/2013, Chi cục BVTV Tuyên Quang đã xây dựng mô hình SX chè VietGAP tại Làng Bát với quy mô 13 ha do 29 hộ dân tham gia thực hiện.

Cả 13 ha chè VietGAP Làng Bát đều nằm tập trung trên một dải đồi trải rộng. Ông Phạm Văn Luận, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX chè VietGAP Làng Bát cho biết, khi về đây thu thập mẫu đất, mẫu nước, cán bộ của tổ chức chứng nhận VietGAP đã phải trầm trồ bởi đồi chè đều chằn chặn, xanh ngát một màu. Phía lũng dưới là hồ Làng Bát rộng chừng 2 ha cung cấp nước tưới cho cây chè.


SX chè VietGAP Làng Bát có sức lan tỏa mạnh

Theo nhiều người dân, chè Làng Bát nổi tiếng chính bởi thổ nhưỡng đặc trưng ấy. Sau khi được tập huấn và đi tham quan mô hình làm chè VietGAP tại Thái Nguyên, có người đã ít nhiều quan ngại về sự phức tạp và cầu kỳ của phương thức SX mới. Nhưng khi bắt tay vào làm, tổ hợp tác đã xây dựng được quy chế hoạt động, thành lập nhóm tự quản, tổ giám sát thì công việc cứ thế trôi chảy.

Ông Đồng Văn Nam, Tổ phó Tổ hợp tác SX chè VietGAP Làng Bát cho biết, cái được lớn nhất của làm chè sạch là bảo vệ được sức khoẻ của người nông dân, bảo vệ được đất đai, đồi bãi. Không giấu giếm, ông Nam cho hay, từ trước đến nay, dân Làng Bát nào có ai biết bón chè bằng phân hữu cơ.

Việc chăm sóc chè thì mạnh ai nấy làm, mỗi nhà một phách vì không ai tiết lộ bí quyết cho ai. Cứ chăm, cứ thúc cho chè lên càng mau lứa càng được coi là giỏi. Phun thuốc thì thì cứ sâu chết đến hết sâu là được.

Đến lúc thu hái hay bảo quản cũng vậy, không phải bởi không có ý thức làm chè sạch mà trên thực tế người dân nắm bắt kỹ thuật SX chè an toàn còn rất hạn chế. Nhờ cán bộ tận tình chỉ bảo, bây giờ bất kể ai muốn “động” đến chè thì đều phải báo cáo, ghi chép đầy đủ, nếu “lệch” so với quy trình thì coi như lô chè đó không được chứng nhận. Kể cả là truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.

Điều đáng nói là hầu hết các hộ dân đều nhận thấy việc SX theo quy trình mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, tất thảy đều tự giác thực hiện. Ông Ninh Văn Tuyên, một xã viên tổ hợp tác cho biết, hiệu quả chính là chất lượng cũng như giá thành của sản phẩm chè được nâng lên.

Nếu như chè ngoài mô hình hiện nay chỉ bản được 70.000 - 90.000 đ/kg thì chè VietGAP Làng Bát lúc nào cũng bán giá 140.000 đ/kg. Nhưng lúc nào cũng “cháy” hàng vì thương lái đã đặt mua khi chè còn chưa hái về. Các xã viên đã chung nhau góp vốn xây dựng một xưởng chế biến với thiết bị đạt tiêu chuẩn. Theo quy chế, xưởng chế biến sẽ mua sản phẩm chè búp tươi của xã viên cao hơn 20% so với giá thị trường.

Lợi ích nhiều mặt từ làm chè VietGAP khiến mô hình có sức lan tỏa mạnh. Ông Mạc Văn Kỳ, xã viên tổ hợp tác cho hay, hầu hết các xã viên đã chủ động đưa toàn bộ diện tích của gia đình vào SX theo quy trình VietGAP. Vậy là ngoài 5 ha mô hình trung tâm, đã có thêm 8 ha mô hình vệ tinh và không biết bao nhiêu diện tích lân cận mà người dân đã học cách để làm theo.

Đáng nói là tại Làng Bát đã có một số doanh nghiệp về đặt mua hàng khối lượng lớn, thậm chí là thuê SX hoặc đang tìm cách mua lại các đồi chè của dân để “ăn theo” thương hiệu chè VietGAP.

Giải tỏa sự băn khoăn của chúng tôi về việc sản phẩm chè VietGAP Làng Bát sẽ bị nhái, thật giả lẫn lộn dẫn đến suy giảm thương hiệu, ông Phạm Văn Luận, Tổ trưởng Tổ hợp tác phân tích, thương lái mua chè chính là những nhà thẩm định chất lượng khách quan và vô cùng chính xác. Một khiếm khuyết nhỏ của sản phẩm có nguyên nhân từ quy trình SX đều không thể qua mắt được họ.

Ông Nguyễn Năm Châu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tuyên Quang: Chi cục đã đề nghị các cơ quan hữu quan cũng như tổ hợp tác SX chè VietGAP Làng Bát duy trì và phát huy được thương hiệu của mình. Trên cơ sở thực hiện hiệu quả mô hình, Chi cục đã đề nghị Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo, vận động nhân dân nhân rộng mô hình; sớm ban hành cơ chế hỗ trợ nông dân tổ chức SX nông sản theo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất