| Hotline: 0983.970.780

Chênh vênh "xóm Việt kiều"

Thứ Năm 22/01/2015 , 06:30 (GMT+7)

Từ thế hệ cha ông, họ phiêu dạt sang xứ Miên kiếm sống rồi trở về nước với đôi bàn tay trắng, sống chen chúc, lam lũ, nhếch nhác dưới chân cầu. 

Cuộc sống của những con người nơi “xóm Việt kiều” tại ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản (Bình Phước) đang bế tắc.

Hắt hiu những mảnh đời

Chúng tôi đến thăm “xóm Việt kiều” vào buổi chiều. Già trẻ, trai gái sống chen chúc dưới chân cầu Sài Gòn 1 sát bên bờ sông có nguy cơ sụt lở.

Đây là cây cầu nối liền địa phận hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh nhưng không ngờ lại trở thành điểm tựa cho sự sống của hơn 50 con người lam lũ.

Nơi che nắng mưa không phải là những căn nhà kiên cố mà chỉ là các căn chòi lụp xụp được dựng nên bằng những thanh tre nứa rồi quây lại bằng những tấm bạt hoặc những tấm tôn cũ kĩ, rách nát. Chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ để cái xóm nghèo này không còn chỗ nương thân.

Xóm nghèo bỗng vui hơn khi thấy có thấy khách lạ. Từ lũ trẻ líu ríu rồi người già lụ khụ cũng tìm đến vây quanh, hỏi han chúng tôi. Trong câu chuyện về phận đời trôi nổi của xóm nghèo này, cụ Hồ Văn An (SN 1936), một trong những người sống lâu năm ở đây, nhớ lại ngày mới chuyển về sống.

Cụ cho biết, trước đây nơi cầu Sài Gòn chỉ là mảnh đất dốc được bồi đắp bởi quá trình xây dựng cầu, lác đác một vài hộ dân sinh sống, cách biệt hoàn toàn với người dân trong vùng.

Hơn 10 năm trước, chân cầu đón nhận ồ ạt những kiều bào di cư từ Campuchia kéo về trú ngụ. Mặc dù không có hộ khẩu thường trú nhưng vì tình người mà chính quyền địa phương cảm thông, đồng ý cho họ tá túc.

Dân xóm cầu từ đó dựng nên những căn chòi nhỏ rồi quây bạt làm nhà để lấy chỗ chui ra chui vào. Cho đến nay, dưới chân cầu đã có 12 ngôi nhà với hơn 50 con người sinh sống chật chội. Dân trong xóm hầu hết là lao động nghèo sống bằng nghề chài dưới bên Campuchia trở về.


Hình ảnh "xóm Việt kiều" nhìn từ bên kia sông

Anh Trần Văn Minh cho hay, gia đình 12 người của anh sống ở huyện Po Sách (Campuchia) bằng nghề đánh bắt cá, thả thuyền giăng câu. Sau đó nhiều năm liền giông bão liên miên nên ghe thuyền bị đánh đắm.

Lo ngại tính mạng người già, trẻ nhỏ bị đe dọa nên vào năm 2005 gia đình anh mới chuyển về đây. Con cái anh cũng được dựng vợ gả chồng với những người dân xóm nghèo này. Cả gia đình 3 thế hệ tá túc trong căn chòi rách nát.

Dân xóm cầu hầu hết đều sống bằng nghề đánh bắt cá, giăng câu trên các khúc sông gần nhà. Cũng có một vài người đi làm thuê, nhổ cỏ mì cho các hộ dân trong vùng, nhưng số này rất ít. Tuy nhiên, công việc bấp bênh, thu nhập chẳng là bao. Nhất là đến mùa khô, nước trên sông Sài Gòn khô cạn, dân chỉ trông chờ vào mớ tép, con cua con ốc được mò trong các hang hốc đem về. Tài sản đáng giá nhất của các hộ dân nơi đây chỉ là chiếc xuồng máy để di chuyển trên sông nước.

Cả xóm không có nổi một chiếc giếng khoan, nước uống thì phải mua ngoài cửa hàng. Muốn nấu ăn thì phải lấy nước dưới sông rồi để lắng phèn sử dụng. Lùm cây ven sông cũng được tận dụng làm nơi vệ sinh.

Người chết không có đất chôn, phải xin UBND xã. Nhưng đến nay khu vực chôn cất của xã cũng hết đất, họ phải sang Tây Ninh để xin.

Những công dân ở đây rất ít giao du, tiếp xúc với bên ngoài. Họ cứ bó buộc đời mình với chân cầu, quanh năm lắt lay bên những căn lều nhếch nhác, hiu hắt. “Thiếu thốn đủ đường, dường như không còn cách nào để thoát khỏi cuộc sống này”, người dân nói trong bế tắc.

Hướng đi nào cho tương lai?

Người dân trong xóm cầu đều là người Việt Nam theo ông bà, cha mẹ sang Campuchia từ nhỏ. Vì vậy, họ rất thành thạo tiếng Campuchia và cả tiếng Việt. Tuy nhiên, cuộc sống nghèo khổ quanh năm bám sông nước, việc lên bờ đi học cái chữ là điều xa xỉ. Vì vậy, mà người dân nơi đây từ nhỏ đến lớn đều mù chữ.

Có những gia đình có đến ba thế hệ chung sống mà không một người nào biết mặt chữ. Mỗi khi giao dịch hay kí nhận một chuyện gì đó chỉ biết đóng chữ “thập” điểm chỉ mà thôi.

Cha mẹ mù chữ nên việc dạy dỗ cho con cũng là điều không thể. Vì vậy việc mù chữ có nguy cơ truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Do không có hộ khẩu nên việc đăng kí thường trú là không thể. Trẻ con trong xóm có muốn cũng chẳng được đến trường.

Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm, xác nhận: “Xóm Việt kiều” di cư tự do từ Campuchia về đây tạm trú, không có hộ khẩu. Người dân sống nghèo khổ bằng nghề đánh cá trên sông. Điều đáng lo ngại nhất là mùa mưa tình trạng sụt lở đất ven sông nơi các hộ dân sinh sống rất lớn. Vì vậy, UBND xã Minh Tâm đang phối hợp với UBND huyện, UBND tỉnh để thống nhất biện pháp di dời các hộ dân ra khỏi khu vực cầu”.

Một tia sáng nhỏ trong cuộc đời của người dân xóm cầu này xuất hiện trong thời gian gần đây.

Ấp trưởng Đỗ Đình Khanh (SN 1952) cho biết: “Được sự giúp đỡ của chùa Thiện Quang (TP. Hồ Chí Minh), UBND xã Minh Tâm đã mở một lớp học chữ vào buổi tối cho các hộ dân.

Tuy nhiên, cho đến nay lớp học chỉ có 25 trẻ nhỏ, còn người lớn vì bận việc, tâm lý ái ngại nên không chịu học”.

Nghèo đói và thất học triền miên khiến cuộc sống của người dân xóm cầu chỉ là tạm bợ qua ngày, mù mịt không lối ra.

Cuộc sống bám triền sông làm chỗ ở, nhờ dòng nước để bắt con cá, con cua khiến mỗi phận người càng trở nên mong manh.

Nhiều lần chính quyền họp để bàn về hướng đi cho dân xóm cầu, đặc biệt là động viên họ đi học lớp công nhân cạo mủ cao su, tuy nhiên, do tập quán cố hữu là “làm bạn với sông nước” nên họ không chịu, tiếp tục bám nghề.


Những chiếc xuồng là phương tiện kiếm sống duy nhất của người dân nơi đây

“Họ kết hôn tự phát, thích là dọn qua ở với nhau sinh con đẻ cái, dù có muốn tổ chức đám cưới họ cũng không có điều kiện. Khi chính quyền đến động viên thì bơi thuyền đi bỏ trốn.

Việc sinh đẻ cũng không có kế hoạch, vì vậy trong xóm có nhà lên tới 12 nhân khẩu. Chuyện kế hoạch hóa gia đình “không phanh nổi”, nghèo vẫn sinh con”, vị ấp trưởng chia sẻ.

Điều lo ngại nhất đối với cuộc sống người dân xóm cầu là vào mùa mưa. Vì các hộ dân sống ven sông nên lúc mưa lớn rất dễ xảy ra tình trạng sụt lở. Nhiều năm nay, cứ mỗi lần mưa bão là chính quyền địa phương phải chuyển người dân lên đường rồi dựng chòi để ở. Sau khi “trời yên bể lặng” các hộ dân lại trở về dựng lại căn chòi của gia đình mình để tiếp tục cuộc sống.

Mỗi khi có giông bão, các lực lượng chức năng của xã lại được điều động để cứu hộ cứu nạn. Dựng chòi, cho thức ăn nước uống để hỗ trợ các hộ dân tránh lũ lụt.

Theo vị trưởng ấp, hằng tháng chính quyền xã vẫn đều đặn cấp gạo, lương thực, chăn màn, quần áo cho các hộ dân. Các hộ dân tạm trú tại đây đều được cấp sổ hộ nghèo để hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Đường điện cũng được kéo về để phục vụ ánh sáng cho người dân, trong đó mỗi hộ được UBND ủng hộ 30 ngàn tiền điện mỗi tháng.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất