| Hotline: 0983.970.780

Chết vẫn chưa được giải oan!

Thứ Ba 08/07/2014 , 08:25 (GMT+7)

Nỗi oan khuất của bà Phạm Thị Hữu, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) kéo dài hàng chục năm, đến khi chết vẫn chưa được minh oan.

Gần chục năm, bà Hữu khốn đốn vì bị người khác kiện đòi mảnh đất mà bà đã ở gần 30 năm. Hai cấp tòa án tuyên buộc bà phải trả lại đất, “đuổi bà ra khỏi nhà” dù không có căn cứ pháp lý.

Thấy oan sai, khi giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cũng là lúc bà Hữu trút hơi thở cuối cùng.

12-45-29_cong-vn

Bỏ đất 30 năm rồi quay lại đòi?

Sự việc bắt nguồn từ mảnh đất có diện tích 1.228 m2 (với một căn nhà cấp 4 cũ) tại thôn Hội Yên, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng vốn là của gia đình ông Hoàng Ngọc Bách. Năm 1972, gia đình ông Bách bỏ chạy vào Nam.

Năm 1973, con gái ông Bách là chị Bê về ở, bị tai nạn chết vào tháng 8/1975, mảnh đất từ đó bỏ hoang. Năm 1976, do chủ trương di dân của xã để có đất sản xuất, bà Phạm Thị Hữu cũng đã nhường vườn nhà của mình và được địa phương phân về ở mảnh đất nói trên và được các cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất ở lâu dài. Nhưng đến năm 2003 thì con ông Bách là ông Hoàng Ngọc Thiện gửi đơn đòi lấy lại mảnh đất trên nhưng chính quyền không chấp nhận.

Năm 2009, các con ông Bách gồm Hoàng Thị Xê, Hoàng Viết, Hoàng Thị Đệ, Hoàng Ngọc Đức - đều trú tại TP.Hồ Chí Minh và Hoàng Ngọc Thiện - trú tại TP.Huế, kiện ra TAND huyện Hải Lăng đòi lại nhà, đất. TAND huyện Hải Lăng và TAND tỉnh Quảng Trị tại các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm (tháng 8 và 11 năm 2010) đều cho rằng, bà Hữu tự ý đến ở trên mảnh đất đó, không phải thực hiện theo chủ trương di dân của chính quyền lúc bấy giờ và cũng chưa được sự đồng ý của gia đình ông Bách.

Do đó, tòa tuyên buộc bà Hữu phải trả lại cho các nguyên đơn căn nhà cấp 4 và 1.228m2 đất. Bà Hữu gửi đơn cầu cứu lên TAND tối cao. Ngày 20/2/2014, TANDTC ban hành quyết định Giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao cho TAND huyện Hải Lăng xử lý.

Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 15, Tòa Dân sự TANDTC nêu rõ: Mảnh đất nói trên bỏ hoang hóa từ năm 1975, bà Hữu được ban cán sự thôn giao cho ở theo chủ trương di dời dân của địa phương, có công cải tạo đất và sử dụng ổn định từ đó đến nay. Sự việc này được ông Hoàng Anh Quyết, nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Quế - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng xác nhận. Chính quyền xã Hải Quế cũng xác nhận ý kiến của ông Quyết là đúng sự thực.

Ngày 23/5/2014, Chi cục thi hành án dân sự huyện Hải Lăng ban hành Quyết định đình chỉ thi hành án đối với bà Hữu. Vào thời điểm này, bà Hữu đã quá kiệt quệ và đổ bệnh vì cú sốc oan khuất và qua đời, đúng vào thời điểm công lý vừa được thực thi.

Bản án bất chấp sự thật

Nguyên nhân khiến gia đình ông Bách chạy vào Nam là do nhà ông Bách có con trai là Hoàng Ngọc Đức làm Quận phó quận Trung Lương (Quảng Trị) của chế độ cũ, khi nhận biết chiến trường Quảng Trị nguy cơ sẽ thất thủ nên đã đem toàn bộ gia đình chạy vào khu định cư Động Đền, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (cũ) để cố thủ. Chi tiết này đã bị hai cấp Tòa “lờ” đi, và thay vào đó bằng từ “chạy giặc” (?!).

Cụ thể, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều có nội dung: “Đến năm 1972, gia đình ông Bách chạy giặc vào Đà Nẵng”. Xin được nhắc lại rằng, gia đình ông Bách có con trai là quan chức chế độ cũ (ngụy quyền), ông Bách phải chạy vào Nam, do đó, khái niệm “giặc” ở đây là ai???...

Không chỉ vậy, hai cấp tòa đã ra phán quyết bất chấp ý kiến xác nhận của những nhân chứng sống bao gồm các lão thành cách mạng, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã, thôn xóm cũng như sự phản ứng gay gắt của toàn thể nhân dân thôn Hội Yên. Do đó, dư luận có quyền đặt dấu hỏi đằng sau những bản án áp đặt vội vàng, bất chấp sự thật đó là gì?

Cách xét xử áp đặt, bất chấp sự thật của hai cấp tòa huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị đã gây cho bà Hữu lâm vào cảnh khốn đốn. Bởi trong khi bà đang có nhà cửa ổn định, kể từ khi bị kiện tụng bà phải phải đi ở nhờ nơi khác, đến khi bà sắp hấp hối, gia đình con cái của bà mới nhận được thông báo về Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của TANDTC.

Bây giờ sự việc xét xử chưa xong, bà Hữu đã chết. Giả sử công lý được thực thi, thì bà Hữu cũng không bao giờ còn cơ hội được thụ hưởng. Tổn thất và những nỗi đau đớn về tinh thần của bà Hữu, ai phải chịu trách nhiệm và có thể bù đắp được không? Câu hỏi này xin dành cho những cơ quan hữu trách, đặc biệt là hai cấp tòa đã xét xử và ra bản án oan sai đối với công dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất