| Hotline: 0983.970.780

Chị Ân về nhà

Thứ Hai 27/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

“Liệt sĩ” Ân về nhà trên chiếc xe chuyên dụng sau 46 năm mất tích và được cho là đã hy sinh.

Ngày ra đi, bà Ân là cô gái tuổi đôi mươi mạnh mẽ tham gia cách mạng ở ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà. Ngày về, bà vào nhà trên chiếc băng ca, yếu ớt vì những di chứng chiến tranh và bệnh tật.

Trong vòng tay của gia đình, nước mắt bà Ân chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo. Đã 46 năm, bà mới lại được sống trong căn nhà của cha mẹ, trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Chừng đó thời gian cũng là hành trình dài bất tận tìm kiếm em chồng đầy khó khăn, nhọc nhằn và cả nước mắt của một người chị dâu.

Hành trình tìm kiếm em chồng

Vùng đất cách mạng xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) những ngày qua bàn tán xôn xao cuộc trở về kỳ diệu và đầy nước mắt của “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân (SN 1945).

Căn nhà nhỏ của mẹ con bà Ngô Thị Phán (SN 1945, thôn Hương Lam) tấp nập người ra vào. Ai cũng mừng cho gia đình bà Phán được đoàn tụ với người em chồng sau bao nhiêu năm xa cách.

Người phụ nữ khuôn mặt phúc hậu, nước da trắng, đôi mắt tinh anh ngồi ân cần bón từng thìa thuốc cho người phụ nữ nằm trên giường. Đó là hai chị em chồng Ngô Thị Phán và Nguyễn Thị Ân.

Bà Phán kể hai chị em cùng tuổi, đều sinh năm 1945. Năm 1965, bà Phán lấy ông Nguyễn Tam rồi về nhà chồng làm dâu cũng là thời điểm cô em chồng thoát ly theo cách mạng.

“Mang tiếng là chị em chồng với nhau nhưng chỉ ở chung nhà được vài bữa. Chị Ân hồi đó cũng nhiều người theo đuổi mà chẳng chịu ưng ai.

Gia đình nhà chồng tôi có truyền thống cách mạng nên chị Ân thoát ly, tham gia vận chuyển lương thực cho bộ đội ở đơn vị K600 tỉnh Quảng Đà.

Lần cuối tôi gặp chị Ân là lúc tôi mới sinh con đầu lòng được khoảng 2 tháng vào năm 1969. Lúc đó nhà hết sạch gạo, chị Ân về nhà mang theo cho 20kg rồi dặn tôi cố gắng bồi bổ để lo cho cháu”, bà Phán nhớ lại.

Sau lần gặp gỡ đó ít lâu, bà Phán cùng gia đình nhận được hung tin bà Ân bị thương nặng trong một trận đánh. Bà Ân sẽ được chuyển ra miền Bắc điều trị.

“Thời chiến nên thông tin rất khó khăn. Gia đình tôi nhận được mẩu tin ngắn ngủi như vậy về chị Ân, rồi sau đó biệt tích luôn”, bà Phán nói.

Rồi ông Tam cùng người em gái út là Nguyễn Thị Lý cũng lần lượt nhập ngũ và hy sinh trên chiến trường.

“Ông nhà tôi hy sinh năm 70, cô Lý hy sinh năm 71. Mất mát quá lớn khiến cha mẹ chồng tôi buồn bã nên ngày càng yếu. Sau ngày đất nước thống nhất, cha mẹ chồng tôi nhiều lần dò hỏi tung tích chị Ân mà không được.

Trước lúc qua đời, cả hai vừa dặn dò, vừa nhắc tôi cố gắng tìm chị Ân. Chị Ân sống thì tìm xem đang ở nơi đâu mà chết thì đưa hài cốt về quê nhà”, bà Phán kể.

Nhận lời trăng trối của cha mẹ chồng, bà Phán luôn đau đáu dò la thông tin về người em chồng. Cứ mỗi lần có người mách tin, bà Phán lại khăn gói áo quần đi tìm.

09-05-10_nh-2-b-phn-ke-ve-hnh-trinh-di-tim-em-chong
Bà Phán kể lại hành trình đi tìm bà Ân

Bà có mặt khắp các trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công trên cả nước. Từ trung tâm Hội An (Quảng Nam) đến Nha Trang rồi ngược ra Hà Tây, Phú Thọ.

“Cả gia đình nhà chồng tui một đời hy sinh cho cách mạng nên chẳng còn ai. Tôi chỉ hy vọng chị Ân còn sống để cùng tôi trở về quê nhà.

Vậy mà trời không thương, suốt mấy chục năm đi tìm đều không gặp được. Bao nhiêu tiền bạc, của cải để dành tôi đều dành hết cho những chuyến đi tìm chị Ngân”, bà Phán tâm sự.

Bà Phán nhớ như in chuyến đi Phú Thọ tìm em chồng năm 1986. Bà kể, lúc đó có người ở huyện Hòa Vang đi an dưỡng về kể lại có gặp bà Ân ở Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công tỉnh Phú Thọ.

Nhà nghèo, bà Phán quyết định bán cả gia sản khi ấy là đàn heo lấy tiền làm lộ phí rồi cùng người con trai cả là anh Nguyễn Nhất đi Phú Thọ.

Khi đến nơi, Trung tâm xác nhận đúng là có bà Nguyễn Thị Ân từng được chăm sóc tại đây. Vậy nhưng trước đó 3 năm bà Ân đã được chuyển vào một trung tâm ở tỉnh Khánh Hòa.

09-05-10_nh-3-b-phn-n-cn-chm-soc-em-chong
Bà Phán ân cần chăm sóc em chồng

“Tôi tiếp tục đi Khánh Hòa theo giấy giới thiệu của trung tâm ở Phú Thọ. Vậy nhưng vào đến trung tâm Khánh Hòa thì không có ai tên đó cả. Do giấy tờ bị thất lạc và nhầm lẫn nên chị Ân chuyển đi trung tâm khác.

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết đang làm việc với Sở Lao động - Thương binh - xã hội TP Đà Nẵng để hủy bỏ danh hiệu liệt sĩ của bà Ân. Xã cũng đang hoàn tất thủ tục để bà Ân hưởng chế độ thương binh.

Mẹ con tôi buồn bã về nhà. Tìm không được chị Ân, có người cho là chị đã hy sinh nhưng tôi luôn có một linh cảm chị ấy vẫn còn sống. Cũng nhờ đó mà mẹ con tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc”, bà Phán chia sẻ.

Nước mắt ngày về

Ngồi cạnh bà Phán, người con dâu Nguyễn Thị Xuân mắt đỏ hoe khi nghe kể lại hành trình tìm người cô chồng.

Chồng chị Xuân, anh Nguyễn Nhị cùng mẹ bôn ba khắp nơi để tìm cô. Vậy nhưng anh không chờ được ngày bà Ân trở về.

“Chồng tôi mất năm 2006 vì bệnh ung thư mà chưa tìm được cô Ân đưa về quê nên anh ấy tiếc nuối lắm. Mẹ tôi lúc đó cũng già yếu nên không thể đi tìm cô Ân được nữa.

Đồng đội cũ của cô Ân ở đơn vị K600 xác nhận giúp gia đình để làm hồ sơ xin phong tặng danh hiệu liệt sĩ”, chị Xuân nghẹn ngào nói.

Từ đó, mẹ con bà Phán mỗi năm làm đám giỗ cho bà Ân đến… hai lần. “Gia đình không có di ảnh nên đặt tấm bằng liệt sĩ lên bàn thờ để thắp nhang. Giỗ thì làm chung với bố chông tôi một ngày và ngày nữa vào dịp 27/7 hàng năm”, chị Xuân nói.

Khi mọi hy vọng tìm được bà Ân đã hết thì may mắn lại đến với gia đình bà Phán.

Đầu tháng 7/2015, ông Nguyễn Ba trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đi tìm người anh thất lạc trong chiến tranh ở Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công Long Đất (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ông Ba không tìm thấy anh trai ở trung tâm này. Tuy nhiên, các cán bộ trung tâm nhờ ông giúp đỡ tìm thân nhân cho một thương binh có quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhận lời ủy thác, ngay khi về quê ông Ba tìm đến UBND xã Hòa Khương để thông báo. Người thương binh đó không ai khác chính là bà Ân.

“Khi cán bộ xã xuống báo tin tôi vẫn không dám tin chắc đó là em chồng mình. Tôi đòi đi với thằng con trai đầu và cán bộ xã cho bằng được. Cả mấy đêm liền tôi hồi hộp chẳng chợp mắt nổi.

Chỉ đến khi đến tận trung tâm, cầm hồ sơ trên tay và thấy chị ấy, tôi mới tin mình đã làm tròn ước nguyện của cha mẹ chồng, của con trai và cả nửa cuộc đời mình.

Tôi ôm chị ấy vào lòng, khóc ngon lành như đứa trẻ nít xa mẹ lâu ngày gặp lại”, bà Phán chia sẻ.

Ngày 15/7, bà Ân trở về quê nhà trên chiếc xe chuyên dụng. Người dân cả thôn Hương Lam đến nhà bà Phán chúc mừng.

09-05-10_nh-4-chu-noi-b-phn-chm-soc-b-n
Cháu nội bà Phán chăm sóc bà Ân

“Di chứng chiến tranh, bệnh tật khiến chị ấy không thể nói được, chỉ biết nhìn. Đưa chị ấy vô nhà, tui khóc, mấy đứa con, dâu, cháu tui khóc. Chị ấy cũng chảy nước mắt trong tiếng vỗ tay chúc mừng của mọi người”, bà Phán kể.

Bà Phán cho hay vui nhất là khi những đứa cháu nội, ngoại chưa một lần gặp bà Ân nhưng đều rất hiếu thuận.

“Tụi nó tự nguyện thay phiên nhau cho chị Ân uống thuốc, ăn cháo. Đứa nào rảnh cũng ngồi kể chuyện cho bà nghe. Tôi biết chị ấy vui lắm, miệng cười liên tục. Giờ đây tôi chỉ mong chị ấy sống lâu với chúng tôi để con cháu chăm sóc”, bà Phán hồ hởi nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.