| Hotline: 0983.970.780

'Chị cả' ở Văn Nhân

Thứ Ba 24/03/2015 , 06:20 (GMT+7)

15 năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, luôn quan tâm tới hoàn cảnh khó khăn của từng hội viên, bà Trần Thị Lới được coi là “chị cả” của chị em phụ nữ xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Vì dân

Năm 2006, một sự kiện có một không hai xảy ra trong lịch sử các kỳ đại hội phụ nữ xã Văn Nhân. Đó là lần đầu tiên, kết quả kiểm phiếu bầu cử chức Chủ tịch Hội bị các hội viên tẩy chay. Bởi, người được chị em đồng lòng ủng hộ (bà Lới, Chủ tịch Hội Phụ nữ từ năm 1996 - 2005) không đạt số phiếu cao.

Ngay sau đó, một làn sóng phản ứng đã diễn ra tại hội trường. Hội viên không nhất trí và kiên quyết yêu cầu bầu lại. Cho đến nay, câu chuyện ấy vẫn thường được phụ nữ làng Chanh nhắc lại.

Nhớ lại “biến cố” trước đây, bà Lới kể: “Khi đó đã quá trưa nhưng chị em nhất quyết không về. Họ bảo tôi: “Chị yên tâm! Chúng em sẽ ngồi lại đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho chị”. Cuộc bầu cử lại diễn ra ngay sau đó và tôi trúng cử”.

Là người có tài ăn nói nên trong suốt 20 năm qua, mọi chuyện lớn nhỏ chị em phụ nữ đều đến nhờ bà giúp đỡ. Những năm 90 (thế kỷ 20), Văn Nhân có nhiều hộ hoàn cảnh éo le nhưng không được xét duyệt hộ nghèo.

Bức xúc vì cách làm việc máy móc của lãnh đạo thôn, bà Lới mách nước để những gia đình này làm đơn trình lên xã. Sau đó trong các buổi họp, bà kiên quyết đứng lên tranh luận để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.

Điển hình như trường hợp của chị Trịnh Thị Nga Yến, thôn Nhân Vực. Chồng chị đi lao động tại Malaysia. Ai ngờ bị chủ quỵt lương, đến tiền về nước cũng không có. Chị Yến có hai đứa con thì đứa út mắc bệnh tim bẩm sinh, làm được bao nhiêu tiền dồn hết vào  thuốc thang, bệnh viện. Thế mà, mấy năm liền bình xét hộ nghèo trong thôn, gia đình chị bị “cho ra rìa" chỉ vì có chồng đi nước ngoài.

Thấy thế, bà Lới đứng lên nói lý: “Trong số chị em ngồi đây, có ai tự nhận mình khổ hơn chị Yến xin giơ tay?”. Cả hội trường im phăng phắc. Cuối cùng, chị Yến cũng được cầm cuốn sổ nghèo (năm 2009).

Nhớ lại thời khốn khó ấy, chị Yến lại rơm rớm nước mắt: “Mỗi lần ngân hàng đến thu tiền lãi, thấy tôi bí quá, chị Lới lại lấy tiền túi cho tôi vay tạm. Thỉnh thoảng chị lại dúi cho con tôi mươi nghìn”.

Thời ấy, phụ nữ làng Nhân Vực chỉ quẩn quanh đồng áng, hết mùa vụ là thất nghiệp. Thấy thế, “chị cả” nhận thầu nạo vét hàng trăm km kênh mương thủy lợi của HTX, sau đó giao khoán lại cho từng người. Mỗi ngày công, chị em nhận được vài chục nghìn đồng. Số tiền tuy ít nhưng cũng giúp họ trang trải thêm cuộc sống thường ngày.

"Thiếu đồng nào cứ tìm tôi hỏi tội"

Năm 2011, “chị cả” Lới nghỉ công tác ở Hội Phụ nữ và chuyển sang làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. Khi bắt đầu gây dựng các quỹ từ thiện ủng hộ người nghèo, chất độc màu da cam, tài năng trẻ…, một người tin, chín người ngờ.

13-56-30_b-trn-thi-loi-nh-2
Bà Lới và mẹ chồng 100 tuổi

Nhận xét về “chị cả” Lới, ông Đỗ Xuân Viện, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Văn Nhân, cho biết: Trong 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Phụ nữ, bà ấy luôn là người năng động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, và nhất là rất có tâm với chị em phụ nữ.

Có người hỏi thẳng: “Tiền của chúng tôi có đến được tay người nghèo không hay chui vào túi cán bộ?”. Bà Lới trả lời: “Tôi hứa sẽ gửi các khoản thu, chi tới từng nhà. Các ông bà thấy thiếu đồng nào cứ tới tìm tôi mà hỏi tội”.

Năm 2013, Hội Chữ thập đỏ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo ở tỉnh Cao Bằng. Khác với những lần trước, họ gần như không nhận tiền mặt mà nhờ dân quy đổi ra gạo, mì tôm, quần áo…

Trụ sở UBND xã Văn Nhân những ngày ấy vui như hội. Người lớn thì vác chăn, bê gạo. Học sinh hăng hái góp từng cái bút, cuốn vở. Hàng hóa chất kín 3 chuyến xe tải ủng hộ đồng bào vùng cao.

Không ít lần, chính quyền xã, thôn phải nhờ uy tín của “chị cả” Lới mới gỡ rối được tư tưởng của chị em phụ nữ.

Ông Vũ Văn Quynh, trưởng thôn Chanh, nhớ lại: “Đầu năm 2013, chính quyền vận động dân dồn điền đổi thửa. Ai cũng nghĩ mình sẽ chịu thiệt nên nhất quyết không đồng ý. Thấy thế, bà Lới lại mách: Phụ nữ vốn tính ôn hòa, mềm dẻo và dễ thuyết phục. Ông cứ chọn những bà nằm trong đội SX, những người cấy hái giỏi, có uy tín mà vận động trước, chắc chắn việc lớn sẽ thành”.

Để chị em thêm yên tâm, bà Lới thay mặt chính quyền thôn, đảm bảo việc dồn điền đổi thửa sẽ diễn ra công khai, minh bạch. Nhờ thế mà vấn đề dần dần được tháo gỡ.

“Làm công tác dân vận, điều quan trọng phải có được lòng tin của dân. Chỉ khi dân nghe, dân tin tưởng, dân đồng thuận thì việc khó mấy cũng có cách giải quyết”, bà tâm sự.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm