| Hotline: 0983.970.780

Chỉ cần sống bên nhau là đủ

Thứ Năm 03/03/2011 , 09:35 (GMT+7)

Ít ai biết rằng tình yêu của đôi vợ chồng này có thể “sống” được sau bao năm một phần nhờ sự giúp sức của mẹ cô Hỷ (phiên âm tên tiếng Việt của cô Ri Yong Hi).

Tình yêu vĩnh cửu
Nghe chuyện tình của họ tôi chợt liên tưởng đến câu trong truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) của người Thái: “Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”. Bây giờ, khi hai mái đầu đã điểm bạc, họ yêu thương để bù đắp những tháng năm xa cách.  

>> Những lá thư đầy nước mắt
>> 24 năm chờ đợi& cuộc đoàn tụ trong mơ
>> Báo Mỹ viết về chuyện tình chàng “Romeo Việt”

1. Người dân ở KTT Thành Công (Hà Nội) đã quá quen với hình ảnh một đôi vợ chồng già thường dẫn nhau đi chợ để sắm gia vị về làm món kim chi. Họ cũng quen với những bữa ăn Triều Tiên mà đôi vợ chồng Việt – Triều này vẫn thường tổ chức mời hàng xóm. Với họ, được sống cạnh một gia đình đầy ắp tình yêu như thế là cả một niềm tự hào. Ở KTT này ai ai cũng gọi Ri Yong Hi theo nghĩa tiếng Việt là Lý Vĩnh Hỷ. Chả trách lúc tôi đến đầu ngõ hỏi nhà, họ à lên: Nhà ông bà Cảnh - Hỷ.

Ngồi trước mặt tôi, thiếu nữ Ri giờ đã già. Khuôn mặt trái xoan khiến trái tim chàng trai Việt Nam Phạm Ngọc Cảnh thổn thức ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy không còn nét thanh xuân ngày nào. Nhưng nếu nhìn vào ánh mắt họ trao nhau thì bảo đảm tình yêu vẫn quá nồng nàn. Họ gọi nhau là mình xưng em hoặc anh và nắm chặt tay nhau ngay cả khi ngồi tiếp khách.

Cô Ri bảo tôi hãy gọi cô là Hỷ, nói chuyện bằng tiếng Việt Nam bởi vì cô thích thế. Chẳng hiểu sao qua cái cách cô kể về những tháng năm đi qua tuyệt vọng để đợi chờ tình yêu của mình tôi cứ có cảm giác mình đang nói chuyện với một người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ, chỉ những người phụ nữ với dức hi sinh và tình yêu vô bờ bến mới có đủ niềm tin để đi qua những tháng năm như thế. 

Cô Hỷ không muốn nhắc nhiều đến quá khứ bởi nó đã lấy đi của cô cả tuổi tuổi thanh xuân, tình yêu son trẻ và quá nhiều nước mắt. Nó thử thách cô quá lớn nhưng rồi cũng đền bù cho cô tất cả khi trao lại cho cô chàng trai mà “nếu không đến được với nhau thì thà chết còn hơn”.

“Không biết bao nhiêu lần có ý định tự tử. Trong lòng luôn xác định sống mà không được ở bên nhau thì có còn ý nghĩa gì. Cũng không ít lần muốn khuyên anh Cảnh hãy quên tôi và đến với một người khác. Nhưng nói xong rồi lại sợ điều đó thành sự thật”. Cô cười rồi kể tiếp rằng, ngay cả khi đại diện của Quốc hội mang quyết định đến cho phép Ri có thể lấy Cảnh cô cũng chẳng còn đủ can đảm để tin. “Cứ sợ rằng họ thử thách tinh thần của mình bởi thực tế bao năm qua đã cho thấy việc đến với nhau là không thể. Chỉ đến khi họ chìa ra tờ quyết định có chữ ký của Quốc hội tôi mới vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ bến”. 

Hôm nay, sống cùng nhau trong một mái nhà họ quá xứng đáng với hạnh phúc. Nhưng trong câu chuyện của đôi vợ chồng đặc biệt này tôi vẫn nhận thấy những ánh mắt chùng xuống khi nhắc đến những người mẹ. Ít ai biết rằng tình yêu của đôi vợ chồng này có thể “sống” được sau bao năm một phần nhờ sự giúp sức của mẹ cô Hỷ. Đó là người duy nhất có thể biết đôi trẻ yêu nhau trong thời “bế quan tỏa cảng”. Giờ đây, khi giấc mơ tình yêu đã thành hiện thực mỗi khi nhắc đến bà Kim Chun Sim, mẹ đẻ của cô Hỷ thì cả hai vợ chồng đều rươm rướm nước mắt. “Nuối tiếc vô cùng vì mẹ không thể chứng kiến cái ngày chúng tôi được tự do đến với nhau”.  

Chính bà Kim là chỗ dựa để cô Hỷ vượt qua những ngày khó khăn nhất. Còn nhớ, cuộc sống gia đình Hỷ lúc ấy vô cùng khó khăn. Bố bỏ sang Nam Triều Tiên sinh sống và muốn đưa mẹ con Hỷ vào. Nhưng cả bà Kim, Hỷ và cô em gái Ri Chun Thi nhất quyết ở lại vì nếu đi thì cô Hỷ chắc chắn sẽ tự tử còn hơn là mất liên lạc với chàng trai Việt. “Tất cả thư của tôi gửi cho Hỷ đều phải qua địa chỉ mẹ Kim. Những lời lẽ yêu thương phải “ngụy trang” thành những câu tình cảm đơn thuần như: Đồng vụ có khỏe không? Lúc nào tôi cũng nhớ đến đồng vụ… Và tất nhiên tên người gửi Phạm Ngọc Cảnh cũng phải “ngụy trang” thành Po Nom Kieng”, ông Cảnh bùi ngùi. 

Đều đặn như thế, trong lòng mẹ Kim chỉ coi một mình chàng trai Việt Nam là con rể. Kể cả trước lúc mất vào năm 1998 mẹ Kim cũng gọi Hỷ trăng trối rằng: “Con cố mà chờ cậu ấy. Nó yêu con hơn cả bản thân mình, khó tìm được người thứ hai đâu. Chắc chắn hai đứa sẽ đến được với nhau”.

Chiếc áo len đã phai hết màu cũ mà cô gái Ri trao cho chàng trai Cảnh trước lúc chia tay mấy chục năm về trước giờ vẫn được họ treo ở góc nhà. Ông Cảnh lãng mạn bảo rằng: Áo phai nhưng là kỷ niệm quá lớn, treo ở đó để vợ chồng nhìn vào và  nhuộm mới bằng màu của tình yêu. Còn với cô Hỷ: Với chúng tôi chỉ cần được sống bên nhau là đủ.

Cũng như bà Kim, mẹ đẻ của Phạm Ngọc Cảnh cũng không chờ đợi được đến ngày thằng con “cứng đầu” của mình lập gia đình. Chỉ đến lúc nhắm mắt bà mới biết hành trình đi tìm một nửa của cậu con trai. Ông Cảnh bảo rằng khi nhắm mắt dù chưa thể biết Cảnh – Ri có đến được với nhau hay không nhưng bà vẫn nở nụ cười mãn nguyện. Tháng 12/2010 vừa rồi ông Cảnh, bà Hỷ cùng nhau trở về Triều Tiên thăm họ hàng bên ấy. Dù hiện tại hầu như chẳng còn ai thân thích nhưng vẫn phải về. Về để nhớ, để hương khói cho mồ mả bà Kim và cô em gái Chun Thi. 

2. Khi tôi đến viết về thiên tình sử có một không hai này thì họ đã sống cùng nhau được gần chục năm. Cô Hỷ tâm sự rằng, lúc mới về làm dâu đất Việt khó khăn nhiều nhưng đó cũng là chuyện đã qua. Bây giờ cô đang tất bật với công việc của một giáo viên dạy tiếng Hàn Quốc vừa phải chăm sóc bố chồng đang nằm viện. “Đi dạy cốt là để học thêm vốn tiếng Việt mà thôi”. Bất cứ trung tâm nào mời cô cũng nhận lời. Chẳng thế mà vốn tiếng Việt cô Hỷ giờ sõi lắm. Buổi sáng ra chợ xép đầu ngõ nghe cô trò chuyện với mấy bà trong xóm chẳng ai nghĩ đấy là “dâu ngoại”. Mỗi ngày, cô Hỷ dậy từ rất sớm, đạp chiếc xe cà tàng đưa bữa sáng cho bố chồng nằm viện, dọn dẹp mọi thứ trong gia đình rồi mới đến chỗ làm. Ông Cảnh là huấn luyện viên của bộ môn xe đạp Hà Nội. Thỉnh thoảng đưa đoàn đi thi đấu ông lại đưa cô Hỷ đi cùng. 

Ngôi nhà ở 105 KTT Thành Công lặng lẽ toàn người già. Hai vợ chồng ông Cảnh, một bà cô và ông bố ốm đau triền miên. Khó khăn là tất yếu nhưng xem chừng cuộc sống của họ viên mãn lắm. Nhiều người nói với tôi rằng: Đấy là một trong số ít ngôi nhà còn sống theo phong cách Hà Nội của những năm 80 (TK XX). Nhà đơn sơ mộc mạc, đi lại bằng xe đạp, đầy ắp tiếng đàn du dương. Đêm đêm, tiếng đàn piano từ ngôi nhà ấy thỉnh thoảng lọt ra ngoài nghe văng vẳng. Chắc chắn đó là một điệu nhạc ngợi ca tình yêu của hai mái đầu giờ đã bạc. Họ đang tận hưởng hương vị tình yêu của một thời tưởng chừng như tuyệt vọng. (Hết)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất