| Hotline: 0983.970.780

Chỉ dấu của trời

Thứ Hai 29/11/2010 , 14:45 (GMT+7)

Hoa lau đã nở, giờ đến hết năm sẽ không còn bão, lũ nữa. Niềm tin trời đất ấy xuất hiện làm hàng vạn hộ nông dân nghèo đã kiệt sức khi vượt qua mấy cơn lũ liên tục trong năm nay, mừng vui trong lòng.

Hoa lau đã nở, giờ đến hết năm sẽ không còn bão, lũ nữa. Niềm tin trời đất ấy xuất hiện làm hàng vạn hộ nông dân nghèo đã kiệt sức khi vượt qua mấy cơn lũ liên tục trong năm nay, mừng vui trong lòng. 

Nhà thơ Tân Huyền đã khắc hoạ sự khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung bằng những câu thơ nhói lòng: “Bão trước chưa tan rồi bão sau/ Tấm lòng dằn vặt nỗi thương đau/ Nghĩ thương con sóng từ trong trứng/ Mới lọt lòng ra đã bạc đầu”. Sống trong điều kiện thời tiết luôn mưa lũ và bão tố như vậy, nên với người dân Quảng Trị và cả miền Trung, nên mỗi năm hoa lau nở, với đồng nghĩa những tháng còn lại của năm sẽ không còn lũ, bão nữa. Điều này có một ý nghĩa rất lớn với người nông dân. 

Những khóm lau đầu làng

Mới cuối tháng 11 duơng lịch, hoa lau đã nở như phất cờ. Lão nông Hoàng Quang Trong, tròn 108 tuổi, mặt vui tươi khi nhìn từng khóm  lau phía đầu làng Bình Minh, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, nở hoa tưng bừng, hoa lau trắng mang lại bình yên. Cụ nói:“Từ nay đến hết năm sẽ không còn lũ, bão hành hạ người nông dân nữa vì hoa lau đã nở. Kinh niệm dân gian cho thấy mỗi năm lại có một lần, ông trời “báo tin” về cho nông dân ở hạ giới biết điều này để chuẩn bị xuống giống sản xuất vụ mùa đông xuân, thông qua kênh...hoa lau”. 

Không biết từ bao giờ, nông dân ở vùng miền tây huyện Gio Linh này khi làm đồng thường để lại một khóm lau ở góc ruộng, góc rẫy. Cụ Trong nói những khóm lau như là công cụ thông báo thời tiết của ông trời. Quê tôi cũng ở miền tây huyện Gio Linh, nơi có địa hình trung du nên không sợ lũ mà chỉ sợ bão lớn. Ở hàng rào phía bên phải trong vườn nhà bố tôi trồng một dãy lau rất rộng. Nhà tôi lợp tranh, vách trát đất ọp ép nên mỗi mùa đông đến, năm nào cũng vậy ông lại ngồi đợi hoa lau nở đến nao lòng. Là con lớn trong nhà nên tôi được bố chia sẽ nỗi lo toan này. Một hôm bố tôi thức tôi dậy rất sớm rồi thông báo tin mừng: khóm lau nhà mình sáng nay đã nhô lên một nhành hoa ở phần ngọn, thế là năm nay hết lũ, bão rồi con a. Mắt ông rươm rướm trong hạnh phúc. Ở dãy đất miền Trung, từ cuối tháng 7 dương lịch mưa, lũ, bão tố luôn ập xuống bất ngờ, nông dân không biết đâu mà tránh nên ai cũng có tâm lý trong đến ngày lau nở hoa. 

Với những khóm lau, những tháng ngày thời tiết bất lợi ấy, phần ngọn phìn to ra để ôm ấp, che chở một nhành hoa chuẩn bị nở đón tiết trời yên bình, giống như dạ con của người phụ nữ đang ôm ấp hài nhi chuẩn bị đến tháng ngày sinh nở. Lau là loại thực vật rất nhạy cảm với sự thay đổi của các tiết trời trong năm. Đợi khi cuối mùa thu, đầu mùa đông, tiết trời thay đổi, yên hoà, thế là từng hoa lau bắt đầu nhô ra khỏi ngọn cây để khoe sắc trắng trong bình yên mênh mang của vạn vật. Cành hoa lau rất mảnh mai, chỉ cần có gió hơi to sẽ bị gãy. Nên xét về nguyên lý sinh học, cây lau là loài thực vật luôn biết chọn thời điểm thích hợp cho mùa trổ nụ, đơm hoa của mình.  

Hầu như khắp các làng quê ở tỉnh Quảng Trị, vào thời điểm này cây lau đã nở hoa ngút ngàn.Ngoài các ngôi làng có những khóm lau để dự báo tiết trời, ở Quảng Trị còn không ít các HTX NN, các đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp vẫn để lại những khóm lau trong khuôn viên để nắm bắt chỉ dấu của trời, chuẩn bị sẳn cho kế hoạch sản xuất tiếp theo của mình. Thế mới biết cây lau gắn bó mật thiết như thế nào trong đời sống sản xuất của người dân ở vùng quê nỗi tiếng khắc nghiệt này.  

Nhớ lại, mấy tháng trước khi mưa lũ, bão tố dồn dập đổ xuống dãy đất miền Trung, đi đâu các lão nông cũng cầu mong cho hoa lau chóng nở. Năm nào hoa lau nở muộn là năm ấy, mưa lũ, bão tố còn dai dẳng lắm.Với bà con làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, khi hoa lau nở họ cũng bắt đầu chuẩn bị lại ngư cụ để ra khơi trở lại.  

Mới hôm qua một số ngư dân làng Xuân Lộc, xã Gio Việt làm mâm cơm cúng trời đất để chuẩn bị xuất quân ra khơi. Anh Nguyễn Văn Hà, một ngư dân của làng, kể: “Hàng năm bà con chúng tôi đều đợi tiết trời này để ra khơi trở lại. Năm nào hoa lau nở như phất cờ, mùa cá năm ấy thường gặp nhiều thuận lợi, ngư dân luôn trúng đạm những mẻ cá lớn tươi sóng sánh”.  

Nông dân yên lòng

Ngược lên hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá, hai bên đường hoa lau nở trắng cả rừng. Hồ Pả Yên ở xã Thuận, nói rằng: “Con suối La La giờ đã hiền hoa hơn, nước không còn hung hãn như mấy tháng trước nữa”. Gia đình của Pả Yên cũng như nhiều gia đình khác ở dọc hai bên triền khe suối  giữa núi rừng hàng đêm sẽ không còn cảnh chạy lũ.  

Cũng trong câu chuyện mừng vui khi lau  nở hoa, Pa Yên nói ngày xưa mưa hơn một ngày sau nước trên núi mới đổ về tận bản. Nhưng nay do rừng núi bị tàn phá nhiều hơn nên mưa xuống chỉ sau vài giờ đồng hồ thì nước trên các con sông lên nhanh đến nỗi ai không kịp chạy trốn thì sẽ bị nước lũ cuốn trôi ngay, nhất là các phu vàng sống trong lán trại dọc bờ sông. Nên mỗi năm nhìn thấy lau nở hoa dân bản liền mổ trâu tạ lễ trời đất. Trong nghi lễ đó người ta không quên bỏ thêm một nắm hoa lau với những mong bản làng sẽ có được yên vui. 

Tôi trở lại xã Húc Nghì, nơi cơn lũ quét năm trước tràn qua xé toang cả bản có cùng tên gọi Húc Nghì. Dòng sông Đakrông hiền hòa song vẫn còn in dấu sự tàn phá hung hãn của trận lũ ấy. Anh hùng Lao động- thầy giáo Hà Công Văn- Hiệu trường trường Húc Nghì- người hùng đã kịp thời đưa gần 40 học trò lên đồi tránh lũ năm trước, đang cuốc đất trồng rau bên bờ sông. Thầy Văn nói hoa lau đã nở thế là không còn lũ, bão nữa rồi. Bà con dân bản mừng lắm, từ nay nhà không sợ bị trôi nữa, đi rừng một mình cũng không còn sợ lũ bất ngờ cuốn đi mà không ai hay biết. Ở dưới sông, những trẻ em người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đang dùng câu bắt cá. Từng con cá chình béo, óng ả mắc câu như thể là qùa tặng của dòng sông bù đắp trở lại cho bà con ...Xa xa về phía đồi, bà con dân bản cũng bắt đầu lên nương rẫy trở lại sau những tháng ngày ngồi bó chân ở nhà vì phải tránh lũ rừng.   

Khắp các làng quê ở Quảng Trị, bà con nông dân đang nô nức chuẩn bị cho một vụ mùa sắp đến. Ông Lê Ngọc Anh- Chủ tịch xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng nói rằng dân gian xưa đã có cách nhìn tiết trời đất cỏ cây để bắt mạch thời tiết. Bây giờ cũng vậy, dù khoa học có phát triển hiện đại đến đâu nữa thì người nông dân sản xuất mùa màng vẫn không thể làm ngược lại với các tiết trời. Năm nay lau nở tưng bừng, cũng là lúc ngành Nông nghiệp tỉnh nhà chỉ đạo bà con chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân.

Theo ông Lê Ngọc Anh, xã Hải Thượng cũng cố lại hệ thống kênh mương vừa bị hư hại do mưa lũ tàn phá cũng như chuẩn bị các loại giống lúa, cây trồng và lên kế hoạch sản xuất, phân bố giống....cho sản xuất vụ đông xuất này. 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.