| Hotline: 0983.970.780

Chị hãy an lòng

Thứ Sáu 28/12/2012 , 11:55 (GMT+7)

Thôi chị ơi, đâu đã vào đó rồi, mẹ đã đi xa, cha dượng cũng đi xa. Chị đã ấm lòng, ấm thân với bên nội của mình, còn gì tốt đẹp hơn.

Chị kính mến!

Tôi biết chuyên mục đã lâu nhưng giờ mới viết cho chị. Viết sau khi mẹ tôi mất, mọi thứ đã an bài với quá khứ. Viết như một tâm sự cuối năm và muốn nghe chị lý giải.

Bố tôi là liệt sĩ thời chống Pháp, mẹ tôi cũng là người tham gia Việt Minh sớm và khi bố tôi mất, bà đã là cán bộ nòng cốt của một cơ quan to. Sau 1954 bà đi bước nữa với một người cũng có địa vị cao và sinh thêm một người con. Hai chị em tôi hai người bố nhưng thương yêu nhau một cách trọn vẹn quanh số phận của mẹ chúng tôi. Cho đến bây giờ vẫn vậy.

Sau Điện Biên Phủ về lại thủ đô, mẹ có nói một lần là sẽ cho tôi về quê nội của tôi cho biết. Sau tiếp quản, trăm công nghìn việc, mẹ tái hôn và có em bé nên đến năm tôi 6 tuổi mẹ mới thực hiện lời hứa. Tôi nhớ một bờ sông, một cổng làng, mấy gia đình bà con là nông dân nghèo nghèo, vậy thôi. Sau đó không hiểu vì lý do gì, mẹ không lần nào đưa tôi trở lại nơi đó nữa. Với mọi người mới quen, tôi chỉ có một bố, là cha dượng của tôi. Hồi ấy tôi vùng vằng trong lòng lắm, nhà tôi có bàn thờ bố tôi mà. Sau này tôi biết bà trả lời mọi người vậy cho tiện, cho bà, cho cả em tôi nữa, khỏi nói thêm, giải thích, lằng nhằng.

Người ta nói lá rụng về cội. Bố tôi là lão làng của cuộc kháng chiến ấy cơ mà. Mẹ không biết tôi nung nấu ý định tìm về nhà nội như thế nào. Vật đổi sao dời, chỉ mươi năm mà không còn biết đâu là đâu. Tôi chỉ nhớ mấy từ Cống Mộc bên một bờ sông. Những năm ấy tàu điện còn phổ biến. Tôi cũng đã vào cấp Ba, nhưng chiến tranh ném bom chưa kết thúc. Thôi đành vậy. Tôi hỏi làm như tình cờ thì mẹ luôn trả lời có chủ ý và không tình cờ. Mẹ chặc lưỡi, mẹ không làm dâu ngày nào, mẹ đã đi bước nữa, bố con là con cả, mẹ không ở vậy để ôm bàn thờ, nhà nội lại có đất hương hỏa, con tìm lại mà chi. Hẳn mẹ tôi sợ bên nội lo âu khi tôi tìm về, mọi thứ đã yên ổn, đã có chú thay bố tôi lo cho ông bà, tổ tiên.

Mãi sau này tôi mới biết vì ông bà nội tôi mất sớm nên tôi bị cắt đường đi lối về. Năm 1973, cô và các chú tôi mới ổn định từ nơi sơ tán về. Đến năm đó thì tôi đã có chồng và có con, tôi lại bận rộn với gia đình nhỏ của mình. Cho đến sau tháng tư năm 1975, trong tâm trạng ngất ngây vui, tôi mới phóng đi tìm lại nhà nội. Nhờ địa danh Cống Mộc mà tôi lần ra. Từ năm 6 tuổi đến lúc đó đã là 21 năm, làng đã manh nha lên phố, lộn xộn. Nhưng người làng vẫn nhớ bố tôi, ông được cả làng kính trọng. Cô và các chú thì khỏi nói, họ mừng như là tôi từ miền Nam trở về, họ nói ở chung thành phố mà như bóng chim tăm cá.

Tôi được các chú cắt cho mảnh đất 500 mét vuông. Vợ chồng tôi làm nhà và đặt bàn thờ bố tôi trên đất đai của nội. Tôi hiện là người giàu trong mắt dân phố, đất nhiều mà. Thực sự tôi không hiểu sao tôi bị chia cắt như vậy dù mẹ tôi là người mẹ với tấm lòng như bao bà mẹ trên đời.

Chị giữ kín email hộ tôi

Chị thân mến!

Tôi nghĩ rất nhiều rồi mới hồi âm cho chị. Câu chuyện có hậu một cách hoàn hảo đấy chứ. Nhưng cũng có những điều khó nói trong tâm lý của bà mẹ.

Thứ nhất, như bà nói ra. Bà đi bước nữa theo bà là khá sớm, bố của chị là trai trưởng bàn thờ và hương hỏa phải em trai của ông gánh vác. Đó là mặc cảm mà chị là người Bắc chắc chị hiểu rõ, mặc cảm chính đáng, có thật và thấu đáo. Thứ hai, để đối phó với tính hay soi mói đời tư người khác, mẹ chị đã nói cho tiện về mình, hai đứa con là của người chồng mà bà đang chung sống. Nói mãi thành tự nhiên và bố của chị khuất hẳn trong tâm bà, trong tình cảm của em trai chị, ấy là chưa nói bà muốn ông ấy cũng chìm hẳn trong tim chị. Cuộc sống luôn là hiện tại và tương lai, quá khứ quá khốc liệt, quá khứ khiến bà góa bụa quá sớm, một nách con nhỏ kháng chiến. Thứ ba, việc thừa hưởng hương hỏa là vấn đề tế nhị và hệ trọng, mẹ chị không ôm bàn thờ như dâu cả phải thế, nên bà từ chối từ xa những quyền lợi cho bà và cho chị. Thứ tư, cuộc kháng chiến thứ hai quá dai dẳng và xáo trộn, bà cương vị cao hơn, bà bận rộn mà mọi việc cứ cuốn người ta đi, thường dân như cô và các chú của chị cũng bị cuốn đi khỏi ngôi làng của mình những năm giặc đánh phá. Thứ năm, lý do có thể là cuối cùng, mẹ chị là người quá kỹ tính, hoặc là người không mặn với bên nội chị từ lúc bố chị còn sống, hoặc là người xem vị trí sau này của mình là khoảng cách với đám em chồng thường dân, hoặc đơn giản, cha dượng của chị không thích đứa con mà ông đã xem như con ruột lui lui trở trở với nhà nội, nó gợi ông nhắc mẹ nó từng có một lần chồng.

Gia tộc tôi có hai trường hợp khó xử như vậy. Em gái tôi là vợ liệt sĩ, có con gái với người này, sau nó lấy một chàng trai tân (như cha dượng của chị). Khi con gái nó chưa lập gia đình, đến nhà em tôi, thấy ảnh cậu liệt sĩ là người ta hỏi, hỏi thì phải nói ra, em rể hiện tại của tôi không thích một tí nào. Trường hợp thứ hai, cô em họ tôi cũng là vợ liệt sĩ nhưng chưa kịp có con. Mãi sau này các con với người chồng hiện tại mới biết mẹ nó từng có một đời chồng và vì không có con nên bàn thờ của người ấy không yên chỗ. Em rể họ của tôi không cho thờ người ấy ở nhà cậu ta vì thờ là sẽ phải giải thích với khách khứa, lằng nhằng, gợi nhớ, thậm chí gợi thương.

Thôi chị ơi, đâu đã vào đó rồi, mẹ đã đi xa, cha dượng cũng đi xa. Chị đã ấm lòng, ấm thân với bên nội của mình, còn gì tốt đẹp hơn. Và đứa em khác cha ấy yêu quý chị, cũng không có gì tốt đẹp hơn điều đó. Chúc chị năm mới an lành.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất