| Hotline: 0983.970.780

Chỉ muốn có đứa con

Thứ Hai 15/10/2012 , 11:13 (GMT+7)

Nghĩ tình cảnh chị và em gái cùng nhiều phụ nữ khác bất hạnh khi có chồng, tôi lại thấy sợ hôn nhân. Thật lòng, tôi không muốn lấy chồng mà chỉ muốn có đứa con với Lân.

Ảnh minh họa
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhưng gia đình khốn khó. Do bố mẹ nghèo nên mấy anh chị em tôi chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Chỉ có tôi là may mắn nhất, được học hết lớp 12, nhưng thi đại học trượt nên ở nhà kiếm kế sinh nhai bằng việc buôn bán nhì nhằng.

Chị tôi chỉ học dở lớp 11 cũng phải bỏ. Dưới tôi có 1 em gái học hành đúp lên đúp xuống nên cũng chỉ hết được trung học công sở. Nó lấy chồng đã 5 năm mà vẫn chưa có con, mặc dù vợ chồng luôn kè kè bên nhau. Chị tôi gặp phải tay chồng nát rượu, lại lô đề, cờ bạc phá gia chi tử. Một mình chị phải bươn chải nuôi 3 con và người chồng vô tích sự nên thân gầy xác ve, mới 38 tuổi mà người đã già khọm, không lúc nào quá được 42kg.

Em gái tôi thì̀ không có con nên tay chồng bỏ bê, đi bồ bịch lăng nhăng hết cô này đến cô khác nên có chồng cũng như không. Nghe nói hắn mới có con riêng ở một huyện trong tỉnh, nhưng không có ý bỏ vợ. Em gái tôi cũng không muốn ly hôn vì vô nghề nghiệp, sống hoàn toàn dựa vào chồng. Ngẫm cảnh lấy chồng của chị và em gái mà tôi ngán ngẩm, cảm thấy rất sợ bước vào cuộc sống gia đình, mặc dù năm nay đã ngoài 30.

Trong 3 chị em, tôi được coi là xinh gái nhất. Nhưng cái số tôi lại “cao”. Qua mấy mối tình mà rốt cuộc vẫn “tối nằm không”. Năm 18 tuổi, đang học lớp 12, mối tình đầu đến với tôi. Anh chàng là bạn học cùng lớp, xinh trai, con nhà giàu nhưng học dốt. Lúc đầu chàng này nhiệt tình săn đón, lại hào phóng nên tôi thích. Tuy nhiên, dần dần tôi thấy chán vì là con trai mà nhút nhát, lại luôn phải hỏi đám con gái bài vở.

Mấy năm qua, một anh chàng kĩ sư nông nghiệp yêu tôi. Tôi nhận lời vì thấy anh ta chân thành, tử tế. Đi lại, yêu nhau được hơn 1 năm thì anh ta theo gia đình vào sống ở Đắk Lắk. Là đàn ông, đang có người yêu bên cạnh mà dễ dàng theo bố mẹ không một chút luyến tiếc. Thấy vậy, tôi rất tự ái. Tuy nhiên, anh ta có hứa với tôi: “Nếu em sẵn lòng theo anh thì vào trong ấy anh sẽ tìm kiếm việc làm cho em”.

Tôi nghe mà không thể chấp nhận. Quê quán, bố mẹ, gia đình tôi ở ngoài này, cớ gì tôi phải lìa bỏ để tha hương cầu thực tại miền đất xa xôi, lạ hoắc? Và cớ sao anh ta không ở ngoài này với tôi? Lên 5, lên 3 gì mà phải theo bố mẹ? Anh ta khi ấy cũng đã ở tuổi 30, hơn tôi 6-7 tuổi. Lúc mới vào, anh ta còn điện thoại nhắn tin, sau thì thưa dần. Tôi cũng chán nản nên không hứng thú liên lạc. Thế là mối tình thứ 2 chấm hết.

Rồi cách đây mấy năm, khi tôi đã 32 tuổi, một người đàn ông góa vợ, có 1 con 15 tuổi, làm nghề buôn gỗ đặt vấn đề với tôi. Anh ta giàu, có biệt thự, ôtô riêng, không tiếc tôi thứ gì, chủ động mua sắm, tặng tôi rất nhiều thứ từ quần áo, giầy dép đến laptop, xe máy. Tôi chỉ cảm thấy ái ngại cái hoàn cảnh gà trống nuôi con của anh mà chấp nhận quan hệ, chứ trái tim không rung động, vì anh ta sống khô khan, thực dụng, ngoài kiếm tiền chẳng còn biết gì hơn.

Đứa con gái 15 tuổi, anh ta đùn cho người mẹ già nuôi. Khi tôi nói cần để ý đến con, không nên khoán trắng cho bà cụ ngoài 70 tuổi trông nom thì anh ta nói đã đưa cho cụ 5 triệu/tháng. Cụ hoàn toàn có thể thuê người giúp việc nếu thấy cần thiết. Bạn bè tôi đều nói với tôi: “Mày không nên nhận những thứ họ tặng nếu trong lòng không yêu. Như vậy khác gì lợi dụng?”.

Tôi nghĩ điều họ nói đúng. Lâu nay, tôi không phải “típ” phụ nữ nặng về vật chất mà cần nhiều tình cảm, tinh thần, thích lãng mạn mà anh chàng này thì quá xa lạ với những điều đó. Tôi tìm cách lảng tránh anh ta dần.

Giữa lúc còn đang nhùng nhằng với người đàn ông buôn gỗ thì tôi gặp Lân, khác hẳn những người cũ, anh là mẫu đàn ông chắc chắn sẽ được nhiều phụ nữ yêu thích do hội được nhiều thế mạnh: Học vấn cao, công việc sang trọng, tuy anh không có chức quyền lớn nhưng luôn được trọng vọng, ngưỡng mộ.

Lân là người chân tình, điềm đạm, ít nói nhưng luôn vui vẻ, hòa nhã, gần gũi với mọi người. Tôi tình cờ gặp anh trong một lần đến chơi với một người bạn. Tôi là bạn học cũ của người vợ, còn anh quen biết người chồng. Lần ấy, vợ chồng người bạn tha thiết mời cả tôi và anh ở lại ăn cơm. Và trong bữa cơm, tôi cảm thấy mến mộ Lân. Anh cũng “để ý” đến tôi. Lân cũng đã có một đời vợ, đã ly hôn từ nhiều năm nay, hơn tôi nhiều tuổi, nhưng trẻ trung, phong độ hơn hẳn những người cùng thế hệ.

So với những mối quan hệ trước, lần này với Lân, tôi mới thật sự cảm thấy hạnh phúc. Anh không giàu có, không tặng tôi được thứ gì đáng tiền nhưng bù lại, anh luôn hiểu và quan tâm đến tôi. Anh dịu dàng, ngọt ngào, luôn trân trọng, nâng niu tôi.

Thực ra, tôi tự thấy mình cư xử với anh nhiều lúc không phải: Chưa biết quan tâm, chăm sóc anh mặc dù anh đang sống độc thân, chưa để ý đến các ngày giỗ bố mẹ anh, ngay cả ngày sinh nhật anh tôi cũng không biết (mặc dù anh rất quan tâm đến ngày đó của tôi). Nhưng hình như anh không chấp, vẫn rất độ lượng với tôi.

Lân muốn nhanh chóng chung sống hợp pháp, về cùng một mái nhà. Nhưng nghĩ tình cảnh chị và em gái cùng nhiều phụ nữ khác bất hạnh khi có chồng, tôi lại thấy sợ hôn nhân. Thật lòng, tôi không muốn lấy chồng mà chỉ muốn có đứa con với anh. Anh có trách nhiệm, chu cấp tiền bạc để tôi nuôi nó thì càng tốt. Bằng không, cũng không sao. Tôi hoàn toàn có thể một mình nuôi con, không cần anh.

Nhưng tôi rất ngại bộc lộ tâm lý này với Lân vì sợ anh buồn và hiểu lầm. Vậy tôi nên làm thế nào để đạt được mong muốn của mình?

(Phạm Vũ Hoàng Hoa – TP Phủ Lý, Hà Nam)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

Muốn được làm mẹ nhưng không muốn làm vợ đang là một xu hướng của nhiều bạn nữ hiện nay. Tuy nhiên, đó không phải là một ý tưởng tốt, đáng khuyến khích, xét cả về phương diện cá nhân người trong cuộc lẫn xã hội. Nhưng nếu bạn thực sự muốn như vậy thì hãy trao đổi, đề đạt nguyện vọng nghiêm túc với Lân.

Rất có thể anh ấy không OK, nếu bạn nói rằng hai người sẽ gắn bó suốt đời, chứ không về chung nhà. Nhưng tại sao bạn lại có ý muốn dại dột, tự gây thiệt thòi cho mình như vậy? Như bạn nói, Lân là một người đàn ông rất tốt. Vậy có người chồng như anh ấy không phải là hạnh phúc lớn của bạn sao?

Đây là tư vấn của chuyên gia tâm lý, bạn có thể chia sẻ với chị Hoa qua địa chỉ nongnghiep.vn

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm