| Hotline: 0983.970.780

Chỉ tại con bạch tuộc

Thứ Sáu 09/07/2010 , 12:59 (GMT+7)

Tình cờ một cách kỳ lạ, con bạch tuộc Paul luôn bám lấy cái hộp có in quốc kỳ của đội sau đó giành được chiến thắng.

Như một thú tiêu khiển, nhân viên Công viên hải dương Sea Life ở thành phố Oberhausen – Đức trước mỗi trận bóng đá đã cho thức ăn vào hai chiếc hộp có in quốc kỳ ở hai nước để thử xem… con bạch tuộc chọn cái nào.

Không ngờ, tình cờ một cách kỳ lạ, con bạch tuộc Paul luôn bám lấy cái hộp có in quốc kỳ của đội sau đó giành được chiến thắng. Tiếng lành đồn xa, con bạch tuộc tên Paul bỗng dưng trở thành thần thánh trong mắt những kẻ cá cược. Cách đây hai năm, trận chung kết Euro 2008, con bạch tuộc chọn hộp thức ăn in quốc kỳ Đức, nhưng rốt cuộc Tây Ban Nha lại đoạt chức vô địch nhờ bàn thắng duy nhất của Fernando Torres.

Tính từ đầu World Cup 2010 đến nay, con bạch tuộc tiếp tục thu hút sự chú ý của dân đỏ đen lẫn khách tò mò. Ngẫu nhiên, thiên hạ xem cách lựa hộp thức ăn của “nhà tiên tri Paul” là một sự dự đoán tỷ số đáng tin cậy. Ngay cả trận đối đầu Đức – Serbia, kết quả cũng tỏ ra ủng hộ con bạch tuộc, khiến tín đồ túc cầu giáo thêm bao nắc nỏm hưng phấn. Tất nhiên, với những ngẫu nhiên lý thú đã diễn ra, người ta không thể không trông cậy con bạch tuộc cho chút thông tin về lần chạm trán Đức – Tây Ban Nha ở bán kết World Cup 2010. Con bạch tuộc chọn hộp thức ăn có in quốc kỳ Tây Ban Nha, nên công chúng mến mộ đoàn quân mệnh danh cỗ xe tăng tin rằng phen này cũng… sai lệch như cách đây 2 năm. Hỡi ơi, một pha lập công của hậu vệ Carlos Puyol lên tham gia tấn công đã đưa đội tuyển Tây Ban Nha vào chung kết.

Hai chiến thắng cực kỳ giòn giã của đội tuyển Đức trước đội tuyển Anh và đội tuyển Argentina khiến chẳng ai có thể nghi ngờ họ lại bị khuất phục bởi thầy trò ông Vicente Del Bosque. Phải chăng lỗi tại con bạch tuộc? Xin thưa, đội tuyển Đức đã chứng minh sự toàn mỹ dần lên qua từng trận đấu, nhưng lại không có khả năng khống chế bóng vững chắc như đội tuyển Tây Ban Nha. Sử dụng những đường chuyền dài mà không làm chủ được khu vực giữa sân, khiến chiến thuật phản công thần tốc của huấn luyện viên đội tuyển Đức không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, tâm lý của đội tuyển Đức cũng không được tốt lắm vì ám ảnh trận thua trong quá khứ, như chính nhà cầm quân Joachim Loew thừa nhận.

Rõ ràng, FIFA rất chính xác khi bảng xếp hạng toàn thế giới đã cho đội tuyển Tây Ban Nha vị trí thứ 2, còn đội tuyển Đức ở vị trí thứ 6!

Lê Thiếu Nhơn 

1h30 ngày 11/7 tranh HCĐ, Đức - Uruguay: VỚT VÁT DANH DỰ 

Nếu với Uruguay, việc lọt tới bán kết là một thành công thì với người Đức đúng là sự vớt vát danh dự nếu giành được tấm HCĐ. Thực ra, lọt vào bán kết cũng là điều quá được với Mannschaft. Nhưng do sức ép và sự kỳ vọng quá lớn của giới truyền thông Đức sau những chiến thắng đậm đà trước Anh (vòng 1/8) và Achentina (tứ kết) nên thầy trò Joachim Loew bỗng từ trên mây rơi phịch xuống đất.

Giờ là lúc, đoàn quân áo trắng bỏ thất bại ở bán kết ra sau lưng, tập trung gỡ gạc danh dự bằng việc tranh tấm HCĐ với Uruguay. Nên nhớ đối thủ Nam Mỹ này cũng chẳng phải dễ bắt nạt. Họ khiến Hà Lan suýt vỡ tim ở bán kết với sự tỏa sáng của Diego Forland. Dù không có nhiều cầu thủ có đẳng cấp như tuyển Đức, nhưng Uruguay lại có sự lì lợm, thực dụng của chính bóng đá châu Âu. Bởi thế, "nuốt" được Uruguay cũng chẳng phải dễ dàng gì với đội quân của Joachim Loew.

Mannschaft sẽ có sự trở lại của Thomas Muller sau khi hết hạn treo giò. Điều đó sẽ khiến sức tấn công 2 biên của "cỗ xe tăng" được nâng lên đáng kể, chứ không bị tình trạng "xệ cánh" như trận bán kết trước Tây Ban Nha. Hy vọng sự trở lại của tiền vệ này sẽ giúp đội tuyển Đức trở lại lối tấn công vũ bão, hiệu quả như trước Anh và Achentina.

T. Sơn 

1h30 ngày 12/7 chung kết Hà Lan - Tây Ban Nha: LẦN ĐẦU CHO GIẤC MƠ 

Đội tuyển nào đăng quang thì cũng là lần đầu tiên nền bóng đá đó vô địch thế giới. Và nhóm G6 (các đội từng vô địch thế giới) gồm Braxin, Ý, Đức, Achentina, Uruguay, Anh sẽ được mở rộng, đón chào thêm một thành viên mới.

Với Hà Lan, liệu có quá tam ba bận khi mà đội bóng áo cam từng 2 lần ngã trước ngưỡng cửa thiên đường: 1974 và 1978. Ngày đó The Oranje đúng nghĩa là "lốc da cam" với nhạc trưởng Johan Cruyff đã mê hoặc lòng người. Thế nhưng, họ luôn phải nuốt nước mắt nhìn Cúp Vàng rất gần mà lại xa vời vợi.

Hà Lan là đội bóng duy nhất kể từ đầu giải giành được cả 6 chiến thắng tuyệt đối. Những chiến thắng đó dù chưa xứng với tầm vóc của "những cơn lốc màu da cam" nhưng lại cho thấy hiệu quả trong lối chơi. Hà Lan của World Cup 2010 là một Hà Lan rất khác so với các kì World Cup trước đây. Họ không tấn công ào ạt, không chơi thứ bóng đá tổng lực như thời của "thánh" Johan Cruyff trước đây mà thay vào đó là sự ổn định, tính hiệu quả bởi sự thực dụng và chút tinh quái dưới thời Bert Van Marwijk. Ở những kì World Cup trước, "những người Hà Lan bay" luôn chơi cống hiến, trước tiên là vì cái "đẹp" nhưng rồi họ lại gục ngã vào đúng những thời khắc quyết định. Tại Nam Phi lần này mọi thứ đã hoàn toàn đổi thay, bóng áo cam đã có mặt ở chung kết và những Sneijder, Robben, Dirt Kuyt đang cách cổng thiên đường 1 trận đấu.

Tây Ban Nha được xem là phiên bản của bóng đá Pháp cuối thế kỷ 20. Nếu những chú gà trống gaullois từ vô địch thế giới "về" vô địch châu Âu thì La Roja đang đi trên con đường ngược lại. Khởi đầu có phần chậm chạp với trận thua trước Thuỵ Sĩ nhưng càng vào sâu trong giải bản lĩnh của nhà ĐKVĐ châu Âu ngày một được thể hiện. Chiến thắng trước "những cỗ xe tăng" Đức chính là điểm đánh dấu phong độ tuyệt vời của "bò tót". Khi đôi chân các cầu thủ đã trở nên thanh thoát và linh hoạt thì việc di chuyển, kiểm soát bóng và nắm thế trận là một điều không khó với các cầu thủ Tây Ban Nha.

Tại Soccer City vào rạng sáng 12/7 (theo giờ Việt Nam), trận đấu cho vinh quang hẳn sẽ là bữa đại tiệc của bóng đá tấn công khi mà cả hai đội bóng lọt vào trận chung kết đều rất mạnh trong tấn công. Hà Lan dù chơi thực dụng, chặt chẽ nhưng trong mỗi trận đấu vẫn có những giây phút bừng sáng với truyền thống "lốc da cam" hào hoa, đẹp mắt. Còn Tây Ban Nha thì có đặc sản tiqui-taca với những cơn sóng đỏ trên phần sân đối phương.

Bình luận viên Alen Hansen của kênh thể thao ESPN nhận xét: "Nếu phải phân tích trước trận chung kết này, chúng ta cần phải mất rất nhiều trang báo. Cuộc chiến của Tây Ban Nha và Hà Lan sẽ trên từng centimet cỏ, ở từng vị trí với những cá nhân xuất sắc, ở trên toàn bộ ý tưởng chiến thuật mà các HLV đưa ra. Cho nên sẽ là thừa nếu phải làm việc đó. Theo tôi, điều tổng kết tốt nhất cho trận chung kết này là: sự hội tụ đỉnh cao bóng đá tấn công của World Cup 2010".

H. Thành

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất