| Hotline: 0983.970.780

Chìa khoá làm giàu cho Tây Bắc: Trồng cao su

Thứ Ba 17/08/2010 , 10:06 (GMT+7)

Với đất dốc đồi núi không thể trồng cây lương thực, bản Bủng đã chọn đưa cây cao su vào trồng vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa có thu nhập từ nguồn lương công nhân trồng cao su.

Công trình thủy điện Sơn La sững sững trên dòng sông Đà chảy qua xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Vì dòng điện cho tương lai, sau 7 năm di dân đến tháng 5/2010, Sơn La đã hoàn thành di dời 12.500 hộ dân tại 3 huyện Quỳnh Nhai, Mường La và Thuận Châu ra khỏi lòng hồ. Nhiều bản làng tái định cư đã dần ổn định cuộc sống nhờ tìm ra những cây con mới phù hợp với điều kiện SX ở địa phương. Chuyện cây cao su trên miền đất mới huyện Mường La là một minh chứng.

Ông Lèo Văn Păn, Bí thư chi bộ bản Bủng, xã Mường Bú cho biết, là bản vùng sâu xa của xã, bản Bủng có 107 hộ gia đình tộc Thái và Xá cùng sinh sống, diện tích đất nông nghiệp của bản được giao 564ha, trong đó đất nông nghiệp 223 ha, đất lâm nghiệp 87 ha, còn lại là đất rừng và đồi núi. Trước đây kinh tế của người dân bản Bủng chủ yếu dựa vào trồng trọt chăn nuôi, tự cung tự cấp. Giờ đây nhận thức của người dân đã khác. Họ biết đầu tư SXNN qui mô lớn để cung cấp cho “thị trường lớn” là công nhân công trình thủy điện Sơn La.

Với đất dốc đồi núi không thể trồng cây lương thực, bản đã chọn đưa cây cao su vào trồng vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa có thu nhập từ nguồn lương công nhân trồng cao su. Từ vụ trồng cao su năm 2009, tất cả 107 hộ gia đình trong bản đã đồng ý góp vào Cty cao su 267ha đất (chiếm 84,4% diện tích đất canh tác của bản) và đã trồng được 235 ha cao su hiện đang phát triển xanh tốt. Toàn bản được nhận 1,62 tỷ đồng tiền trồng và chăm sóc cao su, bình quân mỗi người một tháng nhận 2,4 triệu đồng, đủ tiền mua trên 2 tạ gạo ngon, gia đình 4 người cần dùng 60 kg gạo/tháng, lương một người 1 tháng đủ tiền đong gạo nuôi cả nhà ăn 3 tháng. Ngoài tiền lương trồng cao su cả bản còn tổ chức trồng xen ngô đỗ trong vườn cao su.

Giờ đây không chỉ ở thành phố, người ta mới lên sàn giao dịch cổ phiếu mà những người nông dân miền núi cũng đã biết đến cổ tức khi họ có cổ phần trong Cty cao su. Dân trí miền núi cũng theo đó đã nâng lên một bước rõ rệt.
Cũng như đồng bào dân tộc bản Bủng trồng cao su, ở bản Tìn, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, bên cạnh những vườn đồi cây cao su đang lên xanh tốt, là cuộc sống mới của những người dân di dân tái định cư cho công trình thủy điện Sơn La. Giờ đây người nông dân miền núi đã trở thành công nhân cao su - quả là một giấc mơ. Ở bản Tìn thu nhập bình quân mỗi khẩu năm 2009 đạt 7,15 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân cả nước. Như vậy ai dám bảo nông thôn miền núi là nghèo. Trước đây nói đến việc cấy lúa, trồng cây lương thực ở miền núi thật khó khăn, nhưng cũng đất rừng núi ấy trồng cây cao su thành công thì cuộc sống đổi thay hẳn.

2 năm qua, Sơn La đã trồng được gần 4.000ha cao su. Đến thời điểm này có thể đánh giá đưa cây cao su lên trồng ở Sơn La cũng như các tỉnh Tây Bắc là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi kinh tế ở các địa phương này. Đã nhiều thập niên qua, Trung ương cũng như các địa phương Tây Bắc trăn trở tìm giống cây gì vừa phù hợp thổ nhưỡng vừa có giá trị kinh tế cao, có sản phẩm hàng hoá thay thế cho những vùng rừng nghèo kiệt, thì nay đã có câu trả lời: cây cao su.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.