| Hotline: 0983.970.780

Chiến tranh trong con...

Thứ Năm 27/07/2017 , 09:05 (GMT+7)

Ngày con chào đời là ngày giỗ chung cho hàng triệu liệt sĩ, ngày của những thương binh trở về từ chiến trường...

Và đây cũng là ngày mà hàng năm, cứ mỗi dịp, đôi mắt khô nhèm, cáu đục, tưởng chừng không thể vắt kiệt thêm giọt nước mắt nào nữa của nội lại rưng rức nhớ thương trước nghi ngút khói hương trên ban thờ ông, bác, o, chú và đồng đội…

liet-si-2-1133051296
Các thế hệ người dân tỉnh Quảng Trị vẫn hàng ngày thăm viếng, chăm nom Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9

Cứ thế, đồng hành với tuổi thơ con là những câu chuyện, những kí ức về chiến tranh. Đồng hành với cuộc sống của con là niềm tự hào thiêng liêng lẫn nỗi đau không thể nào nguôi quên về tháng năm tươi xanh đầy lửa cháy. Con muốn nhớ về cuộc chiến mà con chưa bao giờ được trải nghiệm, chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến, chưa bao giờ dấn thân nhưng đã nghĩ về nó bằng cả tâm hồn và trái tim mình.

Chiến tranh trong con…

Là thuở bé náo nức và tự hào khi mỗi lần nhìn lên hàng chục tấm bằng khen treo ở tường nhà. Tên của o trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tên của chú khi tham gia chiến trường chống Mỹ, tên của nội kiên cường nuôi giấu cán bộ, chở che du kích. Là ánh mắt rực sáng khi nhìn ba lau chùi gìn giữ từng tấm huân, huy chương. Có chiếc nâu đồng như màu máu đông đặc, có chiếc vàng rực như ngôi sao ở cờ Tổ quốc, cũng  có chiếc xỉn úa vì bụi thời gian… Con lấy làm tự hào và hãnh diện lắm. Có lần cả nhà đi vắng, con lén trộm xem rồi đeo lên ngực, miệng đọc to bài thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu… Anh hùng đâu cứ phải mày râu”. Với con bé thơ ngây ngày ấy, chiến tranh là phi thường, hào hùng và oanh liệt biết bao.

Chiến tranh trong con…

Là những lần ngủ bên nội. Quá khứ dội về, nỗi đau đớn hằn in trong giấc mơ, khản giọng hoang hoảng gọi tên đồng đội, rồi giật mình trở dậy thao thức những đêm rất dài. Là có những khi vết thương cũ tái phát. Mảnh đạn nào găm trên vai đau nhói, vết cưa nào vẫn lằn đường răng in xuống trên da thịt, như  hiện hữu, như  thách thức.

Chiến tranh trong con…

Là khi con biết, không phải đường ra trận nào cũng nở đầy hoa, không phải bao giờ cũng có những “mùa đẹp lắm”, không phải cô thanh niên xung phong nào cũng đeo nón trắng, mặc quần lụa với gót chân hồng…

Chiến tranh con được biết qua lời kể, là hành quân qua cánh rừng tre ẩm ướt mùi xác chết. Và những búp măng mọc lên, không kịp xanh nõn nà mà tất cả đều khoác một màu đỏ tươi vì thấm máu, lẫn những con đom đóm to bằng cái mũ cối vì thức ăn chủ yếu là thịt người. Chiến tranh, là nhìn đến tận đáy để thấy khuôn mặt của nó là một khuôn mặt nhàu nát. Ở đó, có người đào ngũ, có người cố tình tự hủy diệt bản thân để trở về hậu cứ, có người trốn chạy. Chiến tranh, là tuổi trẻ khuyết hụt lẻ loi. Những cô thanh niên xung phong trong “Rừng cười” chạy điên loạn vì thiếu thốn hơi ấm. Những chàng trai hai mươi chưa kịp biết yêu thương đã lên đường làm nhiệm vụ. Những binh nhì thuở ấy khao khát đến cháy lòng mà vẫn “chưa một lần biết hôn”. Chiến tranh, hòa lẫn với nỗi buồn của nó là thân phận tình yêu cay đắng. Bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã, bị đày đọa, bị đẩy tới bờ vực của sự hủy diệt… Ấy là chiến tranh.

liet-si-1133051171
Dòng người dâng hương hàng ngày ở tượng đài Thành cổ Quảng Trị

Chiến tranh trong con…

Là ngày nội được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cái danh hiệu ấy lớn lao. Cùng với niềm phấn khởi thì còn đó là nỗi khắc khoải đến tuyệt vọng. Và trên gương mặt già nua của nội là làn da nhăn nhúm, như cố chắt cho hết giọt khóc thương cạn kiệt của mình. Khi ấy con nhận ra, danh hiệu ấy thật cao quý nhưng có lẽ, không một ai, không một người mẹ Việt Nam nào mong muốn đón nhận. Và lúc đó con cũng biết rằng, khoảng trống trong tâm hồn người mẹ ấy, nếu không có sự trở về của những đứa con thì không gì trên cuộc đời này thay thế và khỏa lấp được. Ấy là chiến tranh.

Chiến tranh trong con…

Là khi con được gặp gỡ và gọi hai người lính Cụ Hồ là bố và mẹ. Hai người không sinh thành ra con, nhưng đã cho con biết được bao nhiều điều về thế hệ thanh niên Việt Nam chống Pháp, Mỹ. Ngày con gặp mẹ, con ngỡ ngàng vì đằng sau dáng nhanh nhẹn là một đôi chân không lành lặn. Giặc Mỹ bắt mẹ ra làm tù Côn Đảo rồi cưa chân. Và ẩn giấu đằng sau đôi mắt tinh anh, là hàng chục vết thương trên người bố. Bố mẹ yêu nhau trên chiến trường Quảng Trị, rồi cảm tấm lòng cô giao liên nhỏ bé, bố rời Bắc Ninh về đất lửa cùng mẹ xây gia đình.

Hơn 30 năm đi qua, quán ăn nhỏ gần Thành Cổ của mẹ vẫn niềm nở đón các chuyến hành hương của đồng đội. Hơn 30 năm đi qua, bố vẫn rong ruổi trên các chuyến xe vào Nam ra Bắc cùng các chú bác để tìm cho bằng hết hài cốt đồng đội đã hi sinh. Để con hiểu thêm rằng, không phải cứ đi qua là chấm hết, không phải ngừng lại là kết thúc, mà có những nỗi đau còn âm ỉ  nhức nhối mãi đến mai sau. Để con nhận ra, chiến tranh hủy diệt tất cả, nhưng nó đã không hủy diệt được con người, và bố mẹ là minh chứng cho điều ấy…

Thế hệ của con là thế hệ bình yên. Tuổi trẻ của con sống trọn vẹn với những gì con mơ ước. Con không thấm thía được nỗi đau, nhưng cho con được sẻ chia nỗi đau với tất cả những người mà con gọi là Anh Hùng, những người đi qua chiến tranh. Có người đã khuất, có người đi xa, có người con thoáng gặp một lần và có những người con không thể nào nhớ hết trong cuộc sống ngược xuôi… Xin một nén tâm nhang để lưu nhớ và ngưỡng vọng trước Người.

Một gia đình truyền thống cách mạng (*)

Tác giả Lê Si Na là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Chít ở khu phố 2, thị trấn Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bà Chít sinh được 6 người con, chiến tranh đã cướp mất của bà 5 người con, trong đó có hai người con (một trai và 1 gái) là liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ cứu nước. Người con trai duy nhất (ba của Lê Si Na) còn lại của bà Chít là cán bộ Công an huyện Gio Linh cũng đã bị bệnh qua đời. Bản thân bà là người có công với cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ.

Ghi nhận công lao to lớn của gia đình cũng như bản thân bà cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bà Hoàng Thị Chít được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đặc biệt, từ năm 1985, khi mở quán bán nước chè cho người qua đường ở ngã 3 đường 75 tây, nơi giao với quốc lộ 1A và đường sắt rất nguy hiểm, trong lúc đường sắt chưa dựng gác chắn, bà đã tình nguyện làm nhiệm vụ cảnh báo người dân qua đường mỗi khi có đoàn tàu qua lại. Việc làm này của bà đã giúp được nhiều người và phương tiện tránh rủi ro khi vượt qua đường sắt. Nhân dân địa phương rất khâm phục việc làm của bà Chít và thường trìu mến gọi bà là "Bà Chít barie".

Cảm phục trước hành động của bà, ngày 22/4/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã vào thăm bà Hoàng  Thị Chít và phát biểu: "Suốt mấy chục năm qua, bà đã tình nguyện làm barie gác chắn đường tàu để mọi người qua đường khỏi bị tai nạn. Năm 2003 là năm thực hiện Cuộc vận động Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước, tôi đề nghị Bộ GT-VT, ngành đường sắt, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương... tuyên truyền rộng rãi gương bà Hoàng Thị Chít để mọi người dân cùng học tập, làm theo".

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành đường sắt xây dựng trạm gác chắn tàu ở thị trấn Gio và các điểm giao cắt khác để tránh các tai nạn xảy ra, bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân. Năm 2006, vì tuổi cao sức yếu bà đã về với mây trắng cỏ xanh.

Tác giả Lê Si Na sinh năm 1988 hiện công tác tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.