| Hotline: 0983.970.780

Chiếu cói Chương Hòa

Thứ Năm 29/11/2012 , 10:42 (GMT+7)

Với người dân làng Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), nghề dệt chiếu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà nó còn ăn vào máu thịt.

Nghề dệt chiếu cói ở làng Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) có cách đây hàng trăm năm. Với người dân nơi đây, nghề này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà nó còn ăn vào máu thịt. Nhờ quyết tâm gìn giữ, phát triển, làng nghề chiếu đã hồi sinh.

>> Mai một nghề ở Định Yên

Vực dậy nghề truyền thống

Vào thập niên 90 (thế kỷ 20), nghề dệt chiếu cói Chương Hòa tưởng như đã phải “trút hơi thở cuối cùng” bởi sản phẩm mất giá trầm trọng. Được dệt bằng phương pháp thủ công, chiếu cói nơ đây không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được dệt bằng máy. Làm ăn “thất bát”, người làm nghề dần dà quay mặt với chiếu cói.

Không cam tâm nhìn làng nghề truyền thống đang dần "chết", UBND xã Hoài Châu Bắc “lên tiếng” bằng cách cử một số hộ dân vào tận miền Nam học tập SX theo công nghệ tiên tiến. Đồng thời hổ trợ kinh phí cho HTX Điện năng Hoài Châu Bắc mua thiết bị hiện đại về để cải tiến nghề.

Người thợ Chương Hòa nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm dệt chiếu từ các nơi khác về ứng dụng vào SX. Kết hợp với sự sáng tạo, bàn tay khéo léo đã xuất hiện nhiều sản phẩm với mẫu mã được cải tiến. Những chiếc chiếu được làm ra ngày càng đẹp hơn, mang đặc trưng riêng như chiếu trắng, chiếu hoa râm, chiếu gấm, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu long phụng… nổi tiếng một thời.


Thợ dệt chiếu bằng máy nhàn nhã, hiệu quả cao

Đặc biệt, làng nghề còn có sản phẩm chiếu cổ lồi có hoa văn nổi, đã từng đoạt giải thưởng tại hội chợ triển lãm sản phẩm thủ công toàn quốc năm 1986. “Thiết bị mới đã chứng minh được tính vượt trội so với phương pháp làm thủ công, sản phẩm làm ra được tiêu thụ mạnh”, ông Nguyễn Đức Đạm, Phó chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, cho biết.

Năm 2009, HTX Dịch vụ điện năng Hoài Châu Bắc chủ động đầu tư SX thành công máy dệt chiếu cói với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp nâng cao năng suất nhiều lần so với dệt thủ công, đồng thời giảm chi phí đầu tư mua máy, nhân lực lao động. Sản phẩm chiếu làm ra từ máy có chất lượng đồng đều và đẹp hơn, thuận tiện điều chỉnh kích thước, mẫu mã, giảm giá thành.

Ông Đạm cho biết thêm: “Hiện làng nghề chiếu cói Chương Hòa có trên 300 hộ SX tập trung tại các thôn Chương Hòa, Gia An, Gia An Đông, Gia An Nam, Quy Thuận. Trong đó, có hơn 250 hộ dệt chiếu theo cách thức thủ công, các hộ còn lại đầu tư mua hơn 80 máy dệt chiếu để nâng cao năng suất. Mỗi năm, làng nghề chiếu cói Chương Hòa xuất xưởng khoảng 50.000 đôi chiếu và hàng vạn m2 chiếu mỹ nghệ xuất khẩu”.

Với máy dệt chiếu, mỗi lao động dệt được 8 - 10 chiếc/ngày. Trong khi đó, bằng phương pháp thủ công, nếu 2 lao động cùng dệt, mỗi ngày chỉ làm được 6-7 chiếc. Thôn Gia An Đông có số hộ dệt chiếu nhiều nhất của xã Hoài Châu Bắc, với số hộ dùng máy dệt chiếu nhiều đến 50 máy. Chị Trần Thị Tư, chủ một cơ sở dệt chiếu bằng máy ở đây, so sánh: “Từ chỗ chỉ mua bán chiếu, thấy được hiệu quả của nghề dệt chiếu, gia đình tôi đã đầu tư mua 5 máy dệt, trung bình làm khoảng 40 chiếc chiếu/ngày theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh”.

Cần hỗ trợ

“Chúng tôi đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để hoàn chỉnh và nghiệm thu dự án vào tháng 12/2012. Qua đó sẽ tiến hành xây dựng dữ liệu, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy di sản làng nghề truyền thống, góp phần cung cấp dữ liệu cho mô hình làng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Sau khi hoàn thành, sản phẩm của dự án này sẽ được gửi cho Bộ VH-TT&DL để đưa nạp vào Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể”, ông Dương Tấn Sinh, Phó GĐ Sở VH-TT&DL, Chủ nhiệm Dự án văn hóa phi vật thể làng nghề dệt chiếu Chương Hòa.

“Nước lên, thuyền lên”, nghề dệt chiếu phát triển mang lại cơ hội cho người trồng cói ở địa phương. Khi làng nghề phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu về nguyên liệu. Do đó 60 ha đất SXNN kém hiệu quả xã Hoài Châu Bắc đã biến thành cánh đồng cói bát ngát. Ông Hai Cảnh, một người trồng cói cho biết: “Từ 500 đ/kg, giá cói đã tăng lên 800 đ/kg. Trồng cói rất đơn giản, không khổ như SX lúa. Với giá bán hiện nay, làm cói cho thu nhập cao gấp 4 lần so với làm lúa”.

Trong niềm vui làng nghề hồi sinh, người làm chiếu cói ở Hoài Châu Bắc vẫn còn đó nỗi day dứt. Máy dệt chiếu hiệu quả là thế, nhưng mới chỉ có 50/300 hộ dân SX bằng máy, số còn lại vẫn cứ “lẻo đẻo” làm bằng phương pháp thủ công. Nguyên nhân rất đơn giản, mỗi máy dệt chiếu có giá 30 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ nên hầu hết các hộ SX chiếu cói không có vốn đầu tư mua máy. Họ đang “ngóng” chính sách hỗ trợ để có điều kiện chuyển đổi SX từ thủ công sang máy móc.

Chiếu cói Chương Hòa không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị văn hóa, là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của làng nghề Bình Định. Vì vậy, Sở VH-TT&DL Bình Định đã chọn làng nghề dệt chiếu Chương Hòa để thực hiện Dự án văn hóa phi vật thể năm 2012. Sở này đã tiến hành các bước chuẩn bị khảo sát điền dã, điều tra cơ bản. Trong thời gian tới, sẽ tiến hành các hoạt động của dự án để hoàn thành báo cáo khoa học về lịch sử hình thành, thực trạng SX, quy hoạch làng nghề, những yếu tố tác động… liên quan đến bảo tồn và phát triển làng nghề.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.