| Hotline: 0983.970.780

Chiều cuối năm ở làng “gà trống nuôi con”

Thứ Ba 09/02/2010 , 14:30 (GMT+7)

Ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Gianh cách đây gần một năm đã làm bàng hoàng cả nước vì vụ chìm đò làm 42 người chết. Những người “gà trống nuôi con” đã biết sớm tối chăm bẵm những đứa con trưởng thành và đang xua đi nỗi đau để hồi sinh cuộc sống mới.

Chúng tôi về (Quảng Hải- Quảng Trạch- Quảng Bình) vào một chiều cuối năm, khi cái Tết con Hổ đang cận kề trước mỗi ngõ xóm. Ngôi làng nhỏ nằm bên bờ sông Gianh cách đây gần một năm đã làm bàng hoàng cả nước vì vụ chìm đò làm 42 người chết. Bây giờ, ngõ xóm đã ồn ả tiếng cười trẻ thơ, cây lộc vừng bên đường đã chúm chím khoe nụ phớt tím như báo hiệu một năm mới đến với bao điều chờ đợi. Trong những ngôi nhà dẫn còn lam lũ, nhưng những người “gà trống nuôi con” đã biết sớm tối chăm bẵm những đứa con trưởng thành và đang xua đi nỗi đau để hồi sinh cuộc sống mới.

Đàn ông phải học...làm vợ!

Trong ngôi nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm đế đóm năm mới, anh Cao Xuân Thí đang loay hoay bày lại bộ bàn ghế thấy khách vào đứng dậy vồn vã hỏi chào. Có lẽ, anh là người đàn ông cáng đáng nhiều việc nhất của xóm nhỏ này. Vợ là chị Phạm Thị Thuỷ mất trong vụ chìm đò, để lại một mình anh Thí nuôi 4 con nhỏ. Anh Thí nhỏ nhẹ: “Sau vụ chìm đò, cả thôn có đến hai mươi người chồng mất vợ và trở thành gà trống nuôi con. Cái khổ thì ai cũng nếm, nhưng không vì vậy mà để cho con cái mình bị thiệt thòi...”.  

Những người đàn ông “gà trống nuôi con” đã dần quen với công việc hàng ngày

Vào vụ mùa, một mình anh đánh vật với 4 sào ruộng, rồi nuôi thêm trâu, bò, lợn, gà để có cho con cái ăn, cái mặc. “Trước đây, cứ mỗi lần đến gần Tết là mẹ các cháu lo lằng chuyện bánh kẹo, áo quần, giày dép cho con, tôi chỉ như là người phụ việc thôi. Bây chừ, phải lo lắng thêm phần việc này, cũng phải biết ky cóp, dành dụm rồi bán lợn, gà mua sắm cho các con. Khó rồi cũng qua, chỉ chao chạnh khi thấy con còn nhỏ. Thôi, chuyện chi rồi cũng gạt qua phải không anh, không gạt qua thì còn đâu sức mà nuôi con khôn lớn...”, anh Thí bộc bạch.

Gần hai mươi người đàn ông làm mẹ bất đắc dĩ như các anh Tiến, anh Lâm, anh Chuẩn, anh Luận, anh Thắm, anh Thí…ở Quảng Hải hiện đều một mình nuôi con. Chưa ai nói một lời phàn nàn, thi thoảng gặp nhau là nói cho nhau nghe kinh nghiệm làm mẹ, kinh nghiệm nuôi heo, chăm gà sao cho mau tăng trọng.

Những người bố bàn tay chai sần vì chuyện đồng áng, chuyện nhà cửa nay bắt thêm một tay lo chuyện cơm gạo, áo tiền cho con trẻ nhưng vẫn đảm đang chu toàn. Đi sắm chợ, nấu ăn, giặt giũ, ai cũng phải thức khuya dậy sớm, lâu ngày trở thành thói quen mà không phải ai cũng có được.

Có lẽ, trong nỗi đau, người chịu thấm đẫm câu “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn” nhất là anh Lê Văn Thắm. Hàng ngày, anh phải bồng đứa con còn đỏ hỏn đi xin từng giọt sữa của người làng. Vợ anh mất để lại đứa con còn bú sữa, tiếng khóc khát sữa hàng đêm của con khắc khoải trong anh còn đến bây giờ. Nhưng rồi, gánh nặng làm người đàn ông thêm đảm đang. Từ chỗ không hề biết nấu miếng cháo, vụng về khi tắm cho con, khi con trái gió trở trời...bây giờ anh đều thông thạo như một bà mẹ trẻ.

Hồi sinh cuộc sống mới

Người Quảng Hải vẫn nói với nhau về vụ chìm đò, để rồi yêu thương nhau hơn. Họ san sẻ cho nhau từng hơi ấm qua mỗi việc làm, qua lời động viên khích lệ. Chúng tôi còn nhớ rõ, hình ảnh không ít người đàn ông ở Quảng Hải nằm liệt giường vì bỗng dưng mất vợ, mất con. Ngay sau khi xảy ra vụ chìm đò, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cố gắng nỗ lực làm tất cả những gì có thể làm được giúp gia đình các nạn nhân vượt qua nỗi đau thương mất mát. Theo ông Cao Xuân Sơn, Phó Bí thư Đảng uỷ xã, thì các tổ chức đoàn thể đều có kế hoạch giúp đỡ gia đình các nạn nhân theo chức năng của mình. Còn bà con Quảng Hải, nhà nhà nương tựa giúp đỡ nhau, bởi hơn ai hết họ hiểu rõ không cách gì xoa dịu nỗi đau bằng cách ghé đôi vai để san sẻ, gánh đỡ, từ việc dọn dẹp trong nhà cho đến việc đồng áng…

Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: “Năm vừa qua, tỉnh và huyện đã đầu tư cho xã đường ống dẫn nước ngọt vượt sông mới. Nhờ vậy mà hiện nay Quảng Hải đã làm được 150 ha lúa 2 vụ cho năng suất 45 tạ/ha/vụ.

Sang năm 2010, lãnh đạo xã đang đề nghị các cấp cho 35 hộ gia đình có thân nhân mất trong vụ chìm đò được hưởng chính sách như hộ nghèo; để con cái họ có điều kiện tới trường, làm thẻ bảo hiểm y tế cho họ…”.

Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho hay: “Từ khi tai nạn thương tâm xảy ra cho đến nay, các gia đình có người bị nạn vẫn liên tục nhận được sự giúp đỡ kịp thời về tinh thần và vật chất từ chính quyền các cấp cũng như tấm lòng sẻ chia quý báu của đồng bào trong cả nước. Với sự sẻ chia, đùm bọc ấy, 39 trẻ mất mẹ trên chuyến đò oan nghiệt ấy được chăm bẵm chu đáo, không còn khóc ngặt vì khát sữa mẹ, vẫn được cắp sách đến trường... Những người chồng mất vợ, những đứa con mất mẹ đã khóc cạn nước tưởng như không thể vượt qua nỗi đau. Nhưng nay với tất cả sự động viên, chia sẻ qua mỗi việc làm đầy hơi ấm tình người của xóm trên làng dưới, của người dân cả nước, từng ngày gượng dậy...”.

Không chỉ cưu mang, đùm bọc 35 gia đình có người tử nạn, người dân cả nước còn trải tấm lòng nhân ái, sẻ chia với nỗi khó khăn, vất vả của vợ con chủ đò Nguyễn Xuân Quý, lái đò Nguyễn Minh Mậu. Trong căn nhà nhỏ vắng hơi người chồng, chị Nguyễn Thị Lan (vợ lái đò Nguyễn Minh Mậu) đang lo cho hai đứa con có thêm tấm ao mới. Chị cho hay: “Sau ngày anh đi thi hành án phạt tù thì bà con cũng hay động viện mẹ con sống đừng bi quan, rồi có ngày bố các cháu về nhà. Bây giờ ai cũng thông cảm, thương và lo lắng cho nhà em...”. 

Bên cạnh bến đò mang trong mình nỗi đau đầy oan nghiệt, dẫu có muộn mằn chiếc cầu Quảng Hải cũng kịp nối nhịp bờ vui, giờ đây chẳng nghe ai í ới gọi đò... Con đường nối từ cầu Quảng Hải về trung tâm xã đã hình hài. Chiều cuối năm, người dân làng nổi bên sông Gianh đón người thân về quê ăn Tết trên chiếc xe ô tô du lịch mà ngỡ ngàng như trong cổ tích. Cây lộc vừng ra nụ tím phớt đứng nghiêng nghiêng như chứng kiến người dân làng nổi đã gượng dậy, xây dựng cuộc sống mới, dẫu phía trước vẫn còn nhiều khó khăn…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất