| Hotline: 0983.970.780

Chín Táo "thủ diễn" bốn vai

Thứ Ba 08/02/2011 , 09:29 (GMT+7)

Vốn dĩ là nông dân, nhưng cùng lúc anh Chín Táo (Lê Văn Chính), ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang thủ diễn bốn vai trong liên kết bốn nhà.

Chín Táo (trái) hướng dẫn cách xử lý giống cho khách hàng

Vốn dĩ là nông dân, nhưng cùng lúc anh Chín Táo (Lê Văn Chính), ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đang thủ diễn bốn vai trong liên kết bốn nhà.

DN  thích làm nông dân

Rất nhiều người hỏi Chín Táo: Sao không thành lập doanh nghiệp để tập trung hơn cho việc kinh doanh khi mà nguồn vốn lưu động đã trên 3 tỷ đồng. Chín Táo trả lời đơn giản, một khi trở thành doanh nghiệp thì ai cũng sẽ chú trọng cho lợi ích của mình hơn là các mối liên hệ khác. Thôi thì cứ là cơ sở nhỏ nhưng được nương tựa với nhau để cùng sống, cùng nhau chia sẻ lợi ích, rủi ro thì có lẽ tính bền vững sẽ cao hơn.

Gần đây, các nhà kinh tế ở ĐBSCL ra sức làm đề án, thuyết phục từ nhà quản lý, nông dân về mô hình Cty cổ phần nông nghiệp nhằm mục đích hài hòa lợi ích cho tất cả các nhóm nông – công – thương. Nhưng với Chín Táo, anh chỉ thích làm nông dân hơn là làm chủ doanh nghiệp.

Dưới sự giúp đỡ, giám sát của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, hiện tại anh Chín Táo vừa là người tổ chức mạng lưới, quản lý chất lượng và cũng là nông dân trực tiếp sản xuất, cung ứng lúa giống cho nông dân khắp 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Với mạng lưới sản xuất giống trên diện tích hơn 300 ha, từng vụ sản xuất Chín Táo kết hợp với Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ nguồn giống nguyên chủng ban đầu, cung cấp mạ, chi phí gieo cấy cho nông dân trong hệ thống sản xuất giống. Cuối vụ sản xuất, toàn bộ sản lượng này được cơ sở kinh doanh giống lúa của Chín Táo thu mua hết.

 Trong quá trình sản xuất, Chín Táo hợp đồng với một kỹ sư nông nghiệp, hai chuyên viên trung cấp cùng kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh trực tiếp theo dõi qui trình sản xuất trên đồng ruộng, kiểm định chất lượng lúa trước khi thu mua về làm giống.

 Chín Táo chia sẻ, dù giám sát công việc sản xuất giống ngay từ trên đồng, nhưng để đạt tỷ lệ nảy mầm cao hơn quy định của ngành nông nghiệp (80%) mỗi vụ chỉ tuyển chọn được khoảng 70 – 80% sản lượng trong cả hệ thống đạt chuẩn làm giống. Lúa không đạt chuẩn cũng được thu mua, đem về chuyển sang sản xuất lương thực. Tại cơ sở làm giống, Chín Táo bỏ vốn đầu tư xây dựng kho chứa 500 tấn, đầu tư dây chuyền thiết bị tách gié lúa, tách hạt công suất 3 tấn/giờ, đóng bao để hoàn thiện quy trình làm giống.

Hai năm nay, bình quân mỗi vụ cơ sở Chín Táo cung ứng cho thị trường trên 1.000 tấn lúa giống mang nhãn hiệu Chín Táo. Dù qui mô kinh doanh khá lớn, nhưng Chín Táo sẵn sàng tiếp đón cả những khách hàng chỉ có nhu cầu mua vài kí giống. Theo Chín Táo, 70% khách hàng tại tỉnh Trà Vinh là người Khmer, nên việc tư vấn cho họ chọn giống là điều hết sức cần thiết. Trong mỗi bao lúa giống được kèm theo bảng hướng dẫn kỹ thuật, các biện pháp cần thiết trong xử lý giống và cả quá trình canh tác.

Khách hàng mua giống còn được đáp ứng yêu cầu giao lúa giống tận nhà. Vào thời điểm gieo sạ vụ lúa đông xuân, 3 chiếc xe tải với tổng tải trọng 20 tấn của cơ sở phải lăn bánh liên tỉnh hàng ngày giao lúa giống cho khách hàng. Không chỉ giới hạn trong vùng, các đối tác từ phía Campuchia cũng nhận Chín Táo là địa chỉ cung ứng lúa giống tin cậy. Bình quân, mỗi vụ cơ sở Chín Táo phải giao cho nhóm đối tác này 30 – 40 tấn lúa giống các loại.

Nông dân 4 trong 1

Chín Táo là nông dân rặt ri, nhưng ở anh có thêm những tố chất khác để đến bây giờ người ta phải gọi là nông dân 4 trong 1. Cơ duyên bắt đầu từ sự nhiệt tình tham gia công việc cùng với những cán bộ ngành nông nghiệp địa phương. Còn bây giờ cũng với bản chất hết sức nông dân nhưng anh đảm nhiệm việc tổ chức, quản lý sản xuất cho mấy trăm nông dân khác cùng làm lúa giống. Trong mối liên kết bốn nhà, anh doanh nhân đậm chất nông dân này giữ vai trò làm động lực để cả guồng máy vận hành một cách trơn tru. Tất cả các hoạt động trong liên kết này cũng được thể hiện trên cái nền tảng hết sức nông dân mà không cần phải tổ chức bộ máy rườm rà, tốn kém.

Có người nói vui, Chín Táo bắt đầu chỉ có 4 giạ rưỡi lúa mà hơn 10 năm sau mỗi vụ lúa đã có cả 50 ngàn giạ giống, trong tay có mấy tỷ bạc. Họ đã biến danh gọi Chín Táo thành tên gọi một dụng cụ đo lường của nông dân – một táo lúa bằng nửa giạ. Thật ra, biệt danh Chín Táo bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90 khi anh đã cải tạo 4 công vườn tạp của mình trở thành vườn trồng táo. Vườn táo hiệu quả không cao, 4 công ruộng trồng lúa cũng chỉ tạm đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Đói bụng, Chín Táo tình nguyện đi làm cộng tác viên của Chi cục BVTV tỉnh Trà Vinh. Công việc của cộng tác viên là cùng các cán bộ Chi cục đi tới từng vùng tổ chức các mô hình sản xuất, vận động nông dân thay đổi những phương pháp canh tác truyền thống không còn phù hợp, áp dụng các biện pháp khoa học để nâng dần hiệu quả đồng ruộng.

Năm 2000, gom góp mớ kiến thức thu thập được từ những mô hình thực nghiệm, Chín Táo bắt đầu tập tành làm lúa giống khi biết rằng mỗi năm chỉ riêng tỉnh Trà Vinh này đã cần khoảng 7.000 tấn giống. Qua vài vụ lúa thành công, Chín Táo thuê mướn thêm đất đai, tổ chức cho nông dân cùng làm để tăng sản lượng giống làm ra trong từng vụ. Nhưng rồi đến cuối những năm 2000, đang trên đà ăn nên làm ra, thì đùng một cái, các đối thủ cạnh tranh tung chiêu hạ bệ Chín Táo bằng cách loan tin xấu về chất lượng và độ tin cậy lúa giống của nhà cung ứng Chín Táo.

Chín Táo buồn vì đây là “nắm đấm” đầu tiên đánh vào nghiệp kinh doanh chập chững của mình. Tuy vậy, anh vẫn không nản lòng mà cố chứng minh chất lượng thông qua hệ thống của mình làm ra. Không ồn ào, thanh minh hay cải chính, Chín Táo “tuyên chiến” với đối thủ bằng cách trang bị thêm phương tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu lúa giống độc quyền Chín Táo (9 Táo). Bắt tay xây dựng mô hình liên kết 4 nhà chuyên sản xuất và cung ứng lúa giống đầu tiên ở tỉnh Trà Vinh.

Theo Chín Táo, làm lúa giống rủi ro rất cao, có thể đến từ nhiều phía và điều này ít nhiều anh đã phải nếm trải. Nhớ lại thời lúa giống Chín Táo bị “đánh” liêu xiêu, anh nông dân cùng lúc thủ diễn cả bốn vai trong liên kết bốn nhà này cũng không lấy gì làm phiền muộn mà chỉ cười hiền, cũng nhờ thông tin ì xèo vậy mà bây giờ nhiều người biết tới anh hơn.

Sau vụ việc thông tin xấu tràn lan, một hậu quả đau đớn với Chín Táo là lượng lúa giống bán ra mỗi vụ chỉ khoảng 30% sản lượng làm ra. Nhưng với mục tiêu thủ diễn vai 4 nhà, Chín Táo đã phối hợp với nông dân xã Long Hòa, huyện Châu Thành sản xuất 50 ha lúa hữu cơ sinh học, đầu tư trọn gói, thu hồi vốn và sản phẩm vào cuối vụ. Theo đó, giá lúa đảm bảo cao hơn giá thị trường 200 – 500 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn hợp tác với bà con sản xuất 20 ha lúa giống chất lượng cao để cung ứng giống phù hợp cho bà con sản xuất. Ông Đỗ Minh Chiến, Bí thư xã Long Hòa, huyện Châu Thành nói: Việc Chín Táo về vùng đất nuôi trồng thủy sản của xã đầu tư sản xuất lúa hữu cơ sinh học đã mang lại hiệu quả thiết thực, giá trị kinh tế từ mô hình này tăng thêm khoảng 30%, đất nuôi trồng thủy sản đảm bảo không bị ảnh hưởng của dư lượng thuốc BVTV.

Ông Kim Xê, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Trà Vinh cho hay, tỉnh có khá nhiều địa chỉ sản xuất lúa giống, nhưng quy mô sản lượng lớn như cơ sở Chín Táo thì không nhiều. Hiện tại, cơ sở Chín Táo là một địa chỉ xanh cung ứng giống lúa với sản lượng hàng đầu ở địa phương này. Bây giờ sóng gió đã tạm yên, công việc kinh doanh khá trôi chảy ngay cả với những đối tác kinh doanh mà anh chưa từng biết mặt. Tuy vậy, Chín Táo không lấy làm thỏa mãn với thực tế mà luôn thận trọng để giữ nhịp mua bán của mình cũng như hiệu quả sản xuất của các đối tác nông dân để họ cùng hợp tác.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm