| Hotline: 0983.970.780

Chính khách đầu tiên nuôi chim yến

Thứ Sáu 20/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nếu tôi không nhầm thì Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên hiện nay, là chính khách đầu tiên ở Việt Nam nuôi chim yến.

Và theo như lời ông nói thì tôi là người đầu tiên may mắn được ông đồng ý gặp để nói về chim yến. Thế là 2 cái "đầu tiên" giáp mặt nhau...

Tỷ phú chim trời

Gia trang của đại gia đình ông Khế tọa lạc trên đường Long Phước, phường Long Phước, quận 9, TP.HCM.

Đây là vùng đất còn khá hoang sơ, cách trung tâm TP.HCM gần 30 km. Chủ nhân của khuôn viên rộng gần 3 ha này đã dành hết tâm huyết để tạo ra một khoảng không gian lý tưởng: Những cây xanh đủ loại in bóng dưới dòng kênh, ao cá, tỏa bóng mát lên những ngôi nhà. Và, mỗi buổi chiều về, từng đàn chim yến từ bốn phương trời lại ríu rít trở về 2 căn nhà của chúng sau một ngày kiếm ăn.

“Gia đình tôi chuyển về đây từ hơn chục năm nay. Hồi ấy, khu vườn này chỉ toàn ruộng nước, đầm lầy, ai thấy cũng ngán. Nhưng tôi vẫn quyết định về, phần vì tôi đam mê làm vườn, phần vì ba mẹ tôi không thích hợp với cuộc sống ồn ào, bụi bặm ở phố.

Cho nên, toàn bộ số tiền đền bù giải tỏa nhà ở quận Thủ Đức (TP.HCM) hơn 5 tỷ đồng đổ hết vào đây mà chẳng thấm tháp gì. Được như anh thấy hôm nay, là nhờ lộc trời đấy”, ông Khế mở đầu câu chuyện. Lộc trời ông Khế nói chính là những những tổ yến.

“Từ đâu anh có ý định làm nhà yến?”, tôi hỏi. “Hồi mới về đây, bạn tôi là tiến sỹ sinh học Nguyễn Khoa Diệu Thu đến thăm, hỏi tôi: "Chiều chiều anh có thấy chim yến bay ngang đây không? Nếu có anh mượn máy về “dụ” yến thử xem".

Tôi làm theo, và chỉ mấy ngày sau thì yến bắt đầu về. Tôi mừng quá, quyết định xây nhà yến ngay. Lúc đó còn ít tiền quá nên căn nhà yến đầu tiên này làm rất sơ sài, hết chưa đến 400 triệu đồng với mái tôn như nhà cấp 4, tường xây chỉ 2 m, còn lại là ghép những tấm mút xốp để cách âm. Vậy mà chỉ mấy ngày sau yến về và ngày càng nhiều. Đây là nhà yến đầu tiên ở khu vực quận 9 này”, ông Khế nói.

16-16-33_nh-1
Nhà yến đầu tiên của ông Khế rất đơn giản, nhưng lại thu hút chim về rất đông, ấy là nhờ làm đúng và may mắn

Nuôi yến thành công, ông Khế được nhiều người tìm đến tham quan, học kinh nghiệm. Trong đó, nhiều người từng là cán bộ cấp cao của nhà nước đã về hưu. Và hiện nay, đa số họ không chỉ vui thú điền viên với những bầy chim trời, mà còn kiếm mỗi tháng vài chục đến vài trăm triệu đồng.
“Bất cứ ai đến hỏi, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nếu cần, tôi cử kỹ sư đến tư vấn xây dựng. Đa số họ đều ít nhiều thành công”, ông Khế nói.

Hiện tổ yến được ông Khế bán cho bạn bè, người quen với giá 5,5 triệu đồng/lạng chứ chưa có đủ để bán rộng rãi. Ông cho biết, chỉ riêng căn nhà yến đầu tiên này, bình quân mỗi 2 tháng ông thu gần 20 ký tổ. Nhờ yến, tôi mới có điều kiện đầu tư, cải tạo cơ ngơi này, chi phí ăn học cho con cái, xây nhà…”.

Theo chân ông Khế và anh nhân viên ra thăm ngôi nhà yến đầu tiên, tôi ngạc nhiên. Ngôi nhà trông giống như một nhà kho với phần mái và một nửa vách bằng tôn chứ không phải ngôi nhà cao vút với nhiều lỗ chi chít trên tường như những nhà yến khác tôi vẫn thấy.

Khi cánh cửa nhỏ mở ra, bên trong bít bùng và tối như mực. Khi ánh đèn pin lia lên trần, tôi không tin vào mắt mình: Trên trần chi chít tổ yến.

Mấy năm sau, ông Khế đầu tư hơn 1 tỷ đồng thuê chuyên gia từ Khánh Hòa vào, xây một núi đá, giống núi đá ở biển Nha Trang để gọi yến về, nhưng yến không về, sau nhiều lần sửa chữa, điều chỉnh phần kỹ thuật, yến mới về, nhưng không nhiều, mỗi lần thu hoạch, chỉ được vài ba ký yến.

Đã đến lúc nhà nước quan tâm

“Sau nhiều năm gắn bó với loài chim này, rồi tìm hiểu qua các chuyên gia, tài liệu, tôi mới biết, yến thường sống thành cặp và rất chung thủy chứ không như một số loài khác. Đặc biệt, khi đã chọn nhà làm tổ thì không bao giờ bỏ đi, trừ khi có mối đe dọa.

Thường thường, khoảng 6 - 7 giờ chiều là chúng bắt đầu về, nhưng hôm nào thấy chúng về sớm là y như hôm đó thời tiết có vấn đề như mưa giông hay bão. Vì thế, giờ tôi đặt thêm cho yến cái tên nữa là chim báo bão”, ông Khế cho biết.

16-16-33_nh-2
Bên trong nhà yến của ông Khế

“Chim yến suốt ngày chỉ bay trên trời, vậy chúng có mối đe dọa nào?”, tôi hỏi. “Chim yến hầu như bay suốt ngày, kiếm mồi cũng trên không, cho nên thời gian này chúng gần như không có mối đe dọa nào cả. Nhưng khi về “nhà”, có thể bị chim cú mèo, dơi, chuột…ăn thịt”, ông đáp.

Theo ông Khế, hiện khoảng 70% số nhà yến không có con nào về làm tổ. Để yến về, cần nhiều yếu tố như: kỹ thuật xây nhà, âm thanh, độ ẩm, mùi... một số người xây nhà yến xong tạo mùi phân nhân tạo, yến không về, đến khi rải phân chim thật mới “dụ” được chúng đến. Cho nên, yếu tố kỹ thuật rất quan trọng.

“Nhà yến của tôi, ngoài các yếu tố vừa nói, yến về nhiều có thể do tôi trồng nhiều cây Tảo Nhơn, cây này trồng nhiều ở miền Trung. Cây có những chùm bông to, tỏa mùi đặc trưng, thu hút côn trùng đến, đây là nguồn thức ăn chính của yến.

 Nhưng đó chỉ là giả thiết, vì ngay cạnh nhà tôi cũng có nhà yến mà yến không về, hoặc chúng bay vào, đảo vài vòng rồi lại bay ra, cho nên tôi mới nói, còn yếu tố may mắn, lộc trời nữa”, ông khẳng định.

Trước tình trạng xây nhà yến tràn lan như hiện nay khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm, tiếng ồn, ông Khế cho rằng: "Chim yến bay suốt ngày trên trời, đến tối mới bay về nhà, ngôi nhà dù nhân tạo hay thiên nhiên thì cũng cực kỳ kín đáo, gần như không tiếp xúc với bên ngoài.

Như vậy, không đủ cơ sở để lo lắng chim yến là nguồn truyền dịch bệnh. Nhưng vẫn phải quy hoạch vùng nuôi yến nhằm giải quyết vấn đề tiếng ồn.

Chẳng hạn, không làm nhà yến tràn lan ở các quận trung tâm, đông dân cư, mà quy hoạch nuôi yến ở các quận vùng ven, ít dân cư, các huyện ngoại thành. Nếu làm nhà yến đúng kỹ thuật thì tiếng ồn không đáng kể, thậm chí như ở đây, tôi tắt tiếng, yến vẫn về.

16-16-33_nh-6
Sản phẩm yến mang tên Yến Xuân của ông Khế

Nên khuyến khích những khu biệt thự, nhà vườn, khu du lịch sinh thái… xây nhà nuôi yến. Đây là một thế mạnh kinh tế, du lịch rất lớn mà mình chưa khai thác. Đã đến lúc nhà nước có sự quan tâm đến lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì yến Việt Nam có chất lượng tốt nhất khu vực. Chính vì thế, giá tổ yến Việt cao gấp 2 - 3 lần các nước lân cận. Tôi được biết, Indonesia hiện có trên 20 vạn nhà yến, Thái Lan 7 vạn, Malaysia 3,5 vạn, còn Việt Nam mới có khoảng 2.000 nhà yến, trong khi Việt Nam lại có nhiều ưu thế so với các nước nói trên.

Đầu tư một nhà yến bình quân khoảng 1 tỷ đồng, nếu thuận lợi thì chỉ 2 năm sau có thể thu hồi vốn. Sau đó, không phải bỏ thêm đồng vốn nào, cứ thế hưởng. Nhưng khi đã đầu tư nhà yến, phải chấp nhận rủi ro, bởi đó là chim trời, nó có về hay không còn tùy vào kỹ thuật và sự may rủi".

Nói về sản phẩm hồng yến và huyết yến, ông Khế khẳng định: “Máu chim yến khi khô cũng có màu đen như máu các loài khác. Cho nên, tôi khẳng định màu đỏ hay hồng của tổ yến không phải do máu chim yến.

Theo nhận định của các chuyên gia, màu sắc tổ yến là do tác động của các khoáng chất tự nhiên từ vách hang đá như sắt, kẽm, canxi… ngoài ra tổ yến tại các hang này hấp thu thêm ánh nắng, gió, hơi biển là điều kiện đủ để tạo nên các tổ yến huyết, hồng.

Vùng biển Khánh Hòa có hơn 30 đảo yến với khoảng 150 hang yến, chỉ vài hang cho tổ yến màu đỏ, hồng, chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng.

Tôi chưa thấy yến huyết hay hồng trong nhà. Nhưng hiện nay trên thị trường, 2 sản phẩm này bán tràn lan. Người tiêu dùng nếu không thận trọng, rất dễ mua phải tổ yến huyết nhuộm phẩm màu”, ông Nguyễn Công Khế.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.