| Hotline: 0983.970.780

Chính phủ báo cáo kết quả tái cơ cấu Vinashin, Vinalines

Thứ Hai 17/06/2013 , 09:45 (GMT+7)

“Những công việc của Vinalines mạnh mẽ hơn, có xu hướng phục hồi nhanh hơn dù hiện nay vẫn lỗ, vẫn còn khó khăn về thị trường nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ vượt qua” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

* Tình hình còn lỗ rất nặng

* Tái cơ cấu có lợi hơn?

Chiều 14/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ đã trả lời chất vấn, báo cáo với Quốc hội một số điểm chính cần quan tâm trong thời gian tới, trong đó có vấn đề quan trọng liên quan đến tái cơ cấu Vinashin, Vinalines.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu vấn đề: Vinashin, Vinalines vẫn là gam mầu tối, để lại dư âm trầm buồn và hình ảnh méo mó về hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, TCty Nhà nước. Các DN này đã bàn giao lại cho nền kinh tế đất nước món nợ xấu khổng lồ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng trăm triệu đô la. Nhiều con tàu sẽ là đầu vào của các nhà máy sản xuất thép. Tại phiên chất vấn của các kỳ họp trước, Chính phủ bày tỏ quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu Vinashin, Vinalines nói riêng và các Tập đoàn, TCty Nhà nước nói chung. Cho đến nay lộ trình tái cơ cấu đề ra có đảm bảo hay không, thông điệp Phó Thủ tướng chuyển tới Quốc hội là tín hiệu vui hay chưa vui sau tái cơ cấu?


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về một số kết quả tái cơ cấu Vinashin, Vinalines

Còn lỗ rất nặng

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đây là câu hỏi rất lớn và rất khó. Nhưng với tinh thần công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội, chúng tôi xin báo cáo rõ hơn một số vấn đề lớn, như sau:

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập tháng 1 năm 1986. Lúc đó có Quyết định thành lập TCty Tàu thủy Việt Nam và quyết định ông Phạm Thanh Bình làm TGĐ. Đến tháng 5 năm 2006, thành lập thí điểm Tập đoàn này và quyết định ông Phạm Thanh Bình là Chủ tịch Tập đoàn. Chính phủ các thời kỳ trước và giai đoạn này đã phát hành trái phiếu 50 triệu đô la Mỹ đối với Tập đoàn.

Tập đoàn bị đổ bể trong nhiều phương diện, sản xuất kinh doanh, việc làm rồi thu nhập, v.v. Về chủ quan mà nói thì quản trị Tập đoàn lỏng lẻo, thất thoát, Nhà nước giao vốn, giao tiền, anh mở rộng khắp nơi, không quản lý.

Nguyên nhân thứ hai, chúng ta cũng phải nói đến là khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực. Trong khủng hoảng ảnh hưởng chung đến DN và người dân thì ảnh hưởng trực tiếp nhất là đến vận tải biển. Giá một tấn hàng trước đây có thể là 100 ngàn, bây giờ còn 10 ngàn thôi, thậm chí còn thấp hơn nữa. Báo cáo với Quốc hội, Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, cụ thể là đã bắt tạm giam Phạm Thanh Bình và những người có liên quan. Đã khởi tố bắt giam, đưa thi hành án 8 người trong Tập đoàn Vinashin. Các tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ninh, Nam Định khởi tố 18 bị can và đang quá trình tố tụng. Như vậy, có thể nói pháp luật đã xử lý nghiêm khắc những cán bộ trực tiếp quản lý vốn Nhà nước tại Tập đoàn. Trung ương khóa X và Quốc hội Khóa XII đã nghe báo cáo này.

Như chúng ta biết chủ trương của Bộ Chính trị là tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin tại Kết luận 81 của Bộ Chính trị. Như thế là chúng ta tiến hành tái cơ cấu trong giai đoạn bị khủng hoảng, kinh tế thế giới khó khăn và thị trường vận tải giảm rất mạnh.

Kết quả tái cơ cấu đến nay có sự ổn định hơn và quản lý tốt hơn. Nó có điều lệ, có phương án sản xuất kinh doanh. Có 216 DN không giữ lại; sắp xếp được 36 DN. Lao động còn khoảng gần 29.000 người, giảm 41.000 người, số lao động còn lại 28.500 người này có việc làm đến hơn 74%. Số không có việc làm khoảng 25%. Kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm đã đóng, bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn với giá tiền là 1.215 triệu đô la Mỹ. Nếu như chúng ta không tiếp tục sản xuất, bàn giao được 170 tàu này thì số lỗ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng nữa.

Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn và các Bộ, ngành, NHNN, các đơn vị có liên quan tái cơ cấu lại nợ. Có 19 ngân hàng trong nước với điều kiện cụ thể đã giảm nợ cho Vinashin 70%, còn 750 triệu đô la và 600 triệu đô la mà DN tự vay thì cũng đang đàm phán, chúng ta giảm được 30%. Kết quả của tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng để chúng ta tái cơ cấu Vinashin. Bây giờ số nợ giảm rất nhiều, kể cả trong nước và nước ngoài.

Tình hình hiện nay như thế nào? Báo cáo với Quốc hội và ĐB Lê Như Tiến biết là còn lỗ rất nặng. Kết quả tái cơ cấu cũng còn chậm, còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tái cơ cấu có lợi hơn

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phương án tái cơ cấu đã được trình lên, đó là chỉ còn lại 8 DN nòng cốt đang hoạt động bình thường và phải chọn 8.000 lao động giỏi, có tay nghề cao để giữ lại. Đối với 216 DN không giữ thì chúng ta sẽ bán CPH, chuyển nhượng. 166 DN không còn vốn chủ sở hữu thì cho phá sản hoặc bán. Tinh thần phấn đấu đến năm 2015 ta xong chuyện những DN nhỏ lẻ này. Tính toán trở lại ta có kết quả như sau: Khi chúng ta đàm phán về tài chính thì đến 2022 chúng ta bắt đầu trả nợ và như thế thì đến 2016 thu phải cao hơn chi, đó là phương án tích cực, quyết tâm về tài chính. Đây là báo cáo của Tập đoàn đã được Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin thẩm tra, xem xét, báo cáo với Thủ tướng và Bộ Chính trị.

Cũng có ý kiến nói tại sao nó khó khăn lại không phá sản đi mà phải tái cơ cấu. Báo cáo với Quốc hội, giữa tái cơ cấu và phá sản việc nào lợi hơn. Chúng ta nên hiểu rằng Vinashin là một Tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu như phá sản thì Nhà nước vẫn phải trả nợ thay cho Vinashin. Chúng ta trả nợ thay như thế thì chúng ta vừa mất tiền, mất uy tín và đặc biệt là trên 30.000 gia đình không ổn định cuộc sống. Vì thế xét cho cùng tái cơ cấu vẫn có lợi hơn và có hướng đi tốt hơn. Chúng tôi cũng muốn báo cáo với Quốc hội, việc này có ai dám nói là thành công không, chúng tôi nghĩ rằng phải có niềm tin thị trường, không lẽ thế giới khủng hoảng mãi hay sao. Nếu thị trường phát triển, phục hồi thì nhất định các Tập đoàn kinh tế nói chung, đặc biệt là Vinashin với cách làm như vậy tình hình sẽ tốt hơn.

Về Vinalines cũng đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ. Báo cáo ĐBQH, năm 2012 doanh thu là 2.120 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 674 tỷ đồng. Năm 2013 đã thoái vốn đầu tư tại 16 DN, hoàn thành CPH 4 DN, đã hoàn thành phương án tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu nợ, đã bán được một số tàu cũ không hiệu quả, đã bố trí lại nhân sự. Đặc biệt đã trình Chính phủ ban hành được điều lệ hoạt động, quy chế hoạt động của DN, tăng cường kiểm soát nội bộ. Năm 2014 tiến hành CPH một số cảng như Cảng Sài Gòn, Cam Ranh, các Cty vận tải biển container Vinalines thoái vốn tại 14 DN.

“Những công việc của Vinalines mạnh mẽ hơn, có xu hướng phục hồi nhanh hơn dù hiện nay vẫn lỗ, vẫn còn khó khăn về thị trường nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ vượt qua” – Phó Thủ tướng cho biết.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất