| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền cơ sở: Câu chuyện dài đáng bàn

Thứ Hai 27/09/2010 , 07:00 (GMT+7)

Theo dõi loạt bài “Dân mong gì ở cán bộ”, TS Diệp Văn Sơn - người có nhiều năm theo dõi hoạt động của chính quyền nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng đã đóng góp một số ý kiến để làm rõ thêm thực trạng của bức tranh về chính quyền cơ sở, mà không ai khác người vẽ ra bức tranh ấy là cán bộ của chính quyền cơ sở.

Ảnh chỉ mang tính minh họa cho bài viết

LTS: Theo dõi loạt bài “Dân mong gì ở cán bộ”, TS Diệp Văn Sơn - người có nhiều năm theo dõi hoạt động của chính quyền nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng đã đóng góp một số ý kiến để làm rõ thêm thực trạng của bức tranh về chính quyền cơ sở, mà không ai khác người vẽ ra bức tranh ấy là cán bộ của chính quyền cơ sở. Chúng tôi cũng xin kết thúc loạt bài nêu trên ở đây để thực hiện chuyên đề khác. 

>> Phải dùng người tài
>> Cán bộ về, miềng khóc nhiều đó...
>> Nhắn nhủ cái đầu luôn đổi mới
>> Ngàn lẻ chuyện quanh “top 4C”
>> Tai họa những quyết định ngẫu hứng
>> Rượu chè, bài bạc, con rơi...
>> Chuyện Chủ tịch xin từ chức& Bí thư xã đi xe Lếch - xù
>> Bản ''sớ'' 22 điều& chuyện quan ''rụng'' ở Cộng Hòa
>> ''Bom phân'' & đòn tinh thần
>> Tìm được cán bộ đàng hoàng khó quá
>> Hai mặt lá phiếu, lá đơn
>> Dân mong gì ở cán bộ?

Ruộng đất và đất đai nói chung xưa nay là một lĩnh vực có thể nói vô cùng nhạy cảm. Chính vì vậy trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã tập hợp được triệu triệu người dưới ngọn cờ cách mạng, biết bao người đã ngã xuống vì lý tưởng này! Ngày nay, bước sang một giai đoạn cách mạng mới, khẩu hiệu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh” đã quy tụ, tập hợp, đoàn kết, thu phục nhân tâm cả cộng đồng và toàn xã hội, kể cả những người còn dị biệt về chính kiến.

Thế nhưng xung quanh chuyện đất đai vẫn tiềm ẩm một nguy cơ chia rẽ nhân tâm, xáo trộn từ trong gia đình, họ tộc đến xã hội, có nhiều khi một số nơi là cái cớ, có thể bị lợi dụng, gây ra sự đối lập cộng đồng với chính quyền... Có một nhà sử học từng cảnh báo trên diễn đàn Quốc hội: “Người nông dân mất đất là một nguy cơ của lịch sử”.

Xét nhiều phương diện, điểm qua một số vụ việc có thể chia sẻ với nhận định trên. Theo tổng kết của Thanh tra Nhà nước, có đến trên 80% vụ kiện tụng đông người gay gắt, phức tạp, kéo dài, vượt cấp... là xung quanh chuyện đất đai. Chạy theo giải quyết các khiếu kiện này đã chiếm hết thời gian vật chất của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, không còn thời gian để đầu tư cho suy nghĩ xây dựng phát triển kinh tế xã hội. Có ý kiến cho rằng, đó là hệ quả của việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tấc đất tấc vàng!

Kinh tế thị trường bản thân nó không có lỗi. Có lỗi chăng là lỗi ở chính sách, thể chế chưa đủ, còn kẽ hở, bất cập, không đủ sức điều hành thị trường bất động sản nói chung trong đó có đất đai trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Có lỗi chăng là trong việc điều hành xử lý cụ thể của các cấp chính quyền, của từng công chức thi hành công vụ... Chưa thật sự lắng nghe dân, tuyên truyền giải thích, chưa thật sự là công bộc, có lúc xa rời bản chất của chính quyền của dân do dân vì dân…Thật khó biện minh cho hành động cấp phép cho đến 166 sân golf, thậm chí định xóa bỏ trung tâm nghiên cứu sản xuất tinh đông lạnh bò giống để làm sân golf trong khi vẫn hô hào vì sự nghiệp nông thôn, nông dân và nông nghiệp! Trong thời gian qua, mỗi năm cả nước mất đi gần 7 ngàn hecta đất ruộng cho mục đích xây dựng cơ sở công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Theo tính toán mỗi hecta là công ăn việc làm của 10 lao động nông nghiệp. Điều này là một cảnh báo đối với nạn thất nghiệp ở khu vực nông thôn ngày càng trầm trọng gay gắt và chủ trương bảo đảm an ninh lương thực…

Thật ra người dân rất sòng phẳng, có truyền thống xử lý các mối quan hệ về lợi ích giữa cá nhân, cộng đồng rất hài hòa, hợp lý, lòng nhân ái luôn tràn đầy thời nào cũng có. Vẫn còn đấy nhiều tấm gương, địa phương nào cũng có, các bà mẹ tuy nghèo vẫn tự nguyện hiến đất xây trường, nhiều hộ có đất cho các hộ nghèo không đất, mượn đất sản xuất vài ba vụ để thoát nghèo... vấn đề là cán bộ, công chức chính quyền phải gần dân, lắng nghe nguyện vọng, kiên trì và biết cách giải thích, hạn chế tối đa việc sử dụng biện pháp hành chính tùy tiện... đặc biệt là chính sách vi mô phải gắn được quyền lợi trực tiếp của dân với đất, dù đã chuyển mục đích sử dụng.

Nhà nước đối với người nông dân ở nông thôn ở xa lắm, đối với họ không ai khác chính là ông HĐND, ông Chủ tịch, ông Công an, ông Địa chính, ông Tư pháp, Thuế vụ, ông Trưởng ấp... Thế nhưng thực trạng của chính quyền cơ sở ở nông thôn hiện nay là câu chuyện dài đáng bàn để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động điều hành của nó.

Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của chính quyền cơ sở cấp xã có thể khái quát ở các điểm sau đây:

Thứ nhất, HĐND cấp xã thực chất vẫn là cơ quan nặng về hình thức.

Do trình độ học vấn nói chung ở nông thôn thấp, cho nên rất khó cho người có đủ năng lực làm đại biểu. Trong khi đó số người có năng lực khá hơn, có học vấn lo làm kinh tế, không thiết tha tham gia chính quyền. Mặc dù là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nhưng HĐND trên thực tế vẫn không khẳng định được vị trí của mình trong thực tiễn hoạt động.

Thứ hai, tính chất hình thức của các nghị quyết do HĐND xã thông qua đã không tạo ra được các cơ sở thực tiễn đối với việc chấp hành của UBND.

Khả năng kiểm soát của HĐND xã đối với hoạt động của UBND là rất hạn chế. Mặt khác, là cơ quan hành chính Nhà nước ở cơ sở, UBND xã lại hoạt động gần như chủ yếu làm theo các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Chính quyền cấp xã về mặt hình thức pháp lý, quyền hạn và trách nhiệm dường như rất nhiều nhưng hầu hết lại không được xác định cụ thể. Đặc biệt chưa có sự phân biệt giữa hai nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cơ sở là quản lý Nhà nước và quyền tự quản của cơ sở. Chính sự lẫn lộn giữa nhiệm vụ và quyền hạn giữa quản lý nhà nước và tự quản ở cơ sở đã không phát huy được vai trò của chính quyền cơ sở về phương diện quản lý nhà nước và phương diện tự quản.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay ở khu vực rất đông nhưng lại không mạnh, vừa thừa lại vừa thiếu.

Hầu hết cán bộ ở cơ sở chỉ được đào tạo cơ bản về chính trị chung chung, ít được đào tạo về nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước. Ở một số xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, cán bộ không biết xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Cán bộ xã khá lúng túng trong triển khai hoạt động, thụ động chờ đợi sự hướng dẫn của cấp trên, do vậy giải quyết công việc kém hiệu quả, nhiều khi không đúng luật pháp.

Thứ tư, chính quyền cơ sở chưa thật chủ động về ngân sách.

Tính không hoàn chỉnh về cấp ngân sách của chính quyền cơ sở, sự yếu kém về tổ chức bộ máy và năng lực cán bộ làm cho công tác điều hành ngân sách xã rất lúng túng và khó khăn. Chế độ tài chính công ở cấp chính quyền cơ sở không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nông thôn hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu tìm giải pháp cải cách chế độ tài chính công ở cấp hành chính - lãnh thổ cơ sở ở nước ta, nhằm tạo ra cơ sở tài chính thích hợp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như các nhiệm vụ tự quản trên địa bàn.

Nhiều địa phương các tỉnh thuần nông độc canh cây lúa (chính sách an ninh lương thực) cho nên ngân sách của đa số xã không đủ trang trải hoạt động.

Tất cả những bất cập trên đây  được minh chứng qua số liệu thống kê chất lượng của cán bộ cơ sở. Qua số liệu đưa đến các nhận xét sau:

So với yêu cầu của Nghị quyết TW3 Khóa VIII, đến năm 2005 cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phải có 100% có trình độ học vấn tốt nghiệp phổ thông trung học (hiện nay là 66,9%); trình độ lý luận chính trị đến năm 2005 phải có 100% cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên (hiện nay là 76,8%); trình độ quản lý nhà nước yêu cầu đến năm 2010 phải có 100% cán bộ chủ chốt được đào tạo kiến thức quản lý nhà nước và kinh tế (hiện nay là 48,5%, riêng kiến thức kinh tế chưa được đào tạo); trình độ chuyên môn nghiệp vụ yêu cầu năm 2005 có 5%, năm 2010 có 30% cao đẳng đại học (hiện nay là 3,9%). Rõ ràng là để đáp ứng các chỉ tiêu trên, các địa phương phải phấn đấu tạo điều kiện cho cán bộ cấp cơ sở được đào tạo bồi dưỡng một cách tích cực.

Thiết nghĩ rất cần có những giải pháp căn cơ nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở để cho nó đủ sức triển khai các chủ trương chính sách trên địa bàn nông thôn.

Thứ nhất, công khai minh bạch mọi hoạt động của chính quyền trước nhân dân, có cơ chế bảo đảm để cho nhân dân tham gia thảo luận, quyết định và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.

Thứ hai, nâng cao năng lực giám sát của HĐND xã.

Thứ ba, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút được sinh viên được đào tạo bài bản tham gia chính quyền cơ sở.

Thứ tư, xây dựng chương trình riêng thích hợp để đào tạo từng chức danh chủ chốt như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Mặt trận... đặc biệt là đối với 4 chức danh Văn phòng, Tài chính, Địa chính và Tư pháp.

Thứ năm, thi tuyển công khai, cạnh tranh vào làm công chức xã, tiến đến bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã.

Bác Hồ có nói: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Đây là một chân lý, chân lý đã được kiểm chứng qua các giai đoạn cách mạng.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.