| Hotline: 0983.970.780

Chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nghèo: Chỉ 3% người nghèo được thụ hưởng

Thứ Năm 01/12/2011 , 09:58 (GMT+7)

Chỉ 3% người nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ dạy nghề!

Suốt 5 tháng tiến hành khảo sát tại 4 tỉnh Hà Giang, Đăk Lăk, Khánh Hòa và An Giang, các chuyên gia của Viện Khoa học lao động và xã hội (thuộc Bộ LĐTB-XH) đã ghi lại được khá nhiều bất cập trong các chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nghèo.

Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo từ năm 2006- 2010 ghi rõ: có 150.000 người nghèo được miễn, giảm học phí học nghề. Những người này sẽ có việc làm ổn định phi nông nghiệp có thể là tự làm hoặc làm thuê cho một cơ sở sản xuất kinh doanh nào đó. Thế nhưng, theo ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, ý tưởng về chính sách là rõ ràng và phù hợp, tuy nhiên, đang có nhiều văn bản hướng dẫn để triển khai chưa hoàn toàn rõ đã gây khó khăn cho nhiều địa phương, người dân nghèo.

Đó là chỉ tiêu đặt ra về dạy nghề cho lao động nghèo khá thấp (trước khi có quyết định 1956) nên thực tế tỷ lệ bao phủ của chính sách này không rộng. Hiện chỉ có khoảng 3% người nghèo nói chung và 6,3% người nghèo là dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách, có 10% người nghèo không biết có chính sách này.

Ngoài ra, tiến độ thực hiện phần dạy nghề bị muộn do mới bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2007 (mục tiêu đề ra từ năm 2006) và tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 40% kế hoạch. Khi tham vấn tại Khánh Hòa, các chuyên gia của Viện nhận thấy rằng, chính quy định cứng nhắc tỷ lệ 20% đối tượng là người nghèo đã gây khó khăn cho đơn vị thực hiện, nhất là tại địa phương có tỷ lệ nghèo thấp. Tại nhiều tỉnh như Hà Giang, người nghèo rất ít cơ hội tiếp cận việc làm phi nông nghiệp do không có DN SXKD trên địa bàn.

Nhiều tỉnh và huyện tuy được phân bổ ngân sách và các chỉ tiêu về dạy nghề và tạo việc làm nhưng rất khó thực hiện được do thiếu người để đào tạo, thiếu nhu cầu đào tạo và thiếu cơ hội việc làm cho những người đã được đào tạo. Vì vậy, có một số tỉnh đã “gỡ rối” bằng cách thuê DNTN thực hiện dạy nghề theo một hợp đồng: đào tạo 20-25 lao động dân tộc thiểu số hoặc lao động nghèo trong vòng 3 tháng và sau đó phải tuyển dụng họ sau khi hoàn thành khóa học (ví dụ như Cty Trường Thành SX đồ gỗ tại Đăk Lăk).

Bức tranh về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nghèo cũng đang có xu hướng thiên về đảm bảo số lượng người được tham gia chứ chưa coi trọng về chất lượng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người học xong nhưng không biết làm gì. Khi phỏng vấn tại xã Định Thành (Thoại Sơn, An Giang), một số học viên tâm sự: "Cho học may công nghiệp nhưng phải đi làm ở vùng khác vì xã mình không có Cty may, người nghèo lại không muốn đi làm xa. Những lớp sửa xe cũng không phù hợp lắm nên chỉ đi làm mướn là phổ biến".

Cũng theo phản ánh của địa phương, ngân sách dành cho dạy nghề thường phân bổ cuối năm dẫn đến tình trạng: địa phương phải cố gắng tổ chức lớp học để giải ngân kịp thời khiến nội dung học không đáp ứng được nhu cầu thực và nguồn vốn được sử dụng kém hiệu quả. Do kinh phí thường được cấp vào cuối năm nên các lớp cùng phải mở trong thời gian đó. Chính vì vậy, thời điểm dạy nghề không phù hợp, lúc nhàn rỗi thì không mở lớp, lúc vào vụ thì nhiều lớp mở học mở liên tiếp.

Thậm chí, tại Hà Giang còn có cảnh nhiều người nghèo có trình độ thấp, chưa tốt nghiệp THPT nên không thể học ngoại ngữ để có thể đi xuất khẩu lao động theo chương trình xóa đói giảm nghèo. Bất cập trong hỗ trợ đào tạo nghề còn thể hiện trong chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Trong quá trình khảo sát, các chuyên gia ngạc nhiên hơn khi có hộ nghèo có thể thụ hưởng tới 12 chương trình ưu đãi tín dụng. Nguyên nhân bởi có quá nhiều chính sách ưu đãi cùng tồn tại, với quy định cụ thể về đối tượng thụ hưởng.

Việc cho phép một hộ được vay nhiều chính sách tín dụng sẽ làm nhu cầu vốn phát sinh ngày một lớn mà giảm hiệu quả của chính sách.
Ông Chung cho hay, để tháo gỡ dần những bất cập trên trong năm tới, Viện đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp như: cần có đánh giá về hiệu quả của công tác xác định đối tượng của chính sách này khi mà phần lớn người nghèo thường không có tư liệu sản xuất, không có sức lao động để có thể hỗ trợ hiệu quả nhằm thoát nghèo. Kế hoạch về nguồn lực cần được thông báo và phân bổ từ đầu năm (thậm chí cho vài năm) để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dạy nghề theo định hướng: dạy nghề gắn với tạo việc làm.

Ngoài ra, đề án cũng cần mở rộng cho lao động nghèo ở khu vực thành thị. Cần thống nhất định mức hỗ trợ cho học sinh tham gia cùng một lớp học nghề, không phân biệt học sinh là dân tộc Kinh hay thiểu số. Chính phủ cũng cần nâng định mức hỗ trợ cho học nghề để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người đi học.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.