| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 16/03/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 16/03/2017

Chính sách về vỉa hè, cần có với những người chiếm dụng để mưu sinh

Vỉa hè các thành phố bị chiếm dụng đã có từ lâu rồi. Thậm chí, dù ai ai cũng biết thừa rằng việc chiếm dụng như thế là sai quy định, song hầu hết mọi người xưa nay đều gần như phải mặc nhiên thừa nhận.

Có một thực tế là trong khoảng 2 - 3 chục năm nay, nhất là từ khi đất nước thực sự chuyển mình vào “guồng quay” của kinh tế thị trường, thì cũng đã có rất nhiều “đợt cao điểm” mà chính quyền vận động và tổ chức ra quân để “giành” lại vỉa hè. Nhưng rồi đều chỉ “đòi” được chừng 1 - 2 ngày trong thời điểm cao trào, sau “đâu lại hoàn đó”, mọi việc vẫn y nguyên như cũ.

16-38-47_bn-nuoc-vi-he
Một hàng trà đá vỉa hè
 

Tại sao thế?

Để phân tích rạch ròi, thì cần xác định những ai có quyền hợp pháp để sử dụng vỉa hè?

Trong tất cả những quy định của mọi cấp chính quyền, dù ở trong hay ngoài nước, về việc thiết kế để xây dựng vỉa hè đô thị - thì nguyên tắc trước hết và trước nhất, là đều phải theo hướng ưu tiên dành cho người đi bộ.

Cần khẳng định, chủ trương “giành lại” vỉa hè của chính quyền các thành phố, các đô thị thời gian qua là một chủ trương tốt. Nó hoàn toàn đúng với mục đích, chức năng của vỉa hè, phù hợp với các quy định của pháp luật về việc sử dụng vỉa hè.

Khẩu hiệu “Trả lại vỉa hè cho người đi bộ” được nêu ra gần đây, đã được tuyệt đại đa số dân chúng rất ủng hộ, vì đó là chức năng chính của vỉa hè. Việc chiếm dụng vỉa hè là một trong các nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông cho người đi bộ, tình trạng lộn xộn, nhếch nhách, gây mất trật tự an ninh, mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, một chính sách dù tốt đến đâu và đem lại những tác động dù kết quả tích cực thế nào cho xã hội, cho đa số dân chúng, thì cũng sẽ có những ảnh hưởng, hệ lụy xấu đối với một số người.

Đó là bộ phận tham nhũng trong chính quyền vẫn đều đặn “thu tô” theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo “đợt cao điểm”, để “bảo kê” và “chống lưng” cho các cơ sở, cá nhân sử dụng trái phép hè đường, lòng lề đường. Giải quyết chuyện này, cần đến “chí công vô tư” thực sự của các cơ quan công quyền.

Nhưng gây trăn trở nhất, đáng suy nghĩ nhất nhằm nhanh chóng đề ra được những biện pháp cụ thể và hiệu quả, giảm thiểu tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực cho những người bị “ném ra hè đường”, đang khốn khó mưu sinh dựa vào vỉa hè, lòng lề đường bởi hệ quả của những chính sách khác - các nông dân phải ly hương ra đô thị, những người nghèo thất nghiệp ở thành thị.

Cần có đối thoại thật sự thẳng thắn và cởi mở giữa chính những người hiện đang có nguồn thu nhập chính dựa vào việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè cùng các cư dân sống tại khu vực, với chính quyền. Trên cơ sở đó, có sự tham gia của các nhà chuyên môn trong việc tư vấn, tham mưu cho chính quyền để tổ chức, sắp xếp lại các điểm giao thông tĩnh, các khu buôn bán, "chợ cóc, chợ tạm".

Đó là những việc nên làm ngay!