| Hotline: 0983.970.780

Chợ đầu mối Long Biên có thể sớm bị "xóa sổ"

Thứ Hai 28/06/2010 , 16:14 (GMT+7)

Với chức năng chợ đầu mối loại 1 lại ở trung tâm thành phố Hà Nội, chợ Long Biên đang quá tải trầm trọng...

Chợ đầu mối Long Biên
Với chức năng chợ đầu mối loại 1 lại ở trung tâm thành phố Hà Nội, chợ Long Biên đang quá tải trầm trọng, dẫn đến không đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nhưng giải bài toán này như thế nào là điều không đơn giản.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm

Chợ Long Biên nằm trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình với diện tích 27.148m2, trong đó diện tích phần chợ cũ là 21.870m2, diện tích bến xe tải, xe khách cạnh chợ 5.278m2 được bố trí chợ nông sản thực phẩm đêm.

Tổng số hộ kinh doanh tại chợ là 1.087 hộ, trong đó ngành hàng hoa quả chiếm tỷ lệ 38%, rau củ quả chiếm 39%.

Đại diện ban quản lý chợ Long Biên cho biết đây là chợ đầu mối hoa quả lớn của thành phố, cung cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc. Ngoài ra, chợ còn là đầu mối hàng nông sản thực phẩm.

Với đặc thù hoạt động 24/24 giờ, lưu lượng hàng hoa quả, rau củ quả... qua chợ đạt khoảng 300 tấn; vào các ngày rằm và mùng 1 lưu lượng thường tăng gấp đôi. Vì vậy, hằng ngày có hàng trăm xe trọng tải lớn đưa hoa quả thực phẩm từ các tỉnh đến những hộ kinh doanh trong chợ.

Cũng từ chợ này, hàng ngày có hàng nghìn xe thô sơ, xe trọng tải nhỏ chuyển hoa quả đi các nơi trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đấy là chưa kể đến hàng nghìn người buôn bán nhỏ đến mua các sản phẩm hoa quả tại chợ.

Lượng người, xe cộ ra vào đông khiến công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường gặp những khó khăn nhất định, lượng rác thải trong chợ mỗi ngày rất lớn.

Thành phố đã có nhiều văn bản dãn bớt hoạt động kinh doanh bán buôn tại chợ Long Biên về các chợ đầu mối (như chợ đầu mối phía Nam, Bắc Thăng Long), tăng cường quản lý hoạt động của chợ, di chuyển bến xe tải, xe khách cạnh chợ dành diện tích bố trí sắp xếp chợ rau đêm gầm cầu Long Biên.

Đến ngày 7/12/2007, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có quyết định phân loại lại chợ Long Biên thành loại 2 và chuyển đổi công năng là chợ dân sinh bán lẻ, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình là đơn vị quản lý trực tiếp và toàn diện chợ Long Biên, lập phương án chuyển đổi chợ từ bán buôn thành bán lẻ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được việc chuyển đổi chợ từ bán buôn thành bán lẻ theo quyết định trên của Ủy ban Nhân dân thành phố. Do đó, với tình hình kinh doanh hiện nay, cơ sở hạ tầng chợ hiện xuống cấp không đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Giảm tải sang các chợ đầu mối

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết để khắc phục tình trạng quá tải của chợ Long Biên, đảm bảo vệ sinh môi trường và văn minh thương mại, từ năm 2005-2009, Sở Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, ban quản lý chợ Long Biên triển khai nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng chợ với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng; bố trí sắp xếp hợp lý khoa học các ngành hàng kinh doanh.

Hàng năm, các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ cho cán bộ làm công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố.

Với mục tiêu ổn định an ninh trật tự, dãn bớt hoạt động kinh doanh bán buôn tại chợ Long Biên ra chợ đầu mối phía Nam, Bắc Thăng Long và thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ đầu mối và bãi đỗ xe Đền Lừ với tổng diện tích 63.389m2.

Đến nay, Sở Công Thương đã đôn đốc, hướng dẫn Tổng công ty ổn định hoạt động kinh doanh, tổ chức ký lại hợp đồng với các hộ kinh doanh, quy hoạch sắp xếp khớp nối hạ tầng toàn bộ chợ đầu mối, bãi đỗ xe Kim Ngưu 1 (tổng diện tích 45.114m2), hình thành khu thương mại chủ yếu là trung chuyển hàng hóa hoa quả vào nội thành và đi các tỉnh, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 xe tải trọng lớn qua chợ, góp phần không nhỏ giảm tải chợ Long Biên.

Sẽ không còn tồn tại

Năm 2010, Sở Công Thương đã phối hợp các cơ quan liên quan đôn đốc, hướng dẫn Tổng công ty Thương mại Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng mở rộng chợ đầu mối với diện tích 8.000m2 phía sau chợ đầu mối cũ (hiện trạng đang là đất nông nghiệp được quy hoạch là đất công cộng) hình thành chợ đầu mối với tổng diện tích 71.389m2, tổng thể thiết kế toàn chợ gồm một nhà lồng 5.000m2 tại phần đất bãi xe Kim Ngưu 2 để đưa các hộ kinh doanh bán buôn có nhu cầu ở chợ Long Biên vào đây.

Đối với phần diện tích 8.000m2, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đầu tư xây dựng khu vực kinh doanh bán buôn thủy hải sản.

Như vậy, chợ đầu mối phía Nam mở rộng sau khi hoàn thành với các chức năng trung chuyển phát luồng hàng hoa quả, nông sản thực phẩm, thủy hải sản, khu xe tải sang mạn, khu kho chứa hàng, khu dịch vụ... sẽ đáp ứng tiêu chuẩn chợ đầu mối văn minh thương mại, mỹ quan đô thị phía Nam thành phố, cơ bản giải quyết tình trạng quá tải của chợ Long Biên.

Đồng thời, các đơn vị sẽ tổ chức sắp xếp lại các khu vực kinh doanh trong chợ Long Biên theo hướng các hộ kinh doanh bán buôn (nhất là hộ kinh doanh hàng hoa quả), kinh doanh quy mô lớn thường xuyên sử dụng phương tiện vận tải có tải trọng lớn đăng ký và di chuyển địa điểm kinh doanh vào các chợ đầu mối (Đền Lừ, Bắc Thăng Long...).

Các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên chỉ thực hiện kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng cho nhân dân; phân chia lại diện tích các điểm kinh doanh trong các dãy nhà cầu chợ, tuỳ theo đặc điểm riêng của từng ngành hàng, để chia diện tích cho phù hợp với quy mô chợ dân sinh.

Về lâu dài, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố liên quan, Ủy ban Nhân dân các quận huyện xây dựng “Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 2020, tầm nhìn 2030”, đến nay đã được nghiệm thu cơ sở.

Tại địa bàn quận Ba Đình sẽ có hai trung tâm thương mại, năm trung tâm mua sắm, sáu siêu thị và năm chợ.

Đặc biệt, chợ Long Biên không còn tồn tại, chức năng bán buôn di chuyển vào các chợ đầu mối bán buôn của thành phố (đầu mối phía Nam, Bắc Thăng Long..), bán lẻ sẽ đưa vào khu vực chợ Đồng Xuân-Bắc Qua.

Cũng theo quy hoạch, hệ thống chợ đầu mối nông sản chuyên doanh trên địa bàn thành phố gồm 8 chợ, có quy mô diện tích từ 15.000-500.000m2, thiết kế đồng bộ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, vị trí đặt ở các đường giao thông hướng vào thành phố, cụ thể tại các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, các huyện Gia Lâm, Ứng Hòa, Mê Linh, Thường Tín, Ba Vì và Từ Liêm.

Với việc hình thành hệ thống chợ đầu mối có vai trò thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh của khu vực, ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác, thành phố sẽ kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và văn minh đô thị.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.