| Hotline: 0983.970.780

Cho dòng Ngàn Trươi chảy về muôn nẻo

Thứ Sáu 10/01/2014 , 11:05 (GMT+7)

Hai tiếng Ngàn Trươi cất lên, gợi cho chúng ta một cảm nhận đẹp về một miền rừng núi thâm u với những dòng suối trong vắt và những cánh rừng bạt ngàn soi bóng sông Ngàn Sâu.

Hai tiếng Ngàn Trươi cất lên, gợi cho chúng ta một cảm nhận đẹp về một miền rừng núi thâm u với những dòng suối trong vắt và những cánh rừng bạt ngàn soi bóng sông Ngàn Sâu. Những tên núi, tên sông đã từng đi vào “dáng hình xứ sở”, nay lại thêm một lần huyền thoại bởi công trình đại thủy nông Ngàn Trươi - Cẩm Trang ngăn dòng, sẽ tích tụ nguồn tài nguyên vô giá tưới mát cho vạn vật cây cối xanh tươi.

Nơi mạch nguồn vô tận

Đứng trên núi Cẩm Lành nhìn về phía suối Nậm Chân, phóng tầm mắt xa xa là khe Xa Vách; chạm mốc 3 đến mốc 4 là núi Mạn Đài… Tất cả đang ngày đêm không ngừng sinh thủy để tạo thành dòng Ngàn Trươi thơ mộng.

Kĩ sư Trần Duy Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, cùng đồng hành và kể với chúng tôi rằng, để có được công trình đại thủy nông Ngàn Trươi - Cẩm Trang ra đời là một cuộc cách mạng mang tính đột phá trên mảnh đất nghèo Hà Tĩnh.

Những năm đầu của thế kỷ 20, người Pháp đã đặt chân đến đây, với ý định sẽ chặn dòng sông Ngàn Trươi để làm đập thủy điện, thủy lợi cung cấp nước SX, sinh hoạt cho cả một khu vực rộng lớn tại miền Trung. Và, kể từ đó đến nay, đã qua hơn một thế kỷ, qua bao thế hệ lãnh đạo vẫn mơ ước một công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang ra đời sẽ đổi đời cho hàng vạn dân cư nơi miền xuôi thiếu nước.


Trên công trường Đại thủy nông Ngàn Trươi - Cẩm Trang

Kĩ sư Chiến nói tiếp: Nơi chúng ta đang đứng, một ngày không xa nữa sẽ trở thành hồ trên núi với tổng diện tích lưu vực 408 km2, dung tích chứa 932,7 triệu m3, trong đó phần hữu ích 704 triệu m3, dung tích chết 71,7 triệu m3, phòng lũ 157 triệu m3...

Có thể nói, cả một lượng nước khổng lồ trên, hàng ngàn năm nay đã phung phí theo sông xuôi về biển cả; trong lúc đó, hàng vạn dân cư phía dưới vẫn chịu cảnh thiếu nguồn nước nghiêm trọng; nhiều diện tích SX nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng thiếu nước ngọt đời này qua đời khác…

Nay, khi Ngàn Trươi được chặn dòng, Hà Tĩnh sẽ có một kho nước qúy như vàng, góp phần quan trọng vào việc phát triển đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao đời sống người dân với một tương lai no ấm, đủ đầy.

Sau khi ngăn đập, không những có nguồn nước phục vụ SX và sinh hoạt mà còn có thêm công trình thủy điện với công suất phát điện từ khoảng 15 MW. Đặc biệt, sẽ giảm lũ trên sông Ngàn Sâu và an toàn cho cả hệ thống đê La Giang. Nhiều khu dân cư làng mạc vốn ngàn đời ngập lụt, nay sẽ được bình yên khi mùa lũ về.

Chảy mãi đi, sông ơi!

Rời thượng nguồn, chúng tôi trở về nơi công trình ngăn đập và được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương với hàng trăm xe máy, hàng trăm kĩ sư, công nhân đang hối hả cho việc chặn dòng.

Trưởng ban Thủy lợi 4, thuộc Bộ NN-PTNT (chủ đầu tư hợp phần đầu mối), Trần Quốc Việt cho biết: Trong mấy ngày qua, phía thi công không kể ngày đêm, bất chấp mưa nắng làm việc liên tục 3 ca tập trung thi công đê quai thượng, đắp đê quai hạ, lắp đặt các trạm bơm và tập kết tất cả vật liệu cần thiết cho việc chặn dòng.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ hạng mục đập chính, hạng mục tuynel số 1 cũng được nhà thầu triển khai đổ xong bê tông hầm, cửa nhận nước và phần thượng lưu của công trình. Phần xả lũ sau công trình cũng đã được thi công đến cao trình 30 m. Công trình tuynel số 2 đã cơ bản hoàn thành cửa vào, cửa ra.

Hạng mục tràn xả lũ đã bàn giao mặt bằng đi vào thi công đào móng… 2.000 m3 đá hộc với hơn 20.000 m3 đất cũng đã được tập kết. Tất cả đang ở giai đoạn nước rút hướng tới thời khắc chặn dòng bước 1 vào ngày 11/1/2014…

Rời nơi công trường đầu mối huyên náo, chúng tôi được ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT kiêm Trưởng ban Quản lý dự án Hợp phần kênh tưới, cho biết: Hợp phần hệ thống kênh tưới đã được xử lý xong phần giải phóng mặt bằng. Hiện đơn vị đã triển khai cho các nhà thầu thi công tuyến kênh đoạn từ đập dẫn Vũ Quang đến xi - pông Đức Hương, dài khoảng 7,5 km.

Sau đó sẽ tiếp tục thi công kênh chính về Đức Long, hòa vào K5+516 kênh chính Linh Cảm, dài 17 km. Và, khi nguồn nước từ Ngàn Trươi đổ về, hệ thống trạm bơm điện Linh Cảm sẽ được nghỉ ngơi bởi nước Ngàn Trươi luôn tự điều tiết chảy về muôn ngả.

Ngoài trục kênh chính, dự án còn xây dựng 23 km kênh dẫn nước phục vụ tưới cho một số xã vùng giữa huyện Hương Sơn, 15 km kênh dẫn từ cầu Đồng về 6 xã phụ cận huyện Vũ Quang và 8 xã hạ huyện Hương Sơn.

Cũng theo ông Đức, sau khi hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cấp nước Ngàn Trươi sẽ đưa nước tưới cho trên 32.585 ha đất nông nghiệp, 5.991 ha thủy sản cho các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, TX. Hồng Lĩnh và một phần phía Bắc Thạch Hà. Đặc biệt, hệ thống này còn cấp nước phục vụ cho công trình dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và các khu công nghiệp khác.

Sau huyền thoại Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh thêm một công trình đại thủy nông đa mục tiêu mang tầm chiến lược quốc gia, xứng danh hai tiếng Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

Biết rằng, công trình Ngàn Trươi - Cẩm Trang ra đời, đi kèm đó là sự hi sinh lớn lao của 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời và gần 3.000 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Vũ Quang sẽ phải nhường chỗ thay cho lòng hồ tích trử nguồn nước.

Nhưng sự hi sinh đó sẽ được đền đáp bởi khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ phục vụ cho hàng vạn dân cư nơi miền xuôi đang trông ngóng dòng nước mát đổ về cũng như sự phát triển của các khu công nghiệp của tỉnh đang đêm ngày mong đợi.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.