| Hotline: 0983.970.780

Cho em

Thứ Hai 21/06/2010 , 07:15 (GMT+7)

Dưới đây là câu chuyện được viết ra bởi một cô gái trẻ ở xóm Quang Vinh, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Ảnh minh họa
Dưới đây là câu chuyện được viết ra bởi một cô gái trẻ ở xóm Quang Vinh, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Kỳ thi năm ngoái em thiếu nửa điểm thì đỗ vào ngôi trường mà em có thể trở thành nhà báo như mong ước. Hiện em đang ôn thi lần nữa, và vẫn theo đuổi giấc mơ được cầm bút. Em sẽ cho chúng ta thấy một khả năng, một cái nhìn, một vùng một niềm trắc ẩn và một nhịp cầu.

Hy vọng kỳ thi năm nay em sẽ thành công và khoản nhuận bút này sẽ giúp em chút lộ phí đường dài, như một sự tri ân từ tòa báo và người phụ trách chuyên mục.

Dạ Hương

- Chán thật! Lại hết mực. Nhờ mẹ mua thì mẹ lại quên suốt, mẹ ơi là mẹ!

Tôi hay độc thoại câu đó mỗi lúc đang viết bài mà bút hết mực. Chiều nay cũng thế, tôi đành gấp vở lại. Mở cặp tìm chiếc ví con. May quá, tháng này vừa nhận nhuận bút của một tờ báo ngoài Hà Nội. Chẳng có đồng lẻ nào nên tôi đành rút tờ 20.000 đồng để mua hai chiếc bút. Chạy vụt ra cổng tôi mới nói vọng vào nhà:

- Thùy ơi! Trông hộ nhà cho chị lát nhé!

- Dạ!

Đó là cô em họ tôi, thường ra nhà tôi chơi mỗi chiều.

Mùa hè, trời về chiều mát mẻ, những cơn gió nhè nhẹ thoáng qua làm tan cái nóng nực trong suốt một ngày dài. Tôi yêu đường làng quê tôi lắm, thẳng tắp giữa cánh đồng đang mùa trổ bông thơm dịu. Có lẽ đó là khoảnh khắc chân quê nhất mà tôi vừa được thấy và sau này dù có đi đâu tôi vẫn không thể nào quên. Mải nghĩ nên chạm chân đến quán cụ Hai lúc nào tôi cũng không hay. Cụ định uống nước thì nghe tiếng tôi:

- Cụ ơi, bán cho cháu hai chiếc bút!

Cụ đặt bát chè xanh xuống:

- Thương đấy à? Lấy bút màu gì thế cháu?

- Dạ, màu đen cụ ạ!

Tay cụ Hai đã run. Tôi rút tiền ra trả nhưng cụ bảo cầm tiền về đi vì cụ không có tiền lẻ, bao giờ có thì đưa cũng được. Tôi cảm ơn cụ rồi nhét cả bút và tiền vào một túi. Vừa bước chân ra khỏi quán tôi sực nhớ ra hôm trước mẹ tôi có biếu cụ chục trứng gà nên chắc hôm nay cụ không lấy tiền bút của tôi. Tôi không biết làm gì hơn nữa, bởi tình cảm người dân quê tôi dành cho nhau là như thế đấy. Tôi ra về.

Đi được một đoạn, bỗng có tiếng gọi từ phía sau như là gọi tôi:

- Chị gái ơi! Chị ơi…!

Tôi quay lại. Cách tôi chừng hai mét là một cô gái chừng mười lăm tuổi áo quần nhếch nhác. Em dắt chiếc xe đạp mini một tay, còn tay kia chìa ra tờ 20.000 đồng:

- Tiền của chị rơi!

Em không cười, khuôn mặt đượm nét buồn, không tỏ vẻ nhanh nhẹn nhưng rất lịch sự. Tôi sờ tay vào túi, chỉ còn hai chiếc bút không.

- Ừ, cho chị xin! Cảm ơn em nhiều!

Tôi nhận tiền còn em thì nhìn cụp xuống. Ánh nắng chiều làm cho khuôn mặt thiếu nữ của em u buồn không tả nổi. Tôi thấy lạ. Tôi không nghĩ bởi vì em nhặt được tiền mà phải trả nên buồn. Tôi có cảm giác có cái gì đó thê thảm lắm đang chứa chan trong tâm hồn em đang chờ cơ hội được lên tiếng, được trào ra. Để xóa bầu không khí vướng víu này, tôi hỏi:

- Em đi học về à? Nhưng sao về muộn thế?

Em ngước nhìn tôi rồi nhìn xuống cái lốp xe sau như cầu cứu. Tôi đã hiểu.

- Từ trường về tới đấy có bao nhiêu là quán sửa xe. Sao em không mượn bơm mà bơm chứ? Dắt làm gì cho mệt?

- Bơm lên cũng chỉ đi được một đoạn thôi mà!

À, cái điều mà em nhỏ này gặp phải thì lại chưa bao giờ xảy ra với tôi vì suốt 12 năm tôi đi học, mỗi sáng bố tôi đều kiểm tra xe thật kỹ lưỡng cho tôi.

- Nhà em có xa không?

- Tận trong chân núi chị ạ. Nhưng em không có tiền vá xe!

Tôi dắt hộ em chiếc xe đạp, nghĩ thầm, đúng là em rất nghèo, nhìn thì biết. Nhưng những kẻ giàu hơn em thì có trả lại tiền nhặt được không?

Chúng tôi đi bên nhau một đoạn dài. Tôi sẽ tìm chỗ vá xe cho em. Em bẽn lẽn nhìn tôi:

- Tóc chị dài, đẹp nhỉ?

- Ừ, khi chị vào cấp Ba thì cô giáo lớp 10 bảo “Thiếu nữ đẹp nhất tóc dài, nó là hình dáng quê hương”. Chị để dài từ đó.

- Thế em lớp mấy rồi, thiếu nữ rồi, cố lên em nhé!

Hình như câu hỏi của tôi đã vô tình làm cho nỗi buồn trên khuôn mặt em đậm nét. Đôi mi dày của em gập xuống:

- Em học lớp 3!

- Sao lớp 3 mà lớn thế này rồi hả?

Em lại không nói. Lần đầu tiên em cười, một nụ cười trên khuôn mặt buồn, không phải là nụ cười thơ ngây của tuổi thơ hạnh phúc, nó chứa chất sự hổ thẹn và mặn chát. Tôi thấy lòng mình bất an.

“Quán” sửa xe của chú Nam là một mái che trên một khoảng đất trống. Nhà chú ở cuối làng, sáng chú hì hục mang đồ nghề ra đây, chiều tối lại thu về, một người nghèo trên mảnh đất quê nghèo, túng bấn nhưng bao giờ cũng cẩn thận.

- Chú Nam ơi, giúp cháu với!

- Xe cháu à? Giờ chú đang dở với chiếc xe máy đây, cháu để xe lại mai sang dắt được không?

- Dạ, xe của em này.

- Cháu ở xóm nào, có xa không?

- Dạ, cháu ở xóm Quang Hương ạ!

Nghe thế chú Nam biết nó đã xa dường nào. Chú nói với người đàn ông của chiếc xe máy:

- Bác có thể chờ thêm chút nữa chứ? Mình người lớn mình nhường trẻ con cho nó về sớm, nhé?

Ông khách gật đầu rồi thả hồn vào chiếc máy di động trên tay. Ruột xe của em nhỏ thủng 2 lỗ, trong lúc chờ đợi, chúng tôi đưa nhau ra cái ao rộng sau quán. Ao tự nhiên dưới một cái khe chảy từ núi ra nên nước rất trong. Xa xa những dãy núi đang mờ dần, uốn cong, sương khói.

- Chị ơi, lên cấp Ba đi trường huyện, trên í họ có khinh người nghèo không chị?

Câu hỏi của em làm tôi chợt nhớ ra bởi hồi đầu lớp 10, tôi đã có những phút giây chạnh lòng khi thấy mình nghèo hơn rất nhiều bạn. Trong khi họ thì mốt này mốt nọ, tôi quanh năm chỉ có ba bộ đồ thay phiên nhau, cảm giác tự ti ấy đã đeo bám tôi suốt cả năm học. Năm lớp 11, tôi lọt vào chung kết cuộc thi Rung chuông vàng, kể từ đó tôi biết giàu nghèo không quan trọng, cái chính là niềm tin ở bản thân mình. Tôi nói với em gái mới quen:

- Giàu hay nghèo chỉ là vỏ bọc thôi em. Cái chính là đạo đức con người và nỗ lực vươn lên. Mình là người vùng núi thì phải có cái chí vững như núi em ạ. Thế em muốn sau này sẽ theo nghề gì?

- Em có vô vàn điều ước nhưng điều em mong muốn nhất là được gặp bố mẹ mình. Gặp để bị mắng cũng được. Bởi có bố mẹ thì em sẽ được đi học mãi.

Em ngừng nói, nước mắt lặng lẽ rơi xuống đất vì em đang ngồi xổm, mặt gục giữa hai đầu gối. Tôi cũng không nói nên lời. Tôi thường buồn khi bị mẹ mắng nhưng tôi không biết có những người mong có mẹ để bị mắng mà không được. Bỗng dưng tôi nhớ bố và mẹ tôi biết bao mặc dù tôi đang ở gần bên họ.

- Hãy cố lên. Rồi tất cả sẽ qua. Rồi trời sẽ cho em gặp họ! – Tôi an ủi mà cũng không tin lắm vào điều mình nói.

- Mười lăm năm rồi chị ơi! Từ khi ra đời tới giờ em chỉ biết ông với bà. Em không biết họ là ai. Ông bà bảo bố mẹ em mất tích.

Em kể bà nuôi em bằng nước cơm, nhà chỉ gạo chứ không có gì khác. Bà thương cháu nhưng ông bà bảo không đủ tiền cho em ăn học như người ta. Em thường phải vào rừng lấy củi, xuống khe mò ốc. Em chỉ ước mơ có bố mẹ bên cạnh để được đi học mãi nhưng cả hai điều đó với em đều không thể, nó quá hư vô, xa vời, cay đắng. Mười lăm tuổi mà còn ngồi ở lớp ba thì đời em sẽ ra sao? Rồi sẽ lớn nhanh, lên được lớp 5 thì đã là thân gái, thân gái một mình vào rừng xuống khe, biết oan nghiệt nào đang rình rập hở em? Rồi ông bà sẽ già đi, em phải một mình ruộng lúa nuôi hai con người ơn cao đức dày ấy. Rồi em sẽ phải yêu đương lấy chồng, ai cũng trái tim da thịt, em sẽ xoay xở ra sao với cái nghèo và sự học dở ương như vậy?

Chú Nam ới vọng ra cho hay xe đã vá xong. Nghe chuyện cô bé mồ côi đang ở với ông bà lớn đại rồi mà còn học lớp 3, chú không lấy tiền công nữa. Tôi cố ép chú lấy tiền của tôi vì dù sao tôi cũng đủ bố đủ mẹ, tôi đã tốt nghiệp THPH và thường có nhuận bút của vài tờ báo. Cuối cùng chú Nam cũng nhận tượng trưng mấy nghìn.

Tôi tiễn em gái mới quen, bùi ngùi:

- Cố lên em nhé. Về nhanh, đường núi khó đi!

Em nhỏ lí nhí, run run:

- Em rất vui vì được làm quen với chị!

Tôi còn có thể làm gì được cho em ngoài những quyển tập cũ, những bộ quần áo thời học sinh đã cũ. Tôi cũng đâu giàu có gì, bố mẹ tôi làm nông mà phải nuôi tới bốn chị em tôi ăn học.

Tôi ước mơ mình thành đạt để cưu mang em, như là một đứa em kết nghĩa lận đận của mình. Điều tôi có thể làm ngay là kêu gọi mọi người sau khi đọc câu chuyện này thì tình thương sẽ biến thành sự tương trợ. Em như một vầng trăng trong trẻo yếu ớt giữa núi rừng tối tăm, em nghèo nhưng mà em không tham của rơi của vãi, em chỉ mơ được đi học, em là Kiều, học sinh lớp 3D trường tiểu học số 1 Châu Quang (Quỳ Hợp – Nghệ An).

Xin mọi người hãy cho em tình thương của mình.

Người viết

Phạm Thị Phương

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm