| Hotline: 0983.970.780

Chờ quy hoạch thị trấn, doanh nghiệp kêu cứu!

Thứ Năm 09/01/2014 , 09:23 (GMT+7)

Cty CP vệ sinh môi trường Lam Sơn (Cty Lam Sơn), đóng tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đầu tư hơn 5 tỉ đồng mua sắm thiết bị máy móc để xây dựng 1 NM xử lý rác hiện đại. Thế nhưng, đã hơn 6 năm qua doanh nghiệp này không thể triển khai dự án vì vướng GPMB và quy hoạch thị trấn.

Để thực hiện giấc mơ xây dựng một nhà máy (NM) xử lý rác thải môi trường nông thôn cho 5 huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Triệu Sơn, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa và các khu công nghiệp lân cận, góp phần xây dựng NTM, Cty CP vệ sinh môi trường Lam Sơn (Cty Lam Sơn), đóng tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đầu tư hơn 5 tỉ đồng mua sắm thiết bị máy móc. Thế nhưng, đã hơn 6 năm qua doanh nghiệp (DN) này không thể triển khai dự án vì vướng GPMB và quy hoạch thị trấn.

Chưa giao đất vì giám đốc không có... tướng mạo

Cty Lam Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương cho xây dựng NM xử lý rác thải tại thị trấn Lam Sơn - Sao Vàng vào ngày 27/8/2007. Còn UBND huyện Thọ Xuân đồng ý xác định địa điểm xây dựng NM tại xã Xuân Phú với diện tích 10 ha.

Trước đó, theo giấy phép đăng ký kinh doanh (2006) Cty Lam Sơn đã bắt đầu thu gom rác thải nông thôn (bình quân 175 - 200 tấn/ngày) về tập kết ở các bãi đất hoang của các xã chờ khi NM đi vào hoạt động sẽ xử lý triệt để. Thời điểm đó, UBND huyện Thọ Xuân xác định “đây là dự án hết sức cần thiết” và đề nghị các bên liên quan tạo mọi điều kiện để DN triển khai dự án.

Sở Xây dựng Thanh Hóa cũng khẳng định: “Việc UBND huyện Thọ Xuân, UBND xã Xuân Phú, Cty TNHH Lam Sơn Sao Vàng và Cty Lam Sơn lựa chọn địa điểm xây dựng dây chuyền xử lý rác thải tại xã Xuân Phú là hợp lý, phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng đô thị Lam Sơn - Sao Vàng”. Nhiều văn bản khác của các cấp lãnh đạo cũng đã khẳng định ý nghĩa và khuyến khích DN tư nhân xây dựng NM xử lý rác thải, nhằm góp phần sớm giải quyết bài toán nan giải về ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.


Hệ thống máy móc trị giá hơn 5 tỉ đồng nằm đắp chiếu gần 3 năm nay

Ông Nguyễn Sỹ Bình, giám đốc Cty Lam Sơn cho hay, sau khi nhận được sự đồng tình của tỉnh, các sở ban ngành và huyện Thọ Xuân, năm 2010, Cty đầu tư hơn 5 tỉ đồng mua 2 hệ thống tách lọc rác; 2 lò đốt và 1 hệ thống xử lý khí cổ lò đốt.

“Theo thiết kế và biên bản đánh giá tác động môi trường, khi đi vào vận hành NM sẽ xử lý khoảng 175 tấn rác thải/ngày, đảm bảo VSMT trong khu vực. Thế nhưng, sau bao lần chuyển đổi vị trí UBND huyện vẫn chưa giao đất cho chúng tôi. Ngày nào cũng nhìn thiết bị nằm phơi nắng phơi mưa tôi xót của lắm”, ông Bình nhấn mạnh.

Lý giải về sự cố chưa giao đất cho Cty Lam Sơn, ông Hoàng Lộc Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân nói: “Chưa giao đất cho Cty vì còn vướng vào GPMB và quy hoạch thị trấn Lam Sơn - Sao Vàng. Hơn nữa, năng lực tài chính của Cty này cũng hạn chế, không khả thi và giám đốc nhìn… chẳng có tướng mạo gì, văn phòng Cty thì tạm bợ (?!)”.

Thế phía UBND huyện đã yêu cầu Cty giải trình về năng lực tài chính chưa? - PV hỏi. Ông Ninh trả lời là chưa.

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện này, một lý do nữa dẫn đến việc huyện chưa giao đất là vì Cty không chi tiền. “Huyện chỉ giúp DN thực hiện còn tiền thì DN phải bỏ ra chứ, Cty Lam Sơn không chi tiền thì làm sao có thể bồi thường, GPMB”.

Được biết, năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Cty Lam Sơn gặp khó khăn về tài chính, một thời gian sau, khi đã có đủ nguồn lực Cty đề nghị UBND huyện GPMB, giao đất để triển khai dự án nhưng đợi tới gần 6 năm, chuyển vị trí quy hoạch thêm 2 - 3 nơi nhưng đến nay dự án vẫn… nằm trên giấy.

Rác thải đang chất thành núi

Hiện nay, Thanh Hóa chưa có một NM xử lý rác thải nào, trong khi đó, 2 bãi rác ở thị xã Sầm Sơn và TP Thanh Hóa đều đã quá tải, nếu tiếp tục “tập kết” rác về 2 vị trí này mà không xử lý triệt để chắc chắn ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi.

Xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân được tỉnh Thanh Hóa và các sở ngành xác định là vị trí đắc địa để xây dựng NM xử lý rác, nhưng trầy trật mãi, sau 4 lần gia hạn, ngày 13/8/2012, tại CV số 5714/UBND-NN, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý gia hạn cho Cty thêm 90 ngày để Cty hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất đầu tư xây dựng NM. Trên cơ sở đó, tháng 9 và 10/2012, Sở TN-MT liên tiếp có công văn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân thông báo thu hồi đất, thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư để GPMB thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc GPMB đã không được huyện Thọ Xuân thực hiện theo chỉ đạo.

Bất ngờ, ngày 29/10/2012, UBND huyện Thọ Xuân có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét chuyển địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải về xã Xuân Sơn với lý do “dự kiến sân golf tại xã Xuân Phú”. Tuy nhiên, tại thông báo số 87/TB-UBND ngày 18/6/2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hồi yêu cầu huyện Thọ Xuân: “Nghiên cứu cải dịch sân golf về phía đông”, nghĩa là không nằm trong khu vực xây dựng dự án NM xử lý rác…

Như vậy, xã Xuân Phú vẫn là nơi lý tưởng để xây dựng NM xử lý rác, nhưng lý giải của ông Hoàng Lộc Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện lại nhấn mạnh khu vực NM nằm trong quy hoạch thị trấn và khẳng định “không có bất kỳ DN nào được phép hoạt động trong vùng quy hoạch”.

Trái với khẳng định trên của ông Ninh, theo tìm hiểu của PV NNVN, hiện khu vực “đất quy hoạch thị trấn” đang có một Cty SX phân bón lấn chiếm gần 4 ha để hoạt động. Việc lấn chiếm này là vi phạm pháp luật đất đai, đã bị Sở TN-MT “tuýt còi” tại Thông báo số 328/TB-STNMT, ngày 29/10/2012 với yêu cầu: “Nhà máy phân vi sinh Lam Sơn - Sao Vàng dừng ngay mọi hoạt động san lấp mặt bằng đầu tư xây dựng trên đất. Đề nghị UBND huyện Thọ Xuân, xã Xuân Phú kiểm tra hiện trạng xử lý đúng thẩm quyền, trường hợp quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh”. Điều ngạc nhiên là ông Hoàng Lộc Ninh, người phụ trách quản lý nhà nước trên địa bàn nói rằng “tôi không biết việc này, để hỏi lại cấp dưới đã (?!)”.

Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng một NM xử lý rác ở Thanh Hóa đang là việc làm cấp bách hiện nay, bởi hàng nghìn tấn chất thải đã thu gom về ngày càng chất cao như núi đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người.

Cty Lam Sơn hiện có hơn 200 CB, CNV, lao động hợp đồng; trong đó, 110 người đã được đóng các loại bảo hiểm. Mỗi tháng người lao động chỉ làm việc 10 - 15 ngày; bình quân thu nhập đạt 1,5 - 2 triệu đồng/người.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất