| Hotline: 0983.970.780

Chờ tới bao giờ?

Thứ Sáu 11/10/2013 , 10:23 (GMT+7)

Quá nhiều những văn bản pháp luật, quá nhiều những thủ tục rườm rà, quá nhiều những đơn vị bộ ngành cùng tham gia quản lí...

Quá nhiều những văn bản pháp luật, quá nhiều những thủ tục rườm rà, quá nhiều những đơn vị bộ ngành cùng tham gia quản lí... Đó là những ý kiến bày tỏ sự sốt ruột trước tiến độ rùa bò của việc chứng nhận, cho phép đưa cây trồng biến đổi gen (BĐG) vào SX ở nước ta.

Được khởi động từ năm 2007 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lí an toàn sinh học (ATSH) đối với sinh vật BĐG và sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật BĐG, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng, ban hành Quy định về khảo nghiệm, đánh giá rủi ro và cấp Chứng nhận ATSH đối với cây trồng BĐG ngay trong năm 2007.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khúc mắc, liên quan tới nhiều Bộ, ngành mà tới nay, Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) vẫn chỉ đang là dự thảo, tiếp tục chờ lấy ý kiến, và nhiều khả năng phải hết năm 2013, Thông tư này mới được thông qua.


14 văn bản pháp luật, vẫn chưa thể đưa cây trồng BĐG ra SX thương mại

Theo những tài liệu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư này do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (10/10), chúng tôi đã thống kê được, tới thời điểm này, đã có tổng cộng tới 14 văn bản pháp luật được ban hành để trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới việc quản lí về cây trồng, sản phẩm cây trồng BĐG, bao gồm luật, nghị định, quyết định, thông tư... liên quan tới cả 3 Bộ là Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và Bộ TN-MT. Đáng buồn là cho tới thời điểm này, không ai khẳng định được tới bao giờ, cây trồng BĐG mới được chính thức cấp phép đưa vào SX thương phẩm trên đồng ruộng Việt Nam.

Tại hội thảo hôm qua, hàng loạt ý kiến đã tập trung la ó về sự chậm trễ lẫn sự rối rắm về thủ tục pháp lý khi công nhận cho cây trồng BĐG vào Việt Nam. Chúng tôi xin ghi lại một số ý kiến tại hội thảo này.

PGS.TS Nông Văn Hải – Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam): Cứ thế này, chắc 5 năm nữa chưa thể sản xuất!

“Từng được tham gia góp ý ngay từ những năm đầu triển khai chương trình đưa cây trồng BĐG vào Việt Nam, đến nay đã 6-7 năm trời rồi nhưng tiến độ hoàn thành các thủ tục đánh giá ATSH đối với cây trồng BĐG vẫn đang vô cùng chậm chạp và rối rắm. Ban đầu chúng ta đặt mục tiêu năm 2010 hoàn thành để đưa vào SX, rồi lùi tới 2011, bây giờ tới 2013 rồi nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Cứ thế này tôi nghĩ ba năm, năm năm hay có khi mười năm nữa chưa chắc đã đưa được cây trồng BĐG vào SX.

Chúng ta cứ mãi bàn hết quy định này đến quy định khác, nhưng thực ra đã có luật nào cấm cây trồng BĐG hay chưa? Không có ai cấm thì chúng ta có quyền làm chứ? Hôm nay chúng ta bàn về thông tư để cấp giấy xác nhận cho cây trồng BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và TĂCN. Thông tư này dù có được thông qua, đơn vị doanh nghiệp có thể được cấp giấy xác nhận, nhưng bên Bộ TN-MT họ không làm thủ tục chứng nhận ATSH thì cũng vô ích, vì làm sao có thể đưa ra SX thương mại?

Từ nay, tất cả các ngôn ngữ dùng trong hệ thống văn bản pháp luật, nên gọi cây trồng BĐG là cây trồng công nghệ sinh học thì đúng hơn. Bởi cây trồng BĐG thực ra chúng ta chỉ bổ sung, chỉnh sửa một chút xíu về bộ gen trong số hàng vạn gen mà thôi chứ đâu có gì ghê gớm. Ngô vẫn là ngô, đậu vẫn là đậu chứ có khác gì đâu? Lâu nay chúng ta đã làm cho dư luận xem cây trồng BĐG như là ngáo ngộp”.

GS.TS Lê Đình Lương – Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam: ATSH chỉ là cái cớ để phản đối cây trồng BĐG

“Có quá nhiều văn bản rối rắm, liên quan đến quá nhiều bộ ngành cùng quản lí cây trồng BĐG. Mấy năm nay, chỉ có 3 doanh nghiệp nước ngoài đang khảo nghiệm cây trồng BĐG ở Việt Nam. Hàng chục thông tư, quyết định, nghị định, tốn quá nhiều tiền bạc công sức lập ra chỉ để điều chỉnh 3 doanh nghiệp thì quả là hết sức lãng phí.

Hiện nay, vẫn có hai luồng quan điểm ủng hộ và phản đối cây trồng BĐG, phía phản đối chủ yếu là các nước EU. Xin nói động cơ của việc phản đối đó chẳng phải vì khoa học, vì ATSH hay rủi ro sức khỏe gì cả, mà chủ yếu vì lí do kinh tế chính trị. Bởi EU hiện đang sống rất khỏe như nhờ nền nông nghiệp truyền thống, họ biết cho phép cây trồng BĐG vào đồng nghĩa với việc nông nghiệp truyền thống của họ sụp đổ ngay, bởi họ không mạnh về công nghệ gen. Ngay cả những nước đang sở hữu cây trồng BĐG gây tranh cãi, thì họ cũng vừa nghiên cứu ảnh hưởng, vừa SX, chứ ngồi chờ nghiên cứu, thẩm định như chúng ta thì tới bao giờ?

Tôi xin nói, đưa cây trồng BĐG vào SX là tất yếu và phải làm nhanh, càng sớm càng tốt, nhưng thủ tục chính sách phải thông thoáng, đơn giản, chứ không thể có một cái giấy chứng nhận mà phải đi qua bao nhiêu cửa ải như hiện nay”.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch (Đại học Nông nghiệp Hà Nội): Công nghệ gen như công nghệ sửa xe máy rồi!

Chúng ta đã không, hoặc cố tình không nhìn thẳng vào một thực tế rằng, 82% đậu tương trên thế giới hiện nay là đậu tương BĐG. Hàng chục năm qua, mỗi năm chúng ta NK hàng chục triệu tấn ngô, đậu tương cũng đều là BĐG cả. Vì thế bây giờ chúng ta vẫn đang tranh cãi chuyện nên hay không, quản lí ra sao đối với cây trồng BĐG thực ra là “chuyện đã rồi”.

Vấn nạn của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là thuốc BVTV, ta đang nghiên cứu ra giống cây trồng BĐG kháng sâu bệnh, như thế thì vấn nạn thuốc BVTV coi như dẹp yên. Tốt như thế tại sao ta cứ dền dứ mãi về cây BĐG?

Chúng ta e ngại về nguy cơ mất ATSH, rủi ro về sức khỏe của cây trồng BĐG nên quá cẩn trọng, nhưng xin khẳng định những nước có cây trồng BĐG họ đã đánh giá rất nghiêm túc trước khi đưa ra SX chứ không phải chuyện đùa. Ở Mỹ, công nghệ cấy gen bây giờ đã như công nghệ sửa xe máy xe đạp, nghĩa là anh chỉ cần cầm hạt giống tới, có những công ty, những trung tâm họ đã niêm yết sẵn cấy gen gì, cho cây gì thì hết bao nhiêu tiền, chứ đâu có gì xa lạ!

Quan điểm của tôi, cây trồng BĐG nào đã được một số nước sử dụng, thì chúng ta cho phép đưa vào ngay, chứ chẳng cần phải khảo nghiệm đánh giá ATSH gì nữa, bởi chúng ta làm sao đủ trình độ để đánh giá chất lượng hay độ an toàn? Chúng ta không trực tiếp sở hữu công nghệ chuyển gen, không trực tiếp SX ra được cây BĐG nhưng lại bắt đơn vị đưa cây BĐG vào nước ta phải trình đủ loại hồ sơ giấy tờ để đánh giá, như thế khác nào chúng ta đi đánh giá chất lượng máy bay Boeing?

Một giấy xác nhận, cả tá hồ sơ

Tại hội thảo hôm qua, Vụ KH-CN (Bộ NN-PTNT) đã trình Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và TĂCN (gọi tắt là Giấy xác nhận).

Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn được cấp Giấy xác nhận cho thì phải trình được hồ sơ có tới 6 loại giấy tờ gồm:

Đơn đăng ký cấp Giấy xác nhận; báo cáo rủi ro đối với sức khỏe con người và vật nuôi; tài liệu khoa học tham khảo, số liệu đánh giá, thử nghiệm hoặc minh chứng khoa học làm căn cứ để kết luận thực vật BĐG đó không tác động xấu đến sức khỏe con người và vật nuôi; báo cáo tóm tắt Báo cáo rủi ro; tờ khai thông tin đăng tải lấy ý kiến công chúng; văn bản cho phép làm thực phẩm, TĂCN của cấp có thẩm quyền.

Cũng theo dự thảo, hồ sơ hợp lệ phải trải qua các khâu thẩm định hết sức nghiêm ngặt, kéo dài trong vòng 6 tháng của Hội đồng An toàn thực phẩm – TĂCN (hội đồng do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quyết định).

Như vậy, ngoài Giấy xác nhận của Bộ NN-PTNT, đơn vị muốn cấp phép SX cây trồng BĐG để SX thương mại còn phải có thêm giấy phép chứng nhận ATSH do Bộ TN-MT cấp.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất