| Hotline: 0983.970.780

Chờ vào các giáo sư, tiến sĩ thì có lẽ nền nông nghiệp nước nhà...

Thứ Ba 15/03/2016 , 07:10 (GMT+7)

“Số giáo sư, tiến sĩ của chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới”.

Vừa qua, xóm tôi có được một bữa tiệc linh đình. Nguyên nhân là có người trong xóm vừa đỗ tiến sĩ.

Thú thật, ở cái xóm lao động nghèo này chỉ cần có bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thôi cũng đã đủ làm cho bà con háo hức, nói chi là học vị tiến sĩ. Điều đó làm cho ai cũng tự hào lắm lắm, kể cả tôi cũng thế.

Nghi ngờ vì quá nhiều tiến sĩ

Nhưng suy đi nghĩ lại, có điều gì đó không ổn. Theo như tôi được biết, tiến sĩ xóm tôi lâu nay vẫn là công chức tà tà, đi làm về thì chè chén với bạn bè thâu đêm suốt sáng. Nào có nghe nói anh ta đi học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ khi nào đâu?

Cũng chẳng thấy anh có công trình khoa học nào hay miệt mài nhốt mình trong phòng để học tập, nghiên cứu đề tài. Điều đó làm tôi cảm thấy nghi ngờ. Vì thực sự rất nhiều năm qua, dù Việt Nam chúng ta có nhiều tiến sĩ nhưng chưa có công trình nào giúp ích cho bà con nông dân.

Mặt khác, cũng vì sính bằng cấp, muốn cho “bằng anh bằng chị” mà nhiều vị đánh mất lòng tự trọng, cố gắng chạy chọt để mong sao có được tấm bằng tiến sĩ lấy le với đời.

Ông Nguyễn Văn Ngọc giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương từng lấy bằng tiến chỉ trong 6 tháng với 17.000 USD. Hay ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ có tấm bằng tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh.

Hai vị này đều học ở trường Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University Inc) của Mỹ. Được biết trường Đại học này là trường rởm (degree-mill) bị báo chí phanh phui trong nhiều năm qua. Hay ông Cao Minh Quang, thời còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế đã bị phát hiện khai man tự phong mình là tiến sĩ.

Theo Bộ Khoa học-Công nghệ, năm 2013 Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ. PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ của chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới”.

Chúng ta có quá nhiều tiến sĩ nhưng ít đóng góp cho quốc tế, thiếu các công trình khoa học tầm cỡ và teo tóp các sáng chế. Điều đó cho thấy sự nghiệp đào tạo học vị tiến sĩ ở nước ta còn rất yếu kém. Và cũng không loại trừ khả năng mua bằng (tiến sĩ “giấy”).

Tiến sĩ thua... Hai Lúa?

Nông dân Bùi Hiển (Bình Dương), người chế tạo trực thăng bay được nói: “Việt Nam đến cái ốc vít bắt vào ô tô còn phải đi nhập nước ngoài, trong khi những sáng kiến, sáng tạo của người dân không được chú ý tới”. Câu nói này đáng để các tiến sĩ Việt Nam suy ngẫm!

Trong khi tiến sĩ nước ta thiếu những phát minh thiết thực thì nhiều nông dân chân đất lại cho ra đời các sáng chế được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

Có thể kể vài trường hợp sau. Nông dân Hồ Văn Luyện (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) chế tạo máy vớt lục bình dùng hút, xén, băm nhỏ lục bình và sau đó phân hủy thành phân hữu cơ. Nông dân Lương Văn Đồng (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) chế tạo chiếc máy cày đa năng dùng vun luống, xén cỏ, gieo hạt thay vì dùng nhiều công cụ khác nhau.

Rồi nông dân Nguyễn Văn Thanh (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) sáng chế thành công thiết bị chống trộm được kết nối từ điện thoại cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Hai (phường Xuân An, TP Phan Thiết, Bình Thuận) có đến hàng chục phát minh, nổi bật nhất là máy tuốt củ lạc. Hay ông Nguyễn Văn Toàn (xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) có hai công trình ấn tượng: công nghệ nấu bột giấy theo quy trình nhiều bậc sử dụng hóa chất, máy sấy nông sản và vật liệu xây dựng kiểu đứng…

Lẽ ra, những công trình vừa kể trên phải chính tay các giáo sư, tiến sĩ sáng chế, phát minh ra. Và nông dân mới là người ứng dụng vào thực tiễn. Nhưng mọi việc lại bị đảo ngược.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên ở các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên ở các trường đại học. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Vậy hơn 15.000 tiến sĩ còn lại đang làm việc ở đâu và đã đóng góp gì cho nước nhà?

Người dân giảm bớt những khó khăn trong công việc, đã không ngần ngại mầy mò, tìm tòi suốt nhiều năm trời để cho ra đời những sáng chế hoàn thiện, ứng dụng nhiều trong đời sống, được bà con ủng hộ nhiệt tình. Đa phần trình độ của họ chỉ từ lớp 5 đến lớp 8 nhưng ý tưởng thì chẳng tệ chút nào.

Vì đâu nên nỗi?

Trong một kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đã bức xúc nói về sự yếu kém của công nghiệp nước nhà: “Ta đào tạo được tiến sĩ sao không làm được con ốc vít?”.

Một bạn đọc trên một tờ báo điện tử uy tín hài hước trả lời cho câu hỏi này: “Vì ốc vít khi sản xuất phải đúng theo quy cách, tiểu chuẩn quốc tế. Còn bằng tiến sĩ chỉ “sản xuất” theo tiêu chuẩn Việt Nam”.

Điều đó cho thấy chúng ta không thể trông chờ vào những phát minh “Made in Vietnam” từ các tiến sĩ. Nông dân ở thế kỷ 21 cũng rất tài tình. Dù lao động chân tay nhưng họ vẫn có khối óc tư duy, sáng suốt.

Vì vậy Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nhà nông, nhằm giúp những phát minh, sáng chế của họ được biết đến rộng rãi. Cảm giác mình là người hữu ích sẽ giúp cho nông dân sống có trách nhiệm với xã hội và không ngừng nâng cao tay nghề trong lao động, sản xuất.

Chứ mãi trông chờ vào các giáo sư, tiến sĩ thì có lẽ nền nông nghiệp nước nhà tụt hậu như thuở hồng hoang.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm