| Hotline: 0983.970.780

Choáng ngợp đội quân đất nung hộ tống Tần Thủy Hoàng

Chủ Nhật 20/05/2018 , 13:15 (GMT+7)

Năm 1974, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện ra đội quân đất nung tại quận Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên dường như muốn đưa toàn bộ thế giới ông sống sang thế giới bên kia cùng mình.

Theo một số tài liệu, Tần Thủy Hoàng còn ra lệnh giết cả các cung tần, mỹ nữ, thái giám sau khi ông băng hà. Bên cạnh số lượng lớn ngọc ngà, châu báu, điểm nhấn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng không thể không kể đến một đội quân với 8.000 lính bằng đất sét, tất cả đều có kích thước thật. Thời kỳ đầu, nhiều bí ẩn bao quanh đội quân này nhưng trải qua hơn 40 năm, giới khảo cổ Trung Quốc đã có thể giải mã được một phần các câu hỏi, theo chuyên trang Historic Mysteries.
 

Lăng mộ 98 km2

Đội quân đất nung được phát hiện gần Hàm Dương, kinh đô nước Tần thời Chiến Quốc, cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng khoảng hơn một km. Khu vực tìm thấy đội quân đất nung nằm cách thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, khoảng hơn 1.000 km về phía tây nam.

10-18-07_5
Các chiến binh đất nung dù có nhiều nét tương đồng nhưng không bức tượng nào giống nhau hoàn toàn. Ảnh: Historic Mysteries

30 năm cuối cuộc đời, Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng lăng mộ khổng lồ của mình với diện tích lên tới 98 km2. Ở trung tâm khu lăng mộ là một ngọn núi hình kim tự tháp chứa quan tài bằng đá đặt thi thể Tần Thủy Hoàng.

Các nhà khoa học tin rằng Tần Thủy Hoàng cho thiết kế lăng mộ mô phỏng lại toàn bộ khuôn viên cung điện nơi ông sống lúc còn trị vì. Năm 1974, những nông dân địa phương trong lúc đào mương thoát nước ở bức tường phía đông lăng mộ đã tìm thấy một chiếc đầu và thân người bằng đất sét. Họ không biết chúng là gì, nhưng vài tháng sau, khi các nhà khoa học biết tin, họ tới tận hiện trường để kiểm tra và đội quân đất nung cũng được phát hiện từ đây.
 

Choáng ngợp

Kể từ thời điểm khai quật vào năm 1974, giới khảo cổ đã phát hiện ba hố lớn chứa hơn 8.000 tượng người là các lính bộ binh, phu xe, kỵ binh và gần 600 con ngựa xếp thẳng hàng. Các bằng chứng cho thấy có khoảng 160 xe ngựa đi cùng những con ngựa dù đa phần các bộ phận bằng gỗ của chúng đều đã mục nát theo thời gian. Dù vậy, sự choáng ngợp chúng đem đến là thật. Đội máy xúc cũng tìm thấy khoảng 40.000 loại vũ khí khác nhau.

Ba chiếc hố chứa đội quân đất nung sâu khoảng 4,5 m đến 6 m. Chúng được phân thành các hành lang với kích cỡ khác nhau nhưng rộng không quá 3 m, ngăn cách bởi những bức tường bằng đất. Phần nền mỗi hố lại có tới hàng nghìn viên gạch đất.

10-18-07_2
Hố chôn các chiến binh đất nung được phân thành những hành lang dài, ngăn cách bởi bức tường bằng đất. Ảnh: Historic Mysteries

Đáng chú ý, đội quân đất nung nằm ở phía đông lăng mộ Tần Thủy Hoàng và hướng mặt về hướng từng là lãnh thổ của kẻ thù. Mỗi binh sĩ trong đội quân đều mang theo một loại vũ khí và xếp thành đội hình rõ ràng.

Ngoài ra, mỗi hố chứa quân đều có những đặc điểm riêng rất dễ phân biệt. Hố đầu tiên được phát hiện năm 1974, có diện tích lên tới gần 14.000 m2, chứa khoảng 6.000 bức tượng, lớn nhất trong ba hố, với nhiều loại quân khác nhau, một vài tướng lĩnh, 45 xe ngựa và ngựa, cung thủ, nỏ thủ cùng lính bộ binh. Ba hàng cung thủ mang áo choàng và không mặc giáp đứng ở hàng đầu. Phía sau là bộ binh mặc áo giáp cùng xe ngựa và ngựa.

Hố thứ hai được khai quật năm 1976, rộng khoảng 6.000 m2. Tại đây, các nhà khoa học tìm thấy số lượng cung thủ quỳ gối nhiều nhất (162 người) cùng 170 nỏ thủ trong tư thế đứng. Đặc biệt, ở hố này, người ta còn phát hiện một bức tượng chiến binh với khuôn mặt được sơn xanh. Tổng cộng, hố thứ hai có 1.400 bức tượng và 89 chiến xa.

10-18-07_1
Chiến binh đất nung với gương mặt sơn màu xanh đặc biệt ở hố chôn thứ hai. Ảnh: Historic Mysteries

Hố thứ ba cũng được khai quật năm 1976, rộng chừng 500 m2. Đây dường như là trung tâm chỉ huy với nhiều tượng tướng lĩnh cấp cao và một chiến xa cho đại tướng. Mẫu xe ngựa này lớn hơn những chiếc khác trong hai hố còn lại và có tới 4 lính bộ binh (thay vì hai lính) bảo vệ xung quanh. Không giống với những chiến binh ở các hố khác, trong 68 bức tượng ở hố thứ ba, rất nhiều bức quay mặt vào nhau.
 

Tuyệt tác nghệ thuật

Giới chuyên gia đánh giá đội quân đất nung là một tuyệt tác nghệ thuật độc nhất vô nhị của Trung Quốc. Mỗi bức tượng binh sĩ đều vô cùng sống động và dù có những nét tương đồng, không bức tượng nào giống nhau hoàn toàn. Nhiều người cho rằng các nhà điêu khắc đã chế tác mỗi bức tượng đất nung mô phỏng theo các chiến binh tinh nhuệ nhất trong đội quân của Tần vương.

Mỗi chiến binh đất nung nặng từ 45 đến 180 kg, cao từ 1m8 đến 2m. Cơ thể họ hình dáng và tư thế khác nhau. Một số binh sĩ rất gầy trong khi số khác lại rắn chắc hơn. Đa phần các bức tượng đều trong tư thế đứng nhưng cũng có một lượng nhỏ tượng ở tư thế quỳ gối. Nhìn chung, đội quân đất nung toát lên sức mạnh, sự tự tin và tinh thần sẵn sàng xả thân cũng như chiến đấu cho hoàng đế.

10-18-07_3
Tư thế của hai chiến binh đất nung. Ảnh: Historic Mysteries

Về các bức tượng ngựa, có hai mẫu ngựa bên cạnh các chiến binh gồm loại không có yên cương dùng để kéo xe và loại có yên cương do các kỵ binh điều khiển. Những bức tượng ngựa được chạm khắc khá tinh xảo, chi tiết và khá giống thật, từ răng, bờm, lưng, bắp chân cho đến yên cương. Chúng nặng khoảng 340 kg, cao từ 1,65 m đến 2 m.
 

Ai tạo ra đội quân đất nung?

Các bằng chứng chỉ ra rằng đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng được tạo nên bởi những nghệ nhân điêu khắc hàng đầu thời bấy giờ. Các nhà khảo cổ tìm thấy tên của từng nhà điêu khắc được in giấu bên trong mỗi bức tượng chiến binh. Đến nay, họ đếm thấy tổng cộng 87 nghệ nhân điêu khắc. Có lẽ việc in tên người làm ra bức tượng nhằm phục vụ mục đích kiểm soát chất lượng. Nếu tượng không đạt tiêu chuẩn, nhà điêu khắc có thể phải lĩnh hậu quả, thậm chí là cái chết.

Một học giả người Áo suy đoán có thể các nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại đã đến tận Trung Quốc để dạy cho những nghệ nhân nơi đây cách tạo ra các bức tượng tinh xảo. Tuy nhiên, hoàn toàn không có bằng chứng cụ thể về nhận định trên.

10-18-07_4
Vũ khí được tìm thấy trong các hố chôn. Ảnh: Historic Mysteries

Theo Li Xiuzhen, nhà khảo cổ nổi tiếng Trung Quốc, đội quân đất nung “có thể được lấy cảm hứng từ văn hóa phương Tây nhưng chắc chắn là tác phẩm độc nhất do người Trung Quốc làm”. Các nhà khảo cổ tin rằng họ đã tìm thấy thi thể những nghệ nhân điêu khắc được chôn trong 45 hầm mộ cách lăng Tần Thủy Hoàng khoảng 5 km.

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận lăng mộ Tần Thủy Hoàng và đội quân đất nung là di sản thế giới.

10-18-07_6
Một kỵ binh đất nung bên ngựa sở hữu các chi tiết vô cùng tinh xảo. Ảnh: Historic Mysteries

(Kiến thức gia đình số 20)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).